Coteccons nợ hơn 320 tỷ đồng
Cụ thể, trong quý II năm nay, Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons đạt doanh thu thuần hơn 2.102 tỷ đồng, giảm 24% so với cùng kỳ. Trong đó, phần lớn doanh thu đến từ hợp đồng xây dựng với gần 2.083 tỷ đồng, doanh thu từ hoạt động bất động sản là 14 tỷ đồng, còn lại đến từ doanh thu khác.
Ricons công khai số tiền Coteccons đang nợ là hơn 322 tỷ đồng.
Doanh thu hoạt động tài chính trong quý II đạt gần 27 tỷ đồng (tăng 158% so với cùng kỳ) đến từ lãi tiền gửi ngân hàng, lãi trái phiếu hơn 21 tỷ đồng và cổ tức được chia 5,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Ricons còn có khoản lãi từ công ty liên doanh liên kết 63 tỷ đồng, gấp 22 lần so cùng kỳ.
Doanh nghiệp có chi phí tài chính gần 11 tỷ đồng, gấp 5 lần so với cùng kỳ do phải trả chi phí lãi vay. Chi phí quản lý doanh nghiệp gần 49 tỷ đồng, tăng 32%. Kết thúc quý II, Ricons báo lãi hơn 52 tỷ đồng, tăng 90% so cùng kỳ.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Ricons đạt 3.821 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 20%. Nhờ vào lãi từ hoạt động tài chính và công ty liên doanh liên kết mà lợi nhuận ròng đạt hơn 68 tỷ đồng, tăng 41%. So với kế hoạch năm 2023, Ricons thực hiện được 64% chỉ tiêu doanh thu thuần và vượt chỉ tiêu lãi sau thuế trong nửa đầu năm.
Tại thời điểm ngày 30/06, quy mô tài sản của Ricons ở mức 7.263 tỷ đồng, giảm 11% so đầu năm. Hiện tại, Ricons đang có 200 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền. Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn hơn 890 tỷ đồng, tăng 95% chủ yếu tăng do các khoản tiền gửi ngân hàng có kỳ hạn dưới 1 năm tăng.
Hiện tại, Ricons đang kiện Coteccons ra TAND TPHCM yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với Coteccons.
Đáng chú ý, trong báo cáo khoản phải thu lần này Ricons nêu đích danh Công ty CP Xây dựng Coteccons nợ hơn 320 tỷ đồng, Công ty CP Gamuda Land nợ gần 650 tỷ đồng, còn lại là từ các khách hàng khác nợ hơn 2.400 tỷ đồng.
Góp vốn vào Ricons hơn 300 tỷ đồng
Trong khi đó, báo cáo tài chính hợp nhất quý II của Công ty CP Xây dựng Coteccons ghi nhận doanh thu thuần gần 3.620 tỷ đồng, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu chính đến từ hợp đồng xây dựng chiếm phần lớn với hơn 3.600 tỷ đồng, còn lại đến từ cho thuê thiết bị xây dựng gần 4 tỷ đồng, cho thuê văn phòng hơn 3 tỷ đồng.
Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 120 tỷ đồng và chi phí tài chính hơn 35 tỷ đồng, giảm lần lượt 67% và 25% so cùng kỳ. Trong khi, chi phí lãi vay đạt hơn 25 tỷ đồng, tăng 33%. Kết quả, Coteccons lãi ròng hơn 30 tỷ đồng. Đây cũng là quý có lãi cao nhất kể từ quý III/2021.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, Coteccons đạt gần 6.750 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 30% so cùng kỳ. Lãi ròng hơn 52 tỷ đồng, gấp gần 10 lần cùng kỳ.
Trong báo cáo tài chính của Coteccons, Ricons chỉ được nhắc tới ở mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác với giá trị hơn 301 tỷ đồng.
Tại thời điểm 30/6/2023, quy mô tài sản Coteccons ở mức 21.375 tỷ đồng, tăng 13% so đầu năm. Trong đó, Coteccons đang có gần 1.883 tỷ đồng tiền và các khoản tương đương tiền, tăng 77%. Giá trị hàng tồn kho hơn 3.148 tỷ đồng, tăng 11% so với đầu năm. Coteccons cũng giảm 272 nhân sự từ đầu năm, tại thời điểm ngày 30/6 còn 1.985 nhân viên.
Nợ phải trả của Coteccons hơn 13.103 tỷ đồng, tăng 22% so đầu năm. Trong đó, vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn hơn 697 tỷ đồng, khoản vay tài chính dài hạn gần 498 tỷ đồng.
Đáng chú ý, khoản nợ đối với Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons trong kỳ báo cáo quý II/2023 không được Coteccons nhắc tới. Thay vào đó, Coteccons chỉ nhắc tới Ricons ở mục đầu tư góp vốn vào đơn vị khác với giá trị góp vốn hơn 301 tỷ đồng.
Công ty CP Xây dựng Coteccons (mã chứng khoán: CTD) vừa nhận được Thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của TAND TPHCM về việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons. Coteccons cho biết, có sự việc tranh chấp hợp đồng kinh tế với Ricons, liên quan đến các giao dịch bao gồm các khoản phải thu và khoản phải trả (gọi tắt là công nợ) giữa hai công ty.