Tài chính

Buồn của nền kinh tế tham vọng dẫn đầu thế giới: Tài sản của người dân ‘bay màu’ 18 nghìn tỷ USD, rơi vào giai đoạn giảm phát dài nhất trong 64 năm

Theo hầu hết các nhà kinh tế, giảm phát ở nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới đã kéo dài sang năm thứ 2 liên tiếp vào năm 2024. Một số ngân hàng lớn nhất Phố Wall dự báo tình trạng này sẽ còn tiếp tục vào năm 2025, đánh dấu giai đoạn kéo dài chưa từng có kể từ những năm 1960.

Dù nền kinh tế Trung Quốc được tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong quý IV năm ngoái, song chỉ số GDP giảm phát ước tính sẽ đạt mức âm 0,2% vào năm sau. Trong khi đó, ở thập kỷ trước đại dịch, con số trên là 3,4%.

Một cuộc chiến thương mại với Mỹ có khả năng xảy ra sẽ khiến tình hình của Trung Quốc trở nên căng thẳng hơn, nếu các nhà xuất khẩu phải tìm đến bên mua trong nước do những trở ngại đến từ nước ngoài. Tổng thống đắc cử Donald Trump cam kết sẽ áp thuế lên đến 60% với hàng hoá Trung Quốc, động thái này sẽ gây sức ép lớn đối với hoạt động thương mại của đại lục.

Tình trạng giảm phát ở Trung Quốc chưa có dấu hiệu cải thiện chủ yếu là do hậu quả của đợt suy thoái bất động sản khiến tài sản của các hộ gia đình mất 18 nghìn tỷ USD, dẫn đến việc người tiêu dùng “thắt lưng buộc bụng”. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu tăng vọt, doanh số bán nhà và chi tiêu bán lẻ tăng lên đã tạo động lực cho mục tiêu tăng trưởng 5%.

Chỉ số giảm phát GDP có khả năng vẫn ở mức âm trong giai đoạn từ tháng 10 đến tháng 12 trong 7 quý liên tiếp, tương đương với mức ghi nhận trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á vào cuối những năm 1990. Thước đo này theo dõi sự chênh lệch giữa tăng trưởng GDP danh nghĩa và GDP thực và được dự đoán sẽ tăng lên mức 0,9% vào năm 2024 và 1,4% vào năm 2027.

Zhu Haibin, chuyên gia kinh tế trưởng Trung Quốc tại JPMorgan, cho biết, chỉ số giảm phát GDP âm, tức là tăng trưởng GDP danh nghĩa yếu, sẽ ảnh hưởng không tốt đến nền kinh tế khi lợi nhuận doanh nghiệp sụt giảm và thu ngân sách thấp hơn.

Giảm phát thường được cho là “kẻ giết người thầm lặng” đối với hoạt động thương mại và tiêu dùng trong thời gian dài. Dù hàng hoá rẻ hơn dường như là yếu tố hấp dẫn, song rủi ro khó tránh khỏi là người tiêu dùng có thể trì hoãn việc mua sắm vì chờ đợi giá giảm sâu hơn nữa. Trong khi đó, chi tiêu tiêu dùng yếu đi sẽ khiến lợi nhuận doanh nghiệp đi xuống, từ đó giảm động lực của các hoạt động tuyển dụng, đầu tư, tạo ra một vòng luẩn quẩn.

Hiện tại, các quan chức Bắc Kinh vẫn chưa đưa ra các biện pháp để ứng phó với tình trạng giảm phát, dù đang chuẩn bị cho nhiều chính sách mở rộng hơn trong năm nay, bao gồm rủi ro thâm hụt ngân sách nhiều hơn và cắt giảm lãi suất mạnh tay hơn.

Ngày càng nhiều nhà kinh tế kêu gọi Bắc Kinh đặt mục tiêu “ràng buộc” đối với lạm phát ở mức 2% và điều chỉnh các chính sách nhằm hỗ trợ mục tiêu này. Theo các chuyên gia, con số này thường được các nền kinh tế phát triển áp dụng và sẽ giúp thúc đẩy kỳ vọng của các cá nhân và doanh nghiệp. Mục tiêu lạm phát hàng năm của nức này là 3%.

Áp lực giảm phát ở Trung Quốc được thể hiện rõ ràng nhất trong lĩnh vực bất động sản và sản xuất, trong khi các lĩnh vực như khách sạn và dịch vụ ăn uống lại tăng lên. Đây là dấu hiệu cho thấy nhu cầu dịch vụ có khả năng hồi phục tốt hơn.

Các nhà kinh tế tại Natixis dự báo lĩnh vực dịch vụ của Trung Quốc có thể chịu nhiều áp lực giảm giá hơn vào năm 2025 do tốc độ tăng trưởng tiền lương chậm lại. Theo BNP Paribas, giá hàng hoá toàn cầu cũng có khả năng chịu áp lực, điều này sẽ kéo tụt giá sản xuất tại Trung Quốc sau khi giá cả sụt giảm trong hơn 2 năm.

Tổng hợp

Cùng chuyên mục

Đọc thêm