Mua trước trả sau (Buy now, pay later) là hình thức thanh toán cho phép người tiêu dùng mua hàng và trả dần thành nhiều đợt trong một khoảng thời gian nhất định. Xuất phát từ nhu cầu của giới trẻ với mong muốn trải nghiệm việc mua sắm nhanh chóng, dịch vụ này được tích hợp vào các bước thanh toán trực tuyến hoặc tại cửa hàng của đơn vị bán lẻ và nhãn hàng. Theo báo cáo của Research & Markets về thị trường Việt Nam năm 2022, mua trước trả sau dự kiến tăng trưởng với tốc độ là 45.2% trong giai đoạn 2022-2028.
Thừa hưởng nền tảng từ KMS với kinh nghiệm hơn hai thập kỷ xây dựng các sản phẩm và công ty công nghệ trên toàn cầu, Kaypay - một doanh nghiệp lĩnh vực mua trước trả sau đang hướng tới mục tiêu phục vụ hơn 3.4 triệu người dùng trẻ ở các thành phố lớn. Với mong muốn chinh phục thị trường tiềm năng, anh Duy Lê - CEO của Kaypay chia sẻ góc nhìn và định hướng phát triển của doanh nghiệp.
- Tiềm năng nào tại thị trường Việt Nam khiến KMS quyết định đầu tư và phát triển Kaypay - doanh nghiệp cung cấp giải pháp dịch vụ mua trước trả sau?
- Với đội ngũ kỹ sư hơn 1.600 người tại Việt Nam và nền tảng công nghệ vững mạnh về các sản phẩm Fintech và bán lẻ, KMS xác định đã đến lúc phát huy các thế mạnh của mình tại thị trường nội địa. Nhận định về tiềm năng phát triển của dịch vụ mua trước trả sau và sự chuyển dịch về hành vi mua sắm và tiêu dùng trong nước, KMS quyết định thành lập và đầu tư vào Kaypay với sứ mệnh xây dựng thói quen quản lý chi tiêu lành mạnh và mở ra những trải nghiệm mua sắm an toàn, thú vị cho giới trẻ Việt Nam.
Qua khảo sát thị trường, Kaypay xác định Gen Z là đối tượng khách hàng mục tiêu khi có nhu cầu mua sắm rất lớn nhưng vẫn còn hạn chế về khả năng chi trả. Họ rất thường xuyên gặp phải trường hợp không đủ ngân sách để thanh toán ngay lập tức cho món hàng yêu thích hoặc muốn mua một món hàng có mức giá cao hơn so với khả năng tài chính hiện có. Giải pháp mua trước trả sau chính là phương thức giúp cho đối tượng khách hàng này thoả mãn nhu cầu mua sắm và sở hữu các món hàng nhanh chóng mà không lo phải vay mượn kèm lãi suất.
Xét trên góc độ kinh tế vĩ mô, GDP của Việt Nam vẫn đang tăng trưởng ổn định, bên cạnh đó thương mại điện tử đang trên đà phát triển mạnh mẽ cùng với sự phổ biến nhanh chóng và rộng rãi của các hình thức chi trả, thanh toán online. Đây là môi trường lý tưởng để Kaypay đem đến các giải pháp mua trước trả sau hỗ trợ người dùng và đảm bảo hiệu quả kinh doanh với đối tác.
Đồng thời, theo nghiên cứu của Kaypay, thị trường mua trước trả sau tại Việt Nam có tiềm năng khoảng 4.6 tỷ USD, con số khá ấn tượng so với các quốc gia đã phát triển hình thức này trước một vài năm trong khu vực như Indonesia (khoảng 9 tỷ USD) hay Singapore (khoảng 3 tỷ USD). Việt Nam có độ trễ nhất định nhưng sẽ đi rất nhanh khi đã bắt kịp xu hướng. Trong vòng 3 năm tới, hình thức mua trước trả sau sẽ trở thành hình thức chi trả phổ biến với người dùng tại Việt Nam.
- Anh có nhắc đến Gen Z là đối tượng sẽ sử dụng hình thức mua trước trả sau nhiều tại Việt Nam, đâu là điểm khác biệt trong hành vi tiêu dùng của đối tượng khách hàng này?
- Gen Z và Millennials chiếm khoảng 80% khách hàng của Kaypay, có vị trí vô cùng quan trọng với chúng tôi. Qua khảo sát về nhu cầu và hành vi người tiêu dùng, chúng tôi xác định 3 điểm khác biệt lớn nhất của Gen Z so với thế hệ trước. Đây là những tố chất rất riêng giúp làm nên lối sống năng động, dám nghĩ dám làm của đối tượng này.
Thứ nhất, các bạn trẻ Gen Z có nhu cầu cao về việc "khẳng định bản thân", đề cao tính cá nhân hóa trong mọi trải nghiệm. Đặc điểm này được thể hiện rõ khi việc lựa chọn sản phẩm của Gen Z không đơn thuần dựa vào tính năng sử dụng mà còn thể hiện bản sắc cá nhân.
Thứ hai, Gen Z là thế hệ "sống không chờ đợi". Thế hệ này lớn lên cùng smartphone, tablet, internet TV... nên khả năng thích ứng công nghệ tốt, từ đó, hình thành nhu cầu và thói quen trên nền tảng digital nhanh chóng. Đồng thời. đối tượng này cũng dễ khước từ các thủ tục liên quan đến giấy tờ biểu mẫu. Nhanh, gọn, lẹ cũng là các yếu tố về trải nghiệm mua sắm Gen Z đặt lên hàng đầu.
Thứ ba, với Gen Z, họ luôn ưu tiên "sống cho hiện tại", ít suy nghĩ, đắn đo về tương lai. "Thích là nhích" là câu nói thể hiện rõ nhất đặc điểm này của Gen Z. Trong tiêu dùng, hiển nhiên họ biết rất rõ bản thân muốn gì và khát khao thoả mãn sở thích cá nhân.
Hiểu rõ các nhu cầu này, tại Kaypay, chúng tôi tập trung xây dựng mọi tính năng dựa trên nền tảng AI (Artificial Intelligence) và Big Data để mang đến các trải nghiệm kỹ thuật số thân thiện (Digital native experience) cho người dùng trong việc khám phá, mua sắm và thanh toán.
- Không thu phí trực tiếp từ người dùng mà kiếm tiền từ các đối tác, điều đó đồng nghĩa việc lựa chọn đối tác quyết định đến sự "sống còn" của Kaypay. Vậy đâu là tiêu chí giúp Kaypay xác định đối tác kinh doanh của mình?
- Các đối tác phân phối hàng hóa trên nền tảng của Kaypay luôn cần đáp ứng các tiêu chí nhận định và có chung tầm nhìn dài hạn. Những đơn vị cung cấp phải đạt các tiêu chí về chất lượng, nguồn gốc hàng hoá, tối ưu được giá cả sản phẩm và giá trị mà người dùng nhận được, có chính sách hậu mãi rõ ràng với người dùng cuối.
Ngoài ra, Kaypay cũng thường xuyên sàng lọc chất lượng các sản phẩm từ các đối tác để không xâm phạm lời hứa đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng. Bởi người Việt Nam, đặc biệt là các bạn trẻ xứng đáng được sử dụng các sản phẩm tốt và yên tâm tận hưởng trải nghiệm mua sắm hoàn thiện.
- Thị trường mua trước trả sau sôi động khi hàng loạt tên tuổi lớn nhỏ từ Fintech đến các đơn vị tài chính, ngân hàng, ví điện tử cũng đồng loạt tham gia lĩnh vực này. Để chiếm lĩnh thị trường đâu là điểm khác biệt tạo ra lợi thế cạnh tranh cho Kaypay?
- Với Kaypay, có hai yếu tố tạo ra sự cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường.
Đầu tiên, KMS đã đạt nhiều thành công khi triển khai các hệ thống Fintech và bán lẻ, do đó, nền tảng về kiến thức, quy trình và công nghệ là lợi thế rất lớn của chúng tôi. Bên cạnh đó, Kaypay cũng đang hợp tác với các đối tác công nghệ trong lĩnh vực thương mại điện tử và thanh toán như Haravan, Shopify, TrueID, Onepay, Appotapay,... Đây là cơ sở giúp Kaypay xây dựng ứng dụng mua trước trả sau thích hợp, tùy biến với thị trường nội địa.
Ngoài ra, Kaypay có nền tảng phân tích dữ liệu người dùng chuyên sâu (Kaypay Customer Insights - KCI) giúp doanh nghiệp hiểu hơn về khách hàng của mình. Bằng AI, Kaypay có thể đưa ra gợi ý và hướng dẫn phù hợp với nhu cầu của khách hàng. Điều này giúp nâng cao trải nghiệm cá nhân hóa để hỗ trợ và bảo vệ người dùng tốt hơn.
- Ở chiều ngược lại, theo anh, đâu là rào cản trong quá trình phát triển của Kaypay?
- Thử thách với Kaypay đến từ thị trường nhiều hơn nội bộ doanh nghiệp.
Hiện, có nhiều khách hàng vẫn nhầm lẫn giữa dịch vụ mua trước trả sau và các hình thức chi trả khác. Thậm chí, một số doanh nghiệp khác còn sử dụng thuật ngữ "mua trước trả sau" này để gây hiểu nhầm cho người dùng. Do đó, để đưa khái niệm mua trước trả sau đúng nghĩa vào tâm thức người dùng và định vị một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ mua trước trả sau uy tín sẽ tốn nhiều thời gian.
Bên cạnh đó, tại Việt Nam, thương mại điện tử đang nở rộ, song, mặt trái của điều này là sự tràn lan của các sản phẩm không đảm bảo chất lượng và nguồn gốc xuất xứ. Nếu so về giá cả, có thể sản phẩm của Kaypay sẽ có giá thành cao hơn các nền tảng khác. Nhưng xét trên tổng thể trải nghiệm, sự chệnh lệch giá cả này là "bảo hiểm" cho niềm tin của khách hàng với các sản phẩm và dịch vụ chất lượng. Điều này cần sự thay đổi từ hành vi và sự chấp nhận trong tâm lý của người tiêu dùng, và chúng tôi sẽ truyền thông liên tục để giúp họ nhận thấy và ủng hộ những trải nghiệm mới.
Hai khó khăn này không thể giải quyết trong một sớm một chiều, cần có thời gian và quá trình thực hiện thường xuyên để thị trường hiểu giá trị doanh nghiệp và chấp nhận sử dụng sản phẩm dịch vụ.
- Hạn chế nợ xấu được coi là "chìa khoá" cho sự phát triển của doanh nghiệp liên quan về tài chính, thanh toán. Kaypay làm như thế nào để hạn chế rủi ro này?
- Khi định vị doanh nghiệp, Kaypay không xác định mình công ty về tài chính hay cho vay mà là công ty gia tăng tính trải nghiệm mua sắm cho người dùng, hỗ trợ dịch vụ mua trước trả sau. Để hạn chế rủi ro, cần có điểm gặp nhau từ 3 phía: Kaypay hỗ trợ trải nghiệm mua sắm, bảo vệ người dùng; doanh nghiệp đối tác đảm bảo chất lượng hàng hóa; và khách hàng có khả năng và đảm bảo chi trả.
Sau quá trình đồng hành mùa sắm với khách hàng, nền tảng phân tích người dùng chuyên sâu (KCI), phải đủ thông minh để giúp khách hàng chi tiêu hợp lý trong khả năng chi trả của mình.
Trong trường hợp bất khả kháng khách hàng mất khả năng chi trả, Kaypay sẽ có các tính năng hỗ trợ lộ trình trả chậm hơn bình thường và với biểu phí hỗ trợ minh bạch hợp lý, nhằm giúp người dùng không rơi vào bẫy nợ dài hạn. Thiết kế lộ trình như vậy sẽ hạn chế được rủi ro cho cả hai bên, dựa trên sự tin tưởng và đồng hành giữa Kaypay và khách hàng. Theo thời gian, khi càng hiểu rõ từng khách hàng của mình, rủi ro cho Kaypay sẽ càng thấp.
- Từ góc độ của doanh nghiệp đưa ra các giải pháp về mua trước trả sau, anh có lời khuyên gì cho người dùng, đặc biệt là đối tượng khách hàng Gen Z để họ không rơi vào các "bẫy tín dụng"?
- Nhìn ở góc độ người dùng, khi mua một món đồ nào đó, người dùng cần cân nhắc món đồ đó có thực sự cần thiết tại thời điểm hiện tại và khả năng chi trả của bản thân. Tôi có lời khuyên là không nên mua món hàng nào nếu trong vòng 2-3 tháng bạn không thể chi trả được.
Ngoài ra, khi sử dụng hình thức mua trước trả sau, người dùng phải hiểu về điều kiện, bảng biểu phí và cách thức tính toán của từng doang nghiệp bởi điều này ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người tiêu dùng.
Ở góc độ doanh nghiệp, tôi hy vọng các doanh nghiệp tham gia vào thị trường mua trước trả sau có thể bảo vệ quyền lợi của người dùng vì đây cũng là cách thức đảm bảo sự tăng trưởng và phát triển của doanh nghiệp. Doanh nghiệp mua trước trả sau cần tham gia vào thị trưòng đúng với tinh thần của mô hình này - không thu phí người dùng, đảm bảo quyền lợi và trải nghiệm mua sắm trơn tru nhất. Doanh nghiệp nên tin tưởng người trẻ nếu họ đã xây dựng lịch sử tín dụng minh mạch. Doanh nghiệp mua trước trả sau sẽ là người hỗ trợ giúp khách hàng có tiềm năng trả tiền thay vì là người đòi nợ.
- Vậy chiến lược trong vòng 5 năm tới của Kaypay là gì, thưa anh?
- Tại Kaypay, đội ngũ lãnh đạo và quản lý luôn tự đặt ra và tìm cách trả lời cho câu hỏi "Làm thế nào để người dùng hài lòng hơn với trải nghiệm mua sắm của mình thông qua sản phẩm và dịch vụ của Kaypay?" một cách thường xuyên và liên tục.
Ở giai đoạn đầu, Kaypay phải đảm bảo xây dựng sản phẩm phù hợp và được đón nhận ở thị trường Việt Nam. Để đạt được điều này, am hiểu thị trường và người tiêu dùng được chúng tôi đặt lên hàng đầu. Bên cạnh đó, chúng tôi tập trung xây dựng nguồn lực về nhân sự, công nghệ để nhanh chóng hoàn thiện sản phẩm phù hợp với nhu cầu và trải nghiệm của người dùng.
Việc xây dựng nhận biết và thâm nhập thị trường cũng là yếu tố Kaypay chú trọng. Chúng tôi đã có sự chuẩn bị kỹ càng và sẽ chính thức ra mắt thị trường từ tháng 8/2022 với các hoạt động Marketing tập trung mạnh vào đối tượng Gen Z. Rất nhiều hàng hoá với ưu đãi và voucher hấp dẫn cũng đã sẵn sàng tại ứng dụng Kaypay để chào đón người dùng khám phá và trải nghiệm.
Kaypay xác định tập trung phát triển và thỏa mãn người dùng là chiến lược trọng tâm trong cả ngắn hạn và dài hạn. Thành công của một doanh nghiệp có thể định nghĩa bằng nhiều yếu tố. Song, với Kaypay, mức độ đón nhận và hài lòng của người tiêu dùng chính là thước đo thành công của chúng tôi và của tất cả các đối tác đang và sẽ đồng hành cùng với Kaypay.
Được phát triển bởi KMS, Kaypay là một nền tảng dịch vụ mua trước trả sau cung cấp cho người tiêu dùng trẻ trải nghiệm mua sắm, thanh toán hàng hóa hiện đại và thú vị. Tìm hiểu thêm về Kaypay tại đây. |