Theo báo cáo của Sở Xây dựng Khánh Hòa, trong quý III/2022, thị trường bất động sản tại địa phương đã có nhiều chuyển biến với tổng giá trị giao dịch khoảng hơn 1.200 tỷ đồng.
Cụ thể, trong quý này, toàn tỉnh có 5.541 lô đất nền, 627 căn nhà ở riêng lẻ và 221 căn chung cư giao dịch thành công qua công chứng.
Trước đó, trong quý II/2022, địa phương này ghi nhận 7.742 lô đất nền, 168 căn chung cư và 760 căn nhà ở riêng lẻ được giao dịch thành công qua công chứng. Như vậy, lượng giao dịch bất động sản đã có sự sụt giảm trong thời gian gần đây.
Về nguồn cung, trong quý III, toàn tỉnh chỉ có một dự án nhà ở thương mại với quy mô 236 căn chung cư được cấp phép mới và 10 dự án nhà ở thương mại đang triển khai với quy mô 4.796 căn nhà ở riêng lẻ. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa cũng đang triển khai ba dự án nhà ở thu nhập thấp khu đô thị và 26 dự án du lịch nghỉ dưỡng.
Theo nhận định của Sở Xây dựng Khánh Hòa, thị trường bất động sản trên địa bàn đang ấm dần lên với các thông tin tích cực từ việc Quốc hội, Chính phủ và các Bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để các nhà đầu tư tiếp tục triển khai và đưa dự án vào khai thác.
Cùng với đó, việc các bộ luật ảnh hưởng lớn đến tình hình kinh doanh bất động sản như Luật Đất đai, Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) đang được lấy ý kiến rộng rãi, và nhiều nhà đầu tư đang mong muốn được nghiên cứu đầu tại tỉnh Khánh Hòa.
Ngoài ra, các đồ án lớn của tỉnh đang được triển khai đồng bộ. Đơn cử như Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP Nha Trang đến năm 2040; Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch chung đô thị mới Cam Lâm.
Với những tín hiệu nêu trên, Sở này dự báo trong quý cuối năm, tình hình thị trường bất động sản sẽ trở nên sôi động hơn.
Thị trường sẽ phục hồi vào năm 2023?
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng thư ký Hội Môi mới bất động sản Khánh Hòa cho biết, thị trường bất động sản Khánh Hòa trong ba năm gần đây ghi nhận trầm lắng hơn so với các địa phương khác. Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch bệnh, cộng với áp lực thanh kiểm tra. Từ khi du lịch được mở cửa trở lại, thị trường bất động sản đã có tín hiệu khởi sắc, tuy nhiên đến nay mới chỉ 6 tháng nên thời gian vẫn còn quá ngắn để có thể phục hồi.
Đồng thời, gói kích cầu, giải ngân vốn đầu tư công đến nay vẫn đạt tỷ lệ thấp đã gây ảnh hưởng đến thị trường địa ốc khiến công tác khôi phục, phát triển dự án gặp nhiều khó khăn.
Ngoài ra, theo vị này, thông tin tăng cường kiểm soát tín dụng, tình hình kinh tế thế giới bất ổn cùng với những rủi ro thường trực đang khiến nhiều nhà đầu tư có tâm lý e dè, thận trọng hơn khi ra quyết định đầu tư.
Mới đây, room tín dụng được nới thêm nhưng sẽ điều tiết vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh trọng điểm quốc gia. Bất động sản sẽ không thuộc lĩnh vực ưu tiên, do đó, nguồn vốn đổ vào ngành này vẫn sẽ hạn chế.
Cũng theo ông Hoàng, giá bất động sản tại TP Nha Trang hiện nay vẫn còn thấp so với các địa phương khác. Trong năm nay, các địa phương nói chung vẫn đang chờ vào quy hoạch chung, do đó, muốn bất động sản khôi phục trở lại phải đợi đến năm 2023 khi quy hoạch chung được hoàn thiện.
"Thị trường bất động sản Khánh Hòa kỳ vọng sẽ khởi sắc trong thời gian tới trước những thông tin tích cực từ cơ quan quản lý địa phương. Hay UBND tỉnh này vừa qua đã có văn bản đồng ý cho doanh nghiệp lớn nghiên cứu, khảo sát, đề nghị quy hoạch, đề xuất dự án đầu tư ở khu vực thuộc huyện Cam Lâm, Khánh Sơn,... Các dự án mới khởi động với pháp lý đầy đủ dự báo sẽ khiến mức độ quan tâm của nhà đầu tư tới thị trường này tăng mạnh", vị này nhận định.
Cuối tháng 5/2022, Văn phòng đăng ký đất đai (Sở Tài nguyên và Môi trường Khánh Hòa) vừa có văn bản gửi các Chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai về việc tạm dừng các trường hợp tách thửa có bố trí lối đi chung.
Theo đó, Văn phòng đăng ký đất đai tỉnh Khánh Hòa đề nghị chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tại các huyện, thị xã, thành phố tạm dừng việc bố trí diện tích để mở lối đi chung, sử dụng chung khi thực hiện thủ tục chia, tách thửa đất cho đến khi có Quyết định, quy định tách thửa mới.