Tiểu đêm (tiểu nhiều hơn một lần mỗi đêm) có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi, gây rối loạn giấc ngủ, mất ngủ, suy nhược cơ thể, tăng nguy cơ tai biến. ThS.BS Trần Văn Quý, khoa Tiết niệu - Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết nguyên nhân rất đa dạng, bao gồm tuổi tác, mang thai, cách ăn uống, tác dụng phụ của thuốc. Trong một số trường hợp, tiểu đêm là dấu hiệu nhận biết một số bệnh lý.
Bàng quang tăng hoạt
Đây là tình trạng rối loạn trong giai đoạn chứa đựng nước tiểu của bàng quang do sự co bóp không chủ ý của cơ chóp khi người bệnh kiềm chế phản xạ đi tiểu. Ngoài tiểu đêm, bệnh nhân còn có các triệu chứng khác như tiểu gấp, nhiều lần, có hoặc không són tiểu kèm theo.
Phì đại tuyến tiền liệt
Tuyến tiền liệt gia tăng kích thước gây nên các triệu chứng như tiểu chậm, không thành dòng, ngắt quãng, nhỏ giọt; tiểu nhiều lần, tiểu đêm, tiểu gấp, không kiểm soát, cảm giác tiểu không hết... Người bệnh cần điều chỉnh chế độ ăn uống, sinh hoạt khoa học để cải thiện tiểu đêm, có thể sử dụng các loại thuốc kê đơn theo chỉ định của bác sĩ.

Êkíp bác sĩ phẫu thuật cắt u tuyến tiền liệt. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Sa tạng chậu
Sa tạng chậu là tình trạng sa xuống của một hay nhiều cơ quan vùng chậu (bàng quang, niệu đạo, tử cung, âm đạo, trực tràng, ruột và các mô liên kết) khỏi vị trí giải phẫu bình thường. Nguyên nhân là do sự tổn thương và suy yếu các cấu trúc cân cơ và dây chằng nâng đỡ sàn chậu. Bệnh lý này gây các rối loạn về tiểu tiện (như tiểu khó, tiểu không hết bãi, tiểu nhiều lần, són tiểu khi gắng sức), rối loạn tiểu tiện tình dục (như giao hợp đau, giảm cảm giác, bị cản trở, đau vùng chậu) và rối loạn tiêu hóa (cảm giác tống phân không hết, táo bón, khối sa trực tràng) làm ảnh hưởng đến chất lượng sống của phụ nữ.
Bệnh thường xuất hiện ở phụ nữ sau mãn kinh có tiền sử mang thai và sinh con nhiều lần, béo phì, làm việc nặng, táo bón mạn tính, bệnh lý hô hấp mạn tính và từng phẫu thuật vùng chậu. Theo ThS.BS Trần Văn Quý, tại hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, 40% phụ nữ trên 50 tuổi bị sa ít nhất một cơ quan vùng chậu, 70% trường hợp trong tổng số này bị sa ít nhất hai cơ quan. Triệu chứng phụ thuộc vào vị trí, số lượng, mức độ tạng sa. Người bệnh cần đi khám để được chẩn đoán và điều trị phù hợp.
Nhiễm trùng đường tiết niệu
Vi khuẩn thâm nhập vào đường tiết niệu dẫn tới nhiễm trùng. Bệnh phổ biến ở người trưởng thành 20-50 tuổi, gặp ở phụ nữ nhiều hơn nam giới. Nữ giới thường bị viêm bàng quang hoặc viêm bể thận. Còn nam giới thường bị viêm niệu đạo hoặc viêm tuyến tiền liệt. Người bệnh có một số triệu chứng bao gồm tiểu nhiều lần, muốn đi tiểu ngay cả khi mới đi xong, đau khi tiểu, nước tiểu đục hoặc đổi màu, sốt.
Một số bệnh lý toàn thân cũng có thể gây tiểu đêm như tiểu đường, suy tim sung huyết. Bác sĩ Văn Quý khuyến cáo người gặp tình trạng này nên hạn chế uống nước (ít nhất hai tiếng) trước khi ngủ, tập thói quen đi tiểu trước khi lên giường, kê cao chân khi nằm. Tránh các thức uống lợi tiểu vào buổi tối như rượu bia, cà phê, trà... Không ăn mặn, hạn chế các loại trái cây nhiều nước như bưởi, dưa hấu, cam trong bữa tối.
Người đang sử dụng các loại thuốc điều hòa huyết áp cần trao đổi với bác sĩ về tác dụng phụ lợi tiểu của thuốc. Tập luyện bàng quang giúp tăng sức chứa nước tiểu.
Độc giả gửi câu hỏi về bệnh tiết niệu tại đây để bác sĩ giải đáp |