Doanh nghiệp

Các mảng kinh doanh đem về cho Gelex bao nhiêu tiền trong quý I?

Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2023 của CTCP Tập đoàn Gelex (Mã: GEX) cho thấy doanh thu thuần quý I đạt 6.410 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu từ lĩnh vực thiết bị điện đóng góp một nửa vào doanh thu tập đoàn với 3.213 tỷ đồng.

Doanh thu từ các sản phẩm vật liệu xây dựng giảm 30% so với cùng kỳ còn 1.537 tỷ, chiếm 24% doanh thu của tập đoàn.

Điểm sáng là doanh thu cho thuê bất động sản, hạ tầng khu công nghiệp và dịch vụ phụ trợ khác ghi nhận tăng trưởng 16% lên 1.190 tỷ đồng và đóng góp gần 19% vào doanh thu Gelex. Còn lại là doanh thu từ các mảng khác.

Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I.

Lợi nhuận gộp quý I giảm gần 31% còn 1.269 tỷ đồng. Trong kỳ, doanh thu tài chính của Gelex giảm mạnh 68% so với cùng kỳ còn 79 tỷ đồng do hụt thu từ khoản lãi kinh doanh chứng khoán và lãi tiền gửi, tiền cho vay.

 Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I.

Các chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp đều giảm so với cùng kỳ song chi phí tài chính lại tăng 20%.

  Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I.

Trừ đi các chi phí, Gelex chỉ còn lãi sau thuế hơn 34 tỷ đồng, giảm 95% so với cùng kỳ năm ngoái. 

 Nguồn: Tổng hợp từ Wichart và báo cáo tài chính của Gelex.

Tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên ngày 26/4, cựu Chủ tịch Nguyễn Hoa Cương đánh giá năm 2023 là năm có nhiều khó khăn, thách thức, tập đoàn vẫn tiếp tục tăng cường quản trị rủi ro và bám sát thị trường để điều chỉnh các hoạt động kinh doanh đảm bảo mục tiêu ĐHĐCĐ đề ra. Bên cạnh đó, trong giai đoạn này, tập đoàn sẽ không ưu tiên cho chỉ tiêu lợi nhuận mà tập trung vào quản trị rủi ro và tái cấu trúc hiệu quả để đảm bảo các hệ số tài chính ở mức tốt nhất.

Có gần 4.300 tỷ tiền và tiền gửi ngân hàng

Về tình hình tài chính, quy mô tài sản cuối quý I của Gelex đạt 52.619 tỷ đồng, tăng nhẹ so với đầu năm. Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản là tài sản cố định (33,5%). Chiếm tỷ trọng lớn thứ hai là hàng tồn kho với 8.410 tỷ đồng, trong đó tập đoàn đã trích lập dự phòng giảm giá 167 tỷ.

Tại ngày 31/3, giá trị khoản phải thu ngắn hạn của tập đoàn là 4.345 tỷ đồng bao gồm 2.953 tỷ từ khách hàng và tập đoàn đã phải trích lập dự phòng 560 tỷ.

Ông Nguyễn Trọng Hiền - Chủ tịch HĐQT chia sẻ tại ĐHĐCĐ thường niên rằng từ cuối quý IV/2022 tới quý I năm nay thì tình hình kinh doanh rất khó khăn.

Để đảm bảo an toàn, minh bạch, tập đoàn đã trích lập dự phòng đầy đủ và đúng quy định. Tới cuối quý I, dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi của Gelex khoảng 560 tỷ đồng, trong đó phát sinh ở Viglacera khoảng 131 tỷ và đơn vị thành viên thuộc Gelex Electric là HEM khoảng 121 tỷ, còn lại là phân bổ ở các đơn vị thành viên khác.

Nguyên tắc chung là đưa vào trích lập thì tập đoàn cần theo dõi đồng thời rốt ráo thu hồi các khoản này càng sớm càng tốt.

Tới cuối quý I, Gelex có tổng cộng 4.273 tỷ đồng tiền và tiền gửi ngân hàng. Số tiền gửi ngân hàng đem về cho tập đoàn hơn 53 tỷ tiền lãi trong quý I.

Tổng nợ vay tại cuối tháng 3 là 18.313 tỷ đồng bao gồm 9.947 tỷ vay dài hạn, chiếm 35% tổng nguồn vốn. Trong đó, dư nợ trái phiếu là 2.847 tỷ, còn lại chủ yếu từ ngân hàng và phần nhỏ là vay cá nhân.

Ba tháng đầu năm, Gelex vay thêm 5.451 tỷ đồng đồng thời trả nợ gốc vay 3.964 tỷ đồng. Tổng chi phí lãi vay quý I là 344 tỷ đồng.

  Nguồn: Báo cáo tài chính hợp nhất quý I.

Vốn chủ sở hữu cuối kỳ đạt 21.030 tỷ bao gồm 2.450 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Về dòng tiền của Gelex, ba tháng đầu năm, dòng tiền từ hoạt động kinh doanh dương 300 tỷ. Do đẩy mạnh chi mua sắm tài sản nên dòng tiền từ hoạt động đầu tư âm 845 tỷ và tăng đi vay nên dòng tiền hoạt động tài chính dương 1.456 tỷ đồng. Kết quả, lưu chuyển tiền thuần trong kỳ dương 911 tỷ đồng.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm