Bên lề Hội nghị quốc tế về Tai Mũi Họng và Phẫu thuật đầu cổ, diễn ra tại Bệnh viện Hồng Ngọc trong 2 ngày 31/3-1/4, PGS.TS Lâm Huyền Trân, Phó Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TPHCM cho biết, ô nhiễm không khí, bụi mịn tác động rất lớn đến sức khỏe con người.
Theo chuyên gia, ô nhiễm không khí và bụi mịn có thể xuyên qua niêm mạc mũi, xâm nhập sâu vào họng và phổi.

Bụi mịn làm gia tăng các bệnh hô hấp, tai mũi họng, viêm xoang (Ảnh: Tú Linh).
"Bụi mịn rất nhỏ, chúng ta không nhìn thấy nhưng nó ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe con người. Đặc biệt với các bệnh tai mũi họng, trong đó viêm xoang, viêm mũi dị ứng, cơ thể dễ phản ứng mạnh với những chất gây ô nhiễm", PGS Trân nói.
Trước đây, thường ở những thời điểm thay đổi thời tiết, mùa nhiều phấn hoa, các bệnh hô hấp, viêm mũi dị ứng, viêm xoang dễ tăng lên, nhưng hiện nay, các bệnh này gặp quanh năm do ô nhiễm môi trường, bụi mịn.
Nếu không được điều trị, viêm xoang có thể gây biến chứng nguy hiểm như viêm màng não, áp xe não và tổn thương thần kinh thị giác.

PGS.TS Lâm Huyền Trân, Phó Chủ tịch Hội Tai Mũi Họng TPHCM (Ảnh: Tú Anh).
Theo PGS Trân, ở các thành phố lớn, mật độ dân cư đông đúc hơn, khoảng xanh ít hơn các vùng ngoại ô, khí thải từ xe cộ lưu thông... là những yếu tố làm ô nhiễm môi trường tăng lên.
Vì thế, việc tăng thêm nhiều "lá phổi xanh" bằng cách trồng nhiều cây xanh sẽ giúp giảm ô nhiễm không khí, bụi mịn.
"Bên cạnh đó, mỗi người cần chủ động bảo vệ sức khỏe trước tình trạng ô nhiễm không khí.
Khi ra đường, bạn nên sử dụng khẩu trang lọc được bụi mịn. Khi ở nhà, cần vệ sinh nhà cửa sạch sẽ, nếu có điều kiện nên sử dụng máy lọc không khí. Bạn ở nhà ít nhất 8 giờ mỗi ngày, thời gian này không khí trong nhà đảm bảo, sẽ giảm nguy cơ tác động của bụi mịn đến sức khỏe", PGS Trân nói.
Liên quan đến các bệnh hàm mặt, viêm xoang, phát biểu khai mạc Hội nghị, TS.BS Hà Anh Đức, Cục trưởng Cục Quản lý Khám chữa bệnh cho biết: "Có đến 20% dân số gặp các vấn đề về hàm mặt, xoang, trong đó 10% có nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Trong khi phẫu thuật hàm mặt là lĩnh vực khó, đòi hỏi trình độ cao, sự khéo léo cả về chuyên môn lẫn thẩm mỹ. Hội nghị lần này quy tụ nhiều giáo sư, chuyên gia quốc tế, là minh chứng cho sự hợp tác hiệu quả giữa bệnh viện với các tổ chức y tế toàn cầu".
Đại sứ Anh Iain Frew chia sẻ: "Đây là một sự kiện trọng đại, với tư cách là Đại sứ Anh Quốc, tôi vô cùng tự hào khi chương trình đã đem đến cơ hội trao đổi giữa các chuyên gia Anh Quốc và các bác sĩ Việt Nam về lĩnh vực điều trị tai mũi họng và phẫu thuật đầu cổ từ đó mang lại lợi ích cho bệnh nhân.
Vương quốc Anh sẽ luôn hỗ trợ để thúc đẩy các hợp tác về y tế với Việt Nam để cùng nhau giải quyết những thách thức về y tế cho cộng đồng".
Trong 2 ngày diễn ra hội nghị, hơn 30 báo cáo chuyên đề của các chuyên gia quốc tế, trong nước về phẫu thuật đầu cổ; tai, mũi, họng... được trình bày. Trong đó, điểm nhấn là đề tài bảo tồn giọng nói trong phẫu thuật tuyến giáp.
Giáo sư Ahmet O. IKIZ, thành viên Liên đoàn Quốc tế Ung thư Đầu Cổ chia sẻ về "Thăm dò thần kinh trong phẫu thuật tuyến giáp", nhằm nâng cao độ chính xác và giảm nguy cơ tổn thương dây thần kinh.
Liên quan chủ đề này, Thạc sĩ - Bác sĩ Nội Trú Nguyễn Xuân Quang cũng trình bày báo cáo "Kiểm soát dây thần kinh thanh quản quặt ngược trong phẫu thuật nội soi tuyến giáp qua đường tiền đình miệng".
Đây là kỹ thuật hiện đại với nhiều ưu điểm, giúp giải quyết khối u hiệu quả, hạn chế biến chứng tổn thương thần kinh thanh quản và hoàn toàn không để lại sẹo, đảm bảo tính thẩm mỹ tối đa.