Doanh nghiệp dệt may lãi lớn
Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS) cho biết trong 6 tháng đầu năm 2022, kim ngạch xuất khẩu dệt may ước đạt 22,3 tỷ USD, tăng 17,7% và nhập khẩu nguyên, phụ liệu ước đạt 13,4 tỷ USD tăng 9,8% so cùng kỳ 2021. Theo đó, ngành hàng xuất siêu đạt 8,8 tỷ USD, tăng 32% so với 6 tháng 2021.
Bối cảnh thuận lợi của ngành hàng đã giúp hàng loạt doanh nghiệp dệt may báo lãi tăng mạnh trong quý II và nửa đầu năm.
Theo đó, Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex, mã: VTG) với doanh thu quý II đạt 4.768 tỷ đồng, tăng 30,3%, lợi nhuận sau thuế đạt 572,5 tỷ đồng, gần gấp rưỡi cùng kỳ năm ngoái.
Ông Cao Hữu Tiến, Tổng giám đốc Vinatex, cho biết các tháng đầu năm 2022, thị trường sợi vẫn phát huy những ảnh hưởng tích cực từ cuối năm 2021 với đơn hàng đều đặn và giá bán tốt.
Sang đầu quý II, mặc dù thị trường có dấu hiệu chững lại, giá bán sợi không tăng, song do dự báo được sự tăng cao của giá bông, các đơn vị sợi trong tập đoàn đã dự trữ lượng bông lớn với giá thành rẻ, nhờ đó thu được kết quả kinh doanh tích cực.
Ngoài ra, trong quý II năm nay, tất cả doanh nghiệp may trong tập đoàn đều có lãi, ổn định sản xuất trong khi cùng kỳ gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của dịch bệnh
Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần của Vinatex gần 9.668 tỷ đồng, tăng 37,4%. Lợi nhuận trước thuế đạt 982 tỷ đồng, tăng 55,8% và lợi nhuận sau thuế đạt 901,4 tỷ đồng, tăng 54% so với nửa đầu năm ngoái.
Năm nay, Vinatex đặt mục tiêu doanh thu 18.067 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 951 tỷ đồng. Theo đó, sau 6 tháng, Tập đoàn thực hiện 53,5% kế hoạch doanh thu và vượt chỉ tiêu lợi nhuận 3,3%.
Tiếp theo là Công ty cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Mã: TNG), doanh thu thuần quý II đạt 1.982 tỷ đồng, tăng 35,7%, lợi nhuận sau thuế đạt 86,8 tỷ đồng, tăng 42,3% so với quý II/2021.
Tính chung 6 tháng đầu năm 2022, doanh thu thuần của TNG đạt hơn 3.200 tỷ đồng, tăng 37% so với cùng kỳ 2021. Lợi nhuận sau thuế tăng 51% đạt 125 tỷ đồng.
Theo giải trình của TNG, sự tăng trưởng này là nhờ vào việc công ty đã đầu tư bổ sung thêm máy móc thiết bị tự động và ứng dụng phần mềm do công ty tự phát triển để kiểm soát sản xuất theo mốc giờ đến từng người lao động nên đã tăng được năng suất lao động và giảm chi phí sản xuất.
Bên cạnh đó, nhu cầu mua hàng và tình trạng khan hiếm container cải thiện. Hàng hóa xuất khẩu không còn bị ách tắc ở cảng giúp doanh thu tăng.
Ngoài việc áp dụng triệt để phần mềm trong công tác chuẩn bị sản xuất, máy móc thiết bị, vấn đề thu hồi công nợ khách hàng cải thiện nên giá vốn hàng bán giảm, chi phí bán hàng giảm. Dự kiến tháng 7 doanh thu toàn công ty đạt 690 tỷ đồng.
Năm 2022, TNG đặt mục tiêu doanh thu 5.990 tỷ đồng, lãi sau thuế 279 tỷ đồng. Như vậy sau 6 tháng đầu năm, TNG đã thực hiện 54% chỉ tiêu doanh thu và 45% chỉ tiêu lợi nhuận năm.
Với Tổng Cổ phần Phong Phú (Mã: PPH), doanh thu thuần trong quý vừa rồi đạt 454 tỷ đồng, tăng 4,8%, lợi nhuận sau thuế đạt 160,4 tỷ đồng, tăng 11%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Phong Phú ghi nhận doanh thu thuần ở mức gần 900 tỷ đồng, tăng 9,3%, lợi nhuận trước thuế là 324 tỷ đồng, tăng 14% và lợi nhuận sau thuế đạt 322,3 tỷ đồng, tăng 13,7% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022, tổng công ty đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 2.260 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất trước thuế 380 tỷ đồng. Như vậy, Phong Phú đã thực hiện gần 40% kế hoạch doanh thu và hơn 85% mục tiêu lợi nhuận trước thuế.
Trong năm nay, công ty sẽ tiếp tục phát triển hai chuỗi cung ứng chỉ may Coats và sản phẩm gia dụng (khăn bông và các sản phẩm tương tự), đồng thời cùng đối tác Coats cải tiến và phát triển thêm mặt hàng mới, đa dạng các chủng loại sợi mộc có giá trị cao cung cấp cho Coats.
Chi phí cao ăn mòn lợi nhuận doanh nghiệp
Trong quý II, mặc dù ghi nhận doanh thu thuần hơn 1.048 tỷ đồng, tăng 7% nhưng do lỗ chênh lệch tỷ giá, chi phí tài chính đã tăng đột biến lên gần 29 tỷ đồng, gấp 2,67 lần cùng kỳ, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 6%, lên hơn 45 tỷ đồng khiến lợi nhuận sau thuế của CTCP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (Mã: TCM) giảm 6% về mức 55 tỷ đồng.
Dù lợi nhuận quý II giảm nhưng lũy kế 6 tháng đầu năm, công ty vẫn ghi nhận tăng trưởng so cùng kỳ ở cả hai mục gồm doanh thu 2.170 tỷ đồng, tăng 13%, lãi sau thuế gần 129 tỷ đồng, tăng 6%.
Năm nay, Thành Công lên kế hoạch doanh thu hơn 4.180 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 253,8 tỷ đồng. Như vậy, công ty đã thực hiện được 52% kế hoạch doanh thu và hơn 50% mục tiêu lợi nhuận sau thuế.
Theo công ty, năm 2022 sẽ là một năm khởi sắc hơn cho ngành dệt may Việt Nam nói chung và doanh nghiệp này nói riêng. Thị trường bán lẻ quần áo thế giới đã dần hồi phục sau khi dịch Covid-19 có dấu hiệu giảm dần nhờ vào việc bao phủ vaccine.
Công ty đã nhận gần đủ đơn hàng cho quý III/2022 và đang nhận khoảng gần 50% đơn hàng cho kế hoạch quý IV/2022.
TCM cũng đã hoàn thành việc lắp đặt hệ thống điện năng lượng mặt trời áp mái tại nhà máy Vĩnh Long 2. Dự kiến đưa vào vận hành nhà máy may số 2 tại khu công nghiệp Hòa Phú tỉnh Vĩnh Long với 1.500 công nhân, công suất 9 triệu sản phẩm/năm. Sau khi nhà máy vận hành sẽ đóng góp thêm doanh thu cho năm 2022 và những năm tiếp theo.
Tương tự, với Công ty Cổ phần Sợi Thế kỷ (Mã: STK), doanh thu thuần quý II đạt 529,5 tỷ đồng, tăng gần 4%, doanh thu tài chính tăng gần 2,4 lần, lên mức 5,5 tỷ đồng. Các chi phí như quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng đều tiết giảm nhưng chi phí tài chính lên đến 15 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái chỉ hơn 320 triệu đồng.
Kết quả lợi nhuận sau thuế ghi nhận giảm gần 2% về mức 69,4 tỷ đồng. Dù vậy, 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của STK đạt gần 1.170 tỷ đồng, tăng 8% so cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế tăng nhẹ 3% lên 145 tỷ đồng.
Trong năm nay, doanh nghiệp đề ra mục tiêu doanh thu thuần đạt 2.606 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 300 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc quý II, STK đạt gần 45% kế hoạch doanh thu và hơn 48% mục tiêu lãi.
Tăng trưởng doanh thu nửa cuối năm sẽ giảm tốc?
Có thể thấy, ngành dệt may đã đi qua một nửa chặng đường 2022 vẫn khá lạc quan với sự tăng trưởng ở tích cực so với cùng kỳ. Nửa còn lại, ngành hàng sẽ phải mang về trị giá xuất khẩu 20-21 tỷ USD để có thể hoàn thành mục tiêu 43,5 tỷ USD trong năm nay. Tuy nhiên, chặng đường này được cho là sẽ khá nặng nề với loạt thách thức.
Công ty Cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) ước tính, tăng trưởng doanh thu của các công ty sản xuất dệt may tại Việt Nam sẽ “giảm tốc” trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Nguyên nhân khách hàng đã rút ngắn thời gian đặt trước đơn hàng (ngoại trừ kỳ nghỉ lễ trong quý IV) do lượng hàng tồn kho ở thị trường xuất khẩu ở mức cao và áp lực lạm phát. Trước đây, khách hàng thường đặt hàng trước 6 tháng thì nay chỉ đặt hàng trước 3 tháng.
Bên cạnh đó, các công ty cũng dự kiến chi phí sợi, vải, logistic và nhân công vẫn neo ở mức cao do giá dầu tăng và sự cạnh tranh trên thị trường lao động (chủ yếu với các nhà máy FDI). Điều này tác động tiêu cực đến toàn bộ chuỗi cung ứng hàng dệt may, từ nhà sản xuất đến nhà bán lẻ.
Vì thế chuyên gia SSI Research nhận định biên lợi nhuận gộp của các công ty sản xuất trong nước tiếp tục bị thu hẹp.
Hơn nữa, doanh thu và biên lợi nhuận có thể giảm sút nếu nền kinh tế Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam) suy yếu hoặc áp lực lạm phát cao hơn xảy ra trong 6 tháng cuối năm 2022 và năm 2023.
Tương tự, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng dự phóng nhu cầu hàng dệt may có xu hướng giảm do tình trạng "quá mua" của người tiêu dùng trong năm 2021 và lạm phát cao đang thắt chi tiêu người dân vào các sản phẩm tiêu dùng không thiết yếu.
Theo đó, thị trường Mỹ cũng bắt đầu cho thấy nhiều dấu hiệu cảnh báo về nhu cầu hàng may mặc đang có xu hướng giảm tốc. Trong quý đầu tiên của năm 2022, quần áo chỉ chiếm 3,9% tổng chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ, giảm từ 4,3% vào năm 2019 trước đại dịch.
Theo Vinatex, nhu cầu nhập khẩu dệt may của thị trường Mỹ có khả năng sẽ giảm 7-10% trong nửa cuối năm 2022 này.
Tại buổi đánh giá chặng đường 6 tháng đầu năm 2022 của ngành dệt may Việt Nam, Chủ tịch Vitas ông Vũ Đức Giang cho hay nhiều quốc gia là đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… vẫn đang áp dụng các biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, và ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng nguyên, phụ liệu và tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam.
Bên cạnh đó, lạm phát cao tại các thị trường tiêu thụ dệt may lớn của Việt Nam như Mỹ, EU… cộng với diễn biến phức tạp xung đột Nga - Ukraine khiến giá nguyên, nhiên phụ liệu tăng cao liên tục từ đầu năm đến nay.
Cụ thể, giá bông tăng hơn 19%; giá dầu thô tăng 40%; giá xăng trong nước tăng 67%; chi phí vận tải cao gấp 3 lần so với bình quân 5 năm trở lại đây… làm cho chi phí của doanh nghiệp tăng khoảng 20 - 25%.
Đây cũng là lý do VDSC cho rằng lợi nhuận các công ty ngành dệt may Việt Nam dự báo có sự phân hóa trong nửa cuối năm.
Cụ thể, 6 tháng cuối năm 2022 sẽ chứng kiến sự cạnh tranh gay gắt giữa các nhà sản xuất trong nước về cả nguồn nguyên liệu đầu vào lẫn đơn hàng đầu ra trong bối cảnh đơn hàng không còn dồi dào như nửa đầu năm.
"Khi đó, các doanh nghiệp có quy mô lớn với tập khách hàng ổn định và sản phẩm thuộc các phân khúc ít bị thắt chặt chi tiêu hơn (ví dụ như sản phẩm liên quan đến thể thao, sản phẩm thuộc phân khúc cao cấp) sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn", VDSC đánh giá.