Tài chính

Việt kiều nói việc mang tiền và công nghệ về nước

Sáng 18/1, trong khuôn khổ chương trình Họp mặt người Việt Nam ở nước ngoài mừng Xuân Ất Tỵ năm 2025, lãnh đạo TPHCM gặp gỡ đại biểu người Việt Nam ở nước ngoài tiêu biểu và cùng thảo luận xoay quanh “Đề án chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn TPHCM từ nay đến năm 2030”.

Khơi thông hành lang pháp lý

Ông Hà Phước Thắng - Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TPHCM - cho biết, năm 2025 phấn đấu mục tiêu GDP tăng 2 con số, trên 10%. TPHCM tập trung huy động mọi nguồn lực phục vụ sự phát triển, chú trọng phát triển công nghiệp hiện đại, thúc đẩy công nghệ cao; phát triển kinh tế xanh, kinh tế số; đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất lao động…

Việt kiều nói việc mang tiền và công nghệ về nước- Ảnh 1.

Ông Hà Phước Thắng thông tin tại buổi gặp gỡ kiều bào. Ảnh: Ngô Tùng.

Nhằm thu hút mạnh mẽ nguồn lực kiều hối, tháng 9/2024, UBND TPHCM đã phê duyệt Đề án chính sách phát huy hiệu quả nguồn lực kiều hối trên địa bàn đến năm 2030, nhằm tạo giải pháp định hướng nguồn kiều hối phục vụ trực tiếp phát triển kinh tế - xã hội. Đề án cũng đặt mục tiêu dịch chuyển nguồn kiều hối vào thị trường chứng khoán, cổ phiếu, sản xuất kinh doanh, dịch vụ và bất động sản.

Ông Trần Đức Hiển - Phó Chủ nhiệm Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM - nhấn mạnh, đề án nhằm tạo ra hành lang pháp lý thuận lợi hơn để làm phong phú, đa dạng nguồn kiều hối về thành phố được thông suốt và phát huy tối đa hiệu quả nguồn kiều hối, tạo điều kiện thuận lợi nhất để kiều bào chuyển tiền về Việt Nam đầu tư, kinh doanh.

“Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài cũng đã tích cực tham mưu lãnh đạo thành phố triển khai tạo điều kiện kết nối giúp các tổ chức tài chính, công ty kiều hối trên địa bàn TPHCM tăng cường các hoạt động thỏa thuận ký kết về dịch vụ tài chính, đa dạng hình thức chuyển tiền tại các thị trường tiềm năng lớn, các nước có đông người Việt lao động, kinh doanh…” - ông Hiển nói.

Cần chính sách cụ thể

Nêu ý kiến tại buổi gặp gỡ lãnh đạo TPHCM, ông Trần Văn Tâm (kiều bào Mỹ) nhìn nhận đầu tư vào metro cần vốn tới 100.000 tỷ đồng, do đó TPHCM cần nguồn vốn rất lớn. Theo ông Tâm, thành phố cần chính sách cụ thể hơn về chuyển đổi số trong ngành xây dựng để khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào metro.

“Trong phát hành trái phiếu có thể phân ra như nguồn kiều hối đó đầu tư vào hạng mục nào để kiều bào biết rõ mình đang đầu tư vào lĩnh vực nào”, ông Tâm góp ý.

Việt kiều nói việc mang tiền và công nghệ về nước- Ảnh 2.

Ông Henry Bùi Xuân Hoàng trao đổi tại buổi gặp gỡ.

Ông Henry Bùi Xuân Hoàng (kiều bào Hoa Kỳ) nhìn nhận về khoa học công nghệ, chúng ta thường đi chậm hơn các nước. Ông mong TPHCM tạo điều kiện hơn nữa để doanh nghiệp trong lĩnh vực này được đóng góp cho quốc gia. “Các doanh nghiệp mang tiền và công nghệ, kiến thức về để xây dựng quê hương. Chúng tôi cần chính sách để ghi nhận sự đóng góp, có cơ chế tạo điều kiện để kiều bào về nước học tập, đầu tư” - ông Hoàng nêu.

Bà Trần Tuệ Tri (kiều bào Singapore) nhấn mạnh vai trò của việc xây dựng thương hiệu, xây dựng hình ảnh TPHCM là trung tâm tài chính khu vực. Từ đó, TPHCM là nơi nhiều người tìm cơ hội cống hiến sức trẻ, tài năng. “Muốn thu hút nguồn lực kiều hối từ kiều bào cần xác định rõ đối tượng, có chương trình cụ thể, kêu gọi các tổ chức tư nhân tham gia… để có từng chính sách, đề xuất phù hợp” - bà Tri đề xuất.

Việt kiều nói việc mang tiền và công nghệ về nước- Ảnh 3.

Các kiều bào chụp ảnh lưu niệm cùng lãnh đạo TPHCM. Ảnh: Ngô Tùng

Trao đổi với các kiều bào, bà Vũ Thị Huỳnh Mai - Chủ nhiệm Ủy ban về Người Việt Nam ở nước ngoài TPHCM - cho biết, TPHCM đã và đang đón nhận sự đầu tư và sự tham gia tích cực từ các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài. Bà Mai cho rằng một trong những vấn đề quan trọng là nâng cao chất lượng và sự minh bạch trong các sản phẩm, dịch vụ cũng như các chương trình hỗ trợ dành cho cộng đồng kiều bào.

Năm 2024, kiều hối chuyển về TPHCM đạt hơn 9,5 tỷ USD, tăng 0,9% so với năm 2023. Trong đó, châu Á và châu Mỹ là 2 khu vực có lượng kiều hối chuyển về nhiều nhất, chiếm hơn 82%.

Giá USD trong nước năm qua biến động liên tục, tăng hơn 5% và có lúc lên 7%. Kiều hối được xem là một trong những nguồn cung ngoại tệ trên thị trường, góp phần bảo đảm quan hệ cung cầu ngoại tệ.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm