Thời sự

BSC cảnh báo nếu tỷ lệ tín dụng/ GDP tăng cao không kiểm soát sẽ tạo áp lực nợ xấu ngân hàng trong 2024

Trong báo cáo vừa công bố,  CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) đưa ra góc nhìn về vấn đề nợ vay và GDP. 

Kể từ năm 2020, sự gia tăng về lượng tiền chảy vào nền kinh tế đã khiến cho tín dụng của Việt Nam vượt lên mức GDP danh nghĩa.

So sánh với các cường quốc và các quốc gia trong khu vực, một số các quy mô kinh tế lớn như Trung Quốc và Mỹ hay các nước trong khu vực Đông Nam Á như Malaysia và Thái Lan đang có số mức tổng nợ vay/GDP > 1. Trong các quốc gia này, Việt Nam (111,1%) xếp thứ 4 sau Trung Quốc (308,5%), Mỹ (129,1%) và Malaysia (113,4%).   

Theo BSC, các quốc gia đều có chỉ số này tăng mạnh vào giai đoạn COVID-19 do hai nguyên nhân. Thứ nhất, GDP giảm tốc do các chính sách phong tỏa COVID-19 gây tác động tiêu cực lên hoạt động kinh doanh và tiêu dùng trong nền kinh tế. Thứ hai, khoản vay nợ gia tăng khi mức lãi suất thấp tạo điều kiện cho các hoạt động cho vay và đầu tư trong giai đoạn 2020-2021.

Tác động chủ yếu của hiện tượng này ảnh hưởng lớn chủ yếu đến tình trạng lạm phát. Chính sách nới lỏng làm gia tăng giá cả hàng hóa trong nền kinh tế và tạo nên vòng xoáy lạm phát rồi dẫn đến chu kỳ chính sách tiền tệ thắt chặt.

Tốc độ thắt chặt nhanh chóng tạo nên các sự kiện phá sản của Credit Suisse, SVB bởi chính sách cho vay không kiểm soát và quản trị rủi ro lãi suất kém của những ngân hàng này.

BSC cho hay chu kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và sự hồi phục kinh tế đã khiến các quốc gia phương Tây và Malaysia hạ được tỷ lệ tổng nợ vay/GDP xuống so với giai đoạn đỉnh cao năm 2020.

Tuy nhiên, với các quốc gia trong giai đoạn cần kích cầu tăng trưởng như Việt Nam, Thái Lan, và Indonesia thì vẫn duy trì mức tổng nợ vay/ GDP cao.

 

Khối phân tích nhận định Việt Nam với mong muốn kích cầu tăng trưởng đang có mức độ nới lỏng chính sách tiền tệ tiến về thời kỳ COVID-19 (lãi suất điều hành từ 6% xuống 4,5%, mở room tín dụng, thị trường mở nới lỏng), nhiều khả năng con số này sẽ tiếp tục tăng trong năm nay.

Những diễn biến trên thế giới vừa qua đã cho thấy nếu con số này quá cao sẽ xảy ra hai hiện tượng. Thứ nhất, lạm phát tăng mạnh vượt mức kiểm soát của các NHTW. Thứ hai, xảy ra các vụ việc phá sản tại các ngân hàng quản trị rủi ro kém.

Với Việt Nam, hai hoạt động này đã được ngân hàng nhà nước kiểm soát và theo dõi. Cụ thể, đà tăng lạm phát đang được kiểm soát và duy trì ở mức thấp từ tháng 3 đến thời điểm hiện tại. BSC đánh giá yếu tố này đang ở trạng thái khá an toàn và ổn định.

 

BSC lưu ý việc tỷ lệ nợ xấu đang có xu hướng gia tăng trong 6 tháng đầu năm nay chủ yếu do mức lãi suất cao gây khó khăn trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Tuy nhiên, tại thời điểm hiện tại, với mức lãi suất hạ thấp và nghị định gia hạn trái phiếu doanh nghiệp sẽ giúp cho ngân hàng và doanh nghiệp có thêm thời gian tái cơ cấu nợ và giảm tỷ lệ nợ xấu so với thời điểm 6 tháng đầu năm 2023.

BSC nhận định tổng tín dụng/GDP của Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trong năm nay khi các chính sách kích thích kinh tế duy trì cho đến hết năm. Nếu con số này tiếp tục tăng lên cao và không kiểm soát sẽ tạo áp lực lên lạm phát và tỷ lệ nợ xấu trong nhóm ngân hàng trong năm 2024. 

Nói riêng về nợ xấu, ở góc độ chuyên gia, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng nợ xấu gia tăng là xu hướng chung của thế giới trong bối cảnh còn nhiều khó khăn như hiện nay. Ông nhận định rõ ràng con số nợ xấu đã tăng so với năm 2022 nhưng vẫn trong tầm kiểm soát.

 

Để giảm gánh nặng nợ xấu trong tương lai, các tổ chức tín dụng vẫn đang chủ động trích lập dự phòng rủi ro để tăng nguồn lực xử lý nợ xấu.

"Thông tư 02 đã yêu cầu các tổ chức tín dụng kể cả chưa chuyển nhóm nợ vẫn phải trích lập dự phòng rủi ro để đảm bảo trường hợp xấu nhất xảy ra vẫn có nguồn lực xử lý. Mặc dù tỷ lệ bao phủ nợ xấu vào khoảng 135% tổng dư nợ nền kinh tế, không cao như thời gian trước nhưng đó vẫn là nguồn lực quan trọng để ngân hàng có thêm năng lực xử lý nợ xấu", TS. Cấn Văn Lực đánh giá.       

 

Liên quan đến việc xử lý nợ, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết việc thu hồi nợ thời gian qua còn gặp nhiều vướng mắc. Trong đó, nhiều tài sản bảo đảm có giá trị lớn liên quan đến bất động sản nhưng thị trường gần như "đóng băng" gây khó cho việc xử lý tài sản.

Thêm vào đó, một số khách hàng có nợ xấu bất hợp tác, khó thương lượng. Cá biệt có hiện tượng lập nhóm bùng nợ tràn lan trên mạng xã hội kêu gọi không trả nợ nhất là nhóm khách hàng vay tiêu dùng.  

 

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm