Trong hai năm qua, nền kinh tế Việt Nam phải đối diện với hàng loạt khó khăn chưa có tiền lệ do đại dịch COVID-19 gây nên. Đến nay, Việt Nam đã chuyển sang trạng thái "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19".
Kết quả cho thấy, nước ta đã phục hồi nhanh chóng các hoạt động sản xuất kinh doanh, ổn định việc làm cũng như thu nhập cho người lao động, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.
Trong quý I năm nay, nền kinh tế đã quay trở lại đà tăng trưởng mạnh, đạt trên 5% so với cùng kỳ năm trước. Các lĩnh vực xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng đều tăng khả quan, niềm tin của người các nhà đầu tư tăng mạnh.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm S&P vừa nâng hạng tín nhiệm dài hạn của Việt Nam từ BB lên BB+, ghi nhận nền kinh tế nước ta đang trên đà phục hồi vững chắc và dự báo tăng trưởng GDP năm nay của khoảng 6,9% với xu hướng dài hạn là 6,5% - 7% từ năm 2023.
Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam ngày 5/6, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh chia sẻ, những kết quả về phát triển kinh tế xã hội rất đáng khích lệ trong những tháng đầu năm 2022 cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tiếp tục trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh như trước đại dịch.
Ông Trần Tuấn Anh bày tỏ sự tin tưởng rằng, sau diễn đàn này, nền kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục phát triển nhanh và bền vững, có nội lực và năng lực cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế sâu rộng, có khả năng thích ứng và chống chịu được trước những bất ổn từ bên ngoài, đơn cử như xung đột tại Ukraine.