Sóng bức xạ và những tranh cãi về sức khỏe
Tác động của sóng bức xạ (hay sóng bức xạ điện từ) trên điện thoại, đặc biệt là smartphone, đến sức khỏe con người từ lâu trở thành chủ đề tranh cãi. Đến nay, đã có nhiều nghiên cứu về vấn đề này nhưng các nhà khoa học vẫn chưa thể đi đến kết luận thống nhất. Mức độ bức xạ của điện thoại được đánh giá qua tỷ lệ hấp thụ riêng (SAR), tính bằng đơn vị Watt/Kg (W/kg), với giá trị càng cao đồng nghĩa khả năng phát sóng bức xạ càng lớn.
Trên thế giới, mỗi quốc gia và khu vực có quy định về mức phát sóng bức xạ tối đa cho phép trên các sản phẩm điện tử cũng như smartphone. Ví dụ tại các quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU), giá trị tối đa là 4 W/kg. Ở Mỹ, con số này do Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) khuyến nghị chỉ 1,6 W/kg.

Sóng bức xạ có thể tìm thấy trên nhiều thiết bị điện tử, không riêng smartphone
Ảnh: AFP
Vào tháng 9.2023, Apple từng bị yêu cầu tạm dừng bán iPhone 12 tại Pháp vì smartphone này phát ra sóng bức xạ cao hơn quy định của EU. Để có thể tiếp tục kinh doanh, hãng đã phát hành một bản cập nhật phần mềm nhằm hiệu chỉnh công suất phát sóng trên máy để giảm SAR phát ra.
Ở Việt Nam, theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia QCVN 134:2024/BTTTT do Bộ Thông tin và Truyền thông (cũ, nay là Bộ Khoa học và Công nghệ) ban hành vào ngày 31.12.2024, giới hạn SAR của thiết bị cầm tay, đeo trên người là 2 W/kg ở vùng đầu và thân; 4 W/kg tại các chi. Quy chuẩn này áp dụng với điện thoại di động từ ngày 1.7.2026 và có hiệu lực với các thiết bị điện tử khác (không gồm thiết bị y tế cấy ghép, điện thoại phòng mổ) sau đó 1 năm.
Trường học cấm học sinh sử dụng điện thoại, phụ huynh muốn gửi con để 'cai nghiện'
Người dùng cần làm gì để giảm hấp thụ sóng bức xạ vào cơ thể?
Thiết bị di động như smartphone, đồng hồ thông minh giờ đây đã trở thành vật bất ly thân của nhiều người. Dù các sản phẩm này phát sóng bức xạ không nhiều và chưa ghi nhận trường hợp nguy hiểm tới sức khỏe nào, việc giảm sự tiếp xúc và hấp thụ vẫn được nhiều người dùng quan tâm, với quan niệm "phòng hơn chống".
Theo Cục Tần số Vô tuyến điện (Bộ Khoa học và Công Nghệ), người dùng có thể chủ động một số biện pháp nhằm giảm tiếp xúc với sóng bức xạ từ điện thoại di động như giữ thiết bị cách xa cơ thể khi không sử dụng; tránh đặt điện thoại áp sát vào tai khi gọi điện, nên đặt cách ra khoảng trên 2 cm hoặc sử dụng loa ngoài, tai nghe (các thiết bị phát ra ít bức xạ hơn); để điện thoại vào balo, túi xách khi cần mang theo bên người nhưng không sử dụng.

Người dùng được khuyến nghị tránh đặt điện thoại gần cơ thể nhằm làm giảm sự hấp thụ sóng bức xạ
Ảnh: AFP
Các tình huống nên hạn chế sử dụng điện thoại gồm: khi tín hiệu kết nối yếu (vạch sóng chập chờn, hiển thị số lượng thấp) bởi đây là lúc thiết bị phát ra nhiều sức xạ hơn; khi đang di chuyển nhanh (điện thoại phải chuyển liên tục giữa các trạm kết nối); khi tải hoặc xem video dung lượng lớn.
Bên cạnh đó, người dùng cũng được khuyến cáo không sử dụng các loại miếng dán lên điện thoại hay sản phẩm phụ trợ với lời quảng cáo "chống bức xạ" mà không rõ nguồn gốc. Thậm chí, Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ (FTC) từng tuyên bố thiết bị được quảng cáo khả năng "chắn bức xạ" thực chất lại làm điện thoại phát sóng bức xạ mạnh hơn nhằm duy trì khả năng kết nối.