Khách vay vẫn phải mua bảo hiểm dù không có nhu cầu
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, ông Trần Nguyên Đán nói: Theo kết luận thanh tra Công ty bảo hiểm AIA và trước đó là 4 công ty khác về hoạt động bán bảo hiểm qua ngân hàng, Bộ Tài chính kết luận tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm sau 1 năm mua qua ngân hàng rất cao.
Như ở AIA, tỉ lệ hợp đồng bị hủy sau 1 năm mua qua ngân hàng lên tới 57%, trong đó có những sản phẩm bảo hiểm có tỉ lệ hủy lên tới 74%.
Điều này cho thấy người mua không có nhu cầu mua bảo hiểm. Khách hàng mua bảo hiểm như là thủ tục khi vay tiền ngân hàng.
* Vậy theo ông, có nên cấm ngân hàng bán bảo hiểm?
- Theo tôi, không cấm ngân hàng hợp tác kinh doanh bán bảo hiểm. Vì ngân hàng cũng là nơi phù hợp để tư vấn bảo hiểm. Nhưng nhân viên của công ty bảo hiểm sẽ tư vấn cho khách hàng thay vì nhân viên ngân hàng.
Bởi nhân viên ngân hàng khó có thể tư vấn, chăm sóc khách hàng một cách kỹ càng. Thêm vào đó, nhân sự chọn ngân hàng làm nơi làm việc vì họ thấy mình phù hợp với các nghiệp vụ ngân hàng chứ không phải vào ngân hàng để bán bảo hiểm nhân thọ.
Như tại kết luận thanh tra hoạt động bán bảo hiểm thông qua ngân hàng của Công ty bảo hiểm AIA, Bộ Tài chính nhấn mạnh có đại lý bảo hiểm, nhân viên ngân hàng chưa giải thích rõ hoạt động phân phối bảo hiểm qua ngân hàng tách biệt với hoạt động của ngân hàng.
Có nhân viên ngân hàng giới thiệu khách tham gia hợp đồng bảo hiểm liên kết chung khi chưa được cấp chứng chỉ đào tạo đại lý bảo hiểm hoặc chưa được chứng nhận hoàn thành khóa học về sản phẩm...
Nhưng theo tôi, điều cần quan tâm ở đây là phải định nghĩa thế nào là ép khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ. Vì đây là hành vi trái luật. Ngân hàng nói họ không ép mà chỉ gợi ý, chào bán thôi.
Nhưng về phía khách hàng, người đi vay thấy rằng hành vi gắn hoạt động giải ngân khoản vay với ký hợp đồng bảo hiểm là bị ép.
* Để chứng minh bị ép mua bảo hiểm có khó không, thưa ông?
- Ngân hàng Nhà nước khẳng định cấm ngân hàng ép khách vay phải mua bảo hiểm.
Vậy ai sẽ định nghĩa hành vi ép là như thế nào? Trường hợp bị ép mua bảo hiểm thì người vay vốn bị ép mua có thể khiếu nại lên đâu?
Nhưng tỉ lệ hủy hợp đồng bảo hiểm nhân thọ mua qua ngân hàng sau 1 năm lên tới hơn một nửa cho thấy khách hàng có bị ép mua bảo hiểm.
Thực tế, khách hàng không mua bảo hiểm thì rất khó được giải ngân. Còn nếu mua bảo hiểm nhân thọ thì khách hàng sẽ được ngân hàng ưu đãi về lãi suất, giải ngân nhanh.
Mặt khác, có tình trạng lách luật bằng cách khách đi vay mua bảo hiểm cho người thân.
Ngân hàng bán bảo hiểm để được hưởng hoa hồng
* Tại sao ngân hàng lại tìm nhiều cách để bán bảo hiểm nhân thọ như vậy?
- Hầu hết ngân hàng ép khách vay phải mua bảo hiểm là do có ký kết độc quyền với công ty bảo hiểm trong thời gian dài.
Ngân hàng đã nhận được khoản tiền là phí trả trước, giống như tiền thưởng hoa hồng kinh doanh nhưng được trả trước một lần. Phí trả trước rất lớn.
Khi nhận được số tiền đó, ngân hàng thường đẩy chỉ tiêu bán bảo hiểm vào các bộ phận kinh doanh của mình.
Bộ phận dễ triển khai bán bảo hiểm nhân thọ nhất, theo góc nhìn của họ, là tín dụng. Khi khách hàng vay thì lệ thuộc vào ngân hàng.
* Nhưng mua bảo hiểm nhân thọ, khách hàng sẽ được ưu đãi lãi vay. Theo ông, điều này có hợp lý?
- Đây là chiêu của ngân hàng. Khách hàng sẽ được giảm lãi suất cho vay nếu mua bảo hiểm nhân thọ. Điều này là không phù hợp.
Bởi ngân hàng cho vay từ nguồn tiền của người gửi tiền. Người gửi tiền mong đợi ngân hàng sẽ thẩm định tín dụng để đảm bảo an toàn tiền gửi.
Như vậy, khách hàng đi vay muốn nhận lãi suất thấp thì phải chứng minh được phương án vay hiệu quả, khả năng trả nợ...
Nên ngân hàng giảm lãi suất vì khách hàng mua bảo hiểm nhân thọ cho thấy ngân hàng không hành xử hợp lý với niềm tin của người gửi tiền.
Ngân hàng chỉ tìm cách đạt được lợi ích của mình trong khoản hoa hồng và phí trả trước bảo hiểm nhân thọ mà thôi.