Doanh nghiệp

TPS thay tổng giám đốc giữa lúc cổ phiếu ORS bị ‘tuýt còi’

Tóm tắt:
  • TPS công bố thay đổi nhân sự cấp cao, miễn nhiệm Tổng Giám đốc Bùi Thị Thanh Trà và bổ nhiệm Đặng Sĩ Thùy Tâm.
  • Bà Trà gia nhập TPS từ 2019, từng giữ nhiều vị trí quan trọng và làm Tổng Giám đốc từ 2022.
  • Ông Đỗ Anh Tú, Chủ tịch HĐQT, đã từ nhiệm vì lý do cá nhân vào tháng 3.
  • Báo cáo kiểm toán năm 2024 của TPS ghi nhận ý kiến ngoại trừ liên quan đến khoản phải thu từ trái phiếu.
  • HĐQT TPS gia hạn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 đến tháng 6 để chuẩn bị tốt hơn.

Ngày 10/4, hội đồng quản trị (HĐQT) CTCP Chứng khoán Tiên Phong (TPS, Mã: ORS) đã thông qua việc miễn nhiệm chức danh Tổng Giám đốc kiêm người đại diện pháp luật đối với bà Bùi Thị Thanh Trà theo quyết định điều động nhân sự, phù hợp với cơ cấu tổ chức mới. Đồng thời, bà Đặng Sĩ Thùy Tâm được bổ nhiệm thay thế kể từ cùng ngày.

Bà Trà gia nhập TPS từ tháng 3/2019, từng đảm nhiệm nhiều vị trí chủ chốt như Giám đốc Khối Ngân hàng Đầu tư, Giám đốc Khối Vận hành kiêm Giám đốc Nhân sự, Phó Tổng Giám đốc.

Bà được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc từ tháng 7/2022 và trở thành thành viên HĐQT từ tháng 4/2023. Với bằng Cử nhân Đại học Kinh tế TP HCM và hơn 13 năm kinh nghiệm điều hành cấp cao, bà từng giữ các chức vụ quan trọng tại nhiều doanh nghiệp, trong đó có Tổng Giám đốc Vicsa Sài Gòn và Thành viên HĐQT CTCP Phát triển Nhà Nông nghiệp Bình Dương.

Người kế nhiệm, bà Đặng Sĩ Thùy Tâm, từng là thành viên Ban Kiểm soát TPS giai đoạn 6/2020 – 4/2024. Theo báo cáo thường niên 2023, bà có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực chứng khoán và từng làm việc tại TPS từ năm 2007, khi công ty còn mang tên CTCP Chứng khoán Phương Đông.

Cùng với bà Tâm, bà Nguyễn Thị Lệ Tùng – Thành viên HĐQT và ông Nguyễn Trát Minh Phương – Người được ủy quyền công bố thông tin – sẽ đại diện TPS ký kết các văn bản, hồ sơ cần thiết để hoàn tất thủ tục thay đổi Tổng Giám đốc và người đại diện pháp luật, đồng thời thực hiện điều chỉnh giấy phép hoạt động, đăng ký doanh nghiệp.

 Thông tin tân CEO TPS. (Nguồn: Báo cáo thường niên 2023 của TPS).

Liên tiếp biến động nhân sự cấp cao

Trước đó, ngày 18/3, ông Đỗ Anh Tú, Chủ tịch HĐQT TPS, đã nộp đơn xin từ nhiệm vì lý do cá nhân. Ông đề nghị rút khỏi vai trò Thành viên HĐQT nhiệm kỳ 2021 – 2026 và từ bỏ toàn bộ quyền, nghĩa vụ liên quan đến chức danh Chủ tịch HĐQT.

Trong đơn, ông Tú cam kết "không can thiệp và không có bất kỳ khiếu nại, khiếu kiện nào liên quan". Cùng thời điểm, ông cũng xin rút khỏi HĐQT của TPBank (Mã: TPB).

Hay gần đây nhất, TPS bổ nhiệm ông Nguyễn Trọng Thanh giữ chức Giám đốc Tư vấn Thị trường vốn kiêm phụ trách Khối Ngân hàng Đầu tư từ ngày 9/4.

Cổ phiếu ORS vào diện cảnh báo do ý kiến ngoại trừ

Về hoạt động tài chính, báo cáo kiểm toán năm 2024 của TPS ghi nhận ý kiến ngoại trừ từ đơn vị kiểm toán liên quan đến khoản phải thu hơn 28 tỷ đồng từ loạt trái phiếu do các doanh nghiệp trong hệ sinh thái Bamboo Capital phát hành.

Cụ thể, vào ngày 25/2 và 20/3, các lô trái phiếu mang mã BCLCH2124001, GKCCH2124001, GKCCH2124002, HISCH2124001 và TCDH2227002 do BCG Land, Gia Khang, Helios và Tracodi phát hành đã bị tạm ngừng giao dịch, với tổng giá trị gần 9.000 tỷ đồng.

TPS là đơn vị tư vấn, đại lý phát hành, lưu ký, thanh toán và đại diện người sở hữu trái phiếu cho các lô trái phiếu nêu trên. Tính đến ngày 31/12/2024, công ty ghi nhận khoản phí dịch vụ phải thu hơn 28 tỷ đồng từ các giao dịch liên quan.

Đơn vị kiểm toán cho biết không thu thập được đầy đủ bằng chứng cần thiết để đánh giá khả năng thu hồi khoản phải thu, do đó không thể xác định liệu có cần điều chỉnh các chỉ tiêu tài chính liên quan hay không. Đây là nguyên nhân khiến báo cáo tài chính năm 2024 của TPS bị đưa ra ý kiến ngoại trừ.

TPS cho biết đang tích cực làm việc với các doanh nghiệp phát hành trái phiếu để thu hồi công nợ. Với việc bị đưa ra ý kiến kiểm toán ngoại trừ, cổ phiếu ORS đã bị HOSE đưa vào diện cảnh báo từ ngày 16/4.

Gia hạn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên

Ngoài ra, HĐQT TPS cũng vừa thông qua quyết định gia hạn tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2025 đến tháng 6 nhằm đảm bảo công tác chuẩn bị được chu đáo hơn.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Nhiều doanh nghiệp bị hủy đơn hàng do áp lực thuế quan Mỹ

Thủ phủ công nghiệp tỉnh Bình Dương là một trong những địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề vì chính sách thuế quan từ Mỹ. Hiện có nhiều doanh nghiệp (DN) bị hủy đơn hàng. Trong bối cảnh này, Bình Dương đã có động thái hỗ trợ DN với hy vọng ổn định tình hình.

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Cảnh tượng lạ lúc 4 giờ sáng của người dân Hà Nội bên sông Hồng

Mỗi dịp tháng 2 đến tháng 4 âm lịch, nhiều người dân xã Kim Lan (Gia Lâm, Hà Nội) lại thức dậy từ 4 giờ sáng, mang theo vợt, lưới ra sông Hồng "săn" con vờ – loài côn trùng chỉ xuất hiện chớp nhoáng trong vài chục phút. Con vờ thi thoảng xuất hiện trong tuần nên người dân phải canh trong nhiều ngày mới bắt được.