Chứng khoán ACB (ACBS) vừa công bố báo cáo, theo đó dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm nay trong khoảng 4,4 - 5,1%.
Khối phân tích nhận định có một số yếu tố rủi ro bên ngoài cần theo dõi đến cuối năm 2023 làm tăng sự bất định đối với triển vọng tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm nay.
Thứ nhất, Fed và các NHTW lớn sẽ tiếp tục tăng lãi suất như kế hoạch. Và nếu hành động của các ngân hàng trung ương có tác động như dự kiến và lạm phát được kiểm soát, chính sách tiền tệ có thể trở nên trung tính trong nửa cuối năm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ lại trở thành ưu tiên của các nhà hoạch định chính sách. ACBS dự báo môi trường lãi suất cao sẽ được duy trì ít nhất đến cuối năm 2023.
Rủi ro thứ hai, Fed cùng với BOE và ECB đang ngừng tái đầu tư tài sản đáo hạn và bắt đầu thu hẹp giá trị tài sản trên bảng cân đối kế toán của họ.
Bảng cân đối kế toán của Fed gia tăng gần đây là sự hỗ trợ của Fed nhằm cung cấp thanh khoản và hỗ trợ hệ thống ngân hàng Mỹ.
Chủ tịch Fed, Jerome Powell, đã tuyên bố rằng quyết định gia tăng bảng cân đói và đảo ngược sự thu hẹp của bảng cân đối gần đây không nhằm kích thích nền kinh tế. Sự mở rộng này được xem là tạm thời cho các ngân hàng thương mại vay qua cửa sổ chiết khấu (với số tiền cho vay kỷ lục là 153 tỷ USD) và không phải là sự thay đổi chính sách tiền tệ, cũng không giống như chương trình nới lỏng định lượng, được thiết kế để giảm lãi suất dài hạn và kích thích tăng trưởng kinh tế.
Những sự kiện này có thể giảm áp lực lên lãi suất nhưng tổng thể trong dài hạn sẽ đặt áp lực tăng lên trên lãi suất, điều này có thể khó giảm lãi suất và ảnh hưởng xấu đến tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Rủi ro tiếp theo, theo ACBS, là khả năng suy thoái đang tăng lên. EU và Mỹ là các đối tác thương mại lớn của Việt Nam nên hoạt động sản xuất và thương mại, vốn vẫn là động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế Việt Nam, dự báo sẽ chững lại trong năm 2023.
Các chuyên gia tại đây cũng đề cập đến hoạt động sản xuất công nghiệp của Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan (Trung Quốc) cũng bị ảnh hưởng khi chính sách tiền tệ thắt chặt trên toàn cầu làm giảm tăng trưởng kinh tế và giảm nhu cầu hàng hóa trên toàn cầu, dẫn đến sụt giảm doanh số cho các trung tâm xuất khẩu hàng hóa châu Á.
"Sự yếu kém của hoạt động công nghiệp ở những quốc gia và vùng lãnh thổ này cho thấy mối đe dọa đến sự phục hồi sắp tới của ngành sản xuất công nghiệp của Việt Nam vì những nước này là đối tác xuất khẩu lớn", ACBS nhận định.
Ngoài ra, triển vọng nền kinh tế còn chịu rủi ro từ thị trường bất động sản vốn đã trải qua một giai đoạn suy thoái do sụt giảm số lượng giao dịch, khan hiếm vốn và điều kiện cho vay thắt chặt.
Theo khối phân tích, thị trường bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục đối mặt với những thách thức cho đến khi nó tìm được đủ nguồn vốn và Chính phủ có những thay đổi về các chính sách hỗ trợ ngành bất động sản một cách rõ ràng.