Trong sự nghiệp quần vợt của mình, Rafael Nadal đã làm được nhiều điều không tưởng, bao gồm giành về 21 lần đạt Grand Slam (con số chưa ai làm được), trong đó có 13 chiến thắng Roland Garros, viết lại toàn bộ trang sử của môn thể thao này. Ngoài ra, Nadal còn được mệnh danh là "vua đất nện" bởi hiếm khi thua trên mặt sân này. Anh đã thắng hơn 90% số trận anh đã chơi trong sự nghiệp đỉnh cao.
Rafael Nadal đã lọt vào trận chung kết Pháp Mở rộng (Roland Garros) lần thứ 14, sau khi đối thủ của anh là Alexander Sverev bỏ giải do chấn thương chân ở vòng bán kết. Trận chung kết diễn ra tối ngày 5/6 (giờ Việt Nam) là trận chung kết Grand Slam thứ 30 của Nadal.
Tuy nhiên, tay vợt người Đức không phải người duy nhất chịu đựng cơn đau. Rafael Nadal đã phải đối mặt với rất nhiều chấn thương trong suốt sự nghiệp lẫy lừng của mình.
Rafael Nadal đã phải thi đấu với Hội chứng Mueller-Weiss, tình trạng thoái hóa hiếm gặp ảnh hưởng đến xương ở bàn chân. Nó được mô tả là chứng hoại tử xương khởi phát tự phát ở người trưởng thành. Xương thuyền phụ (ở chân) bị hoại tử, khiến máu chảy ra gây đau và biến dạng ở vùng giữa và sau bàn chân.
Hội chứng đặc biệt này có thể khiến Nadal kết thúc sự nghiệp. Tay vợt người Tây Ban Nha được chẩn đoán mắc chứng bệnh này vào năm 2005 khi mới 19 tuổi. Đây cũng là năm đầu tiên anh vô địch Pháp Mở rộng.
Rafael Nadal mắc hội chứng hiếm gặp. Ảnh: AP.
Nadal thừa nhận rằng đã uống thuốc chống viêm hàng ngày để có thể luyện tập. Theo nhà báo người Tây Ban Nha Angel Garci, phần xương ở bàn chân của Nadal đã bị hoại tử, các mô đang chết đi do không được cung cấp máu.
Tình trạng hoại tử có thể đồng nghĩa với việc Nadal phải phẫu thuật. Đồng thời anh buộc phải nghỉ thi đấu sau giải Roland Garros. Hội chứng Mueller-Weiss có thể chỉ ảnh hưởng đến một bàn chân nhưng thường xảy ra hơn cả hai. Trong trường hợp của Nadal, anh bị mắc hội chứng này ở chân trái.
"Tôi thà thua trận chung kết và có bàn chân khỏe mạnh. Thật tuyệt vời nếu chiến thắng nhưng cuộc sống quan trọng hơn nhiều so với bất kỳ danh hiệu nào, đặc biệt là sau sự nghiệp mà tôi đã có", Nadal chia sẻ.
Theo France 24, phụ nữ có khả năng mắc hội chứng này cao hơn so với nam giới và thường ảnh hưởng đến những người trong độ tuổi 40-60, mặc dù nguyên nhân vẫn chưa được biết rõ.
Gilbert Versier, cựu trưởng khoa chỉnh hình tại bệnh viện quân y Vincennes cho biết đây là bệnh lý rất hiếm gặp và nguồn gốc của nó không rõ ràng.
Một số yếu tố có thể làm tăng nguy cơ phát triển tình trạng này, chẳng hạn như thừa cân, bàn chân bẹt hoặc gãy xương do căng thẳng. Tuy nhiên hội chứng này thường khó chẩn đoán, vì nó phát triển mà không gây đau trong giai đoạn đầu. Khi cảm thấy đau và khó vận động thì lúc này đã muộn.
Nếu người bệnh bị đau (như Nadal), các phương pháp điều trị chống viêm và thâm nhiễm sẽ được sử dụng. Khi bệnh nhân đến giai đoạn không thể giảm đau nữa, phẫu thuật có thể được chỉ định để giữ lại khớp được tạo thành bởi xương chậu và ba xương hình nêm.
Phát biểu với AS và L'Equipe tại Melbourne sau giải Australia mở rộng 2022, Nadal cho biết: "Chúng tôi đã biết từ khá lâu rằng bệnh này không thể chữa được. Vì vậy bất cứ điều gì chúng tôi cố gắng là giảm bớt nỗi đau, vừa đủ để tôi tiếp tục chơi. Đó là điều tương tự mà tôi đã làm trong suốt sự nghiệp của mình, mặc dù rõ ràng, mọi thứ đều có yếu tố thoái hóa".
Tình trạng thoái hóa diễn ra theo thời gian và khá đau đớn. Thông thường, bệnh thoái hóa khớp sẽ mất một thời gian dài để phát triển.
Ảnh: lEFE.