Theo bác sĩ Huỳnh Thị Thuý Hoa, bác sĩ Lê Mạnh Hùng, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM, song song với việc giải mã bộ gen vi-rút, các bác sĩ, nhân viên y tế của bệnh viện đã điều trị, chăm sóc bệnh nhân an toàn, hiệu quả.
Đồng thời, phối hợp với Trung tâm Kiểm soát dịch bệnh TP HCM (HCDC) điều tra dịch tễ, khoanh vùng, cách ly, giám sát người thân và nhân viên y tế tiếp gần với bệnh nhân trước đó.
Bóng nước điển hình của Đậu mùa khỉ rải rác các vị trí khác nhau trên cơ thể người bệnh. Ảnh: BVCC
Sau 12 ngày điều trị, bệnh nhân hiện hết sốt, các bóng nước ở mặt, tay, chân…đã khô mài, tróc vẩy và lên da non, các bóng nước ở họng cũng lành, hết đau. Xét nghiệm PCR dịch tiết 1 số vị trí kiểm tra hiện đã âm tính.
Bệnh nhân ăn uống tốt, lên cân và tinh thần lạc quan và tuân thủ tốt quy trình cách lý và xử lý vật dụng cá nhân tránh lây cho cộng đồng. Những trường hợp tiếp xúc gần với bệnh nhân khi về Việt Nam chưa xuất hiện triệu chứng nghi ngờ.
Qua việc cảnh giác thực hiện các biện pháp chủ động phát hiện bệnh sớm, xử lý theo các quy trình: cách ly, xét nghiệm, giám sát, điều tra dịch tễ, kiểm soát nguồn lây... khoa học, nghiêm ngặt và diễn tiến điều trị thuận lợi của ca bệnh Đậu mùa khỉ đầu tiên tại TPHCM, có thể nhận định: nguồn lây là từ nước ngoài nơi bệnh nhân đi du lịch; bệnh chưa lây ra cộng đồng khi bệnh nhân về Việt nam.
Thực tế trên cũng phù hợp đối với các trường hợp bệnh đậu mùa khỉ được ghi nhận trên thế giới như: bệnh không dễ lây lan trong cộng đồng nếu không tiếp xúc trực tiếp da của người lành với da có bóng nước hoặc niêm mạc có bóng nước của người bệnh.
Đa số các trường hợp bệnh khỏi sau 10 -14 ngày với cơ địa có miễn dịch bình thường và hết lây lan sau 21 ngày.
Để an toàn cho bản thân và cộng đồng, các bác sĩ nhấn mạnh người dân cần thực hiện các biện pháp phòng ngừa bệnh Đậu mùa khỉ được ngành Y tế khuyến cáo.
Trước đó, ngày 3-10, Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM công bố thông tin về ca bệnh Đậu mùa khỉ đẩu tiên tại Việt Nam.