Số ca mắc có xu hướng tăng từ sau Tết Nguyên đán, bắt đầu từ tuần thứ 9 của năm. Tuy nhiên, diễn biến ghi nhận sự chững lại vào tuần 14 và giảm dần trong các tuần từ 15 đến 17. Đáng chú ý, phần lớn các tỉnh có số ca mắc tăng tập trung ở khu vực phía Bắc. Trong khi đó, tại các vùng còn lại, số ca mắc sởi về cơ bản đã ổn định, không còn tăng rõ rệt như trước.
Thay đổi về độ tuổi mắc bệnh
Cơ cấu độ tuổi mắc sởi cũng có sự thay đổi sau thời điểm kết thúc các chiến dịch tiêm vắc xin sởi trước đó. Cụ thể, nhóm trẻ từ trên 1 tuổi đến 10 tuổi – hiện chiếm tỷ lệ mắc cao nhất (65,8%) – đã giảm 1,6% so với 3 tháng đầu năm. Nhóm dưới 1 tuổi (2,9%) giảm nhẹ 0,2%. Ngược lại, tỷ lệ mắc ở nhóm trên 10 tuổi đã tăng 1,8%, trong đó lứa tuổi từ 11–15 tuổi chiếm 15,8% và từ 16 tuổi trở lên chiếm 13,7%.
Tính đến thời điểm hiện tại, 54/54 tỉnh, thành phố đã triển khai tiêm chủng cho 777.451 trên tổng số 806.267 đối tượng, đạt tỷ lệ 96,4%. Trong đó, 52 tỉnh đạt tỷ lệ tiêm trên 95% – mức đạt yêu cầu theo kế hoạch; còn lại 2 tỉnh đạt mức tiêm chủng từ 90–95%.
Trước tình hình dịch sởi vẫn diễn biến phức tạp dù đã có xu hướng giảm, ngày 21/4, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 1340/QĐ-BYT về việc triển khai Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng, chống dịch sởi đợt 3. Trong đợt này, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương đã phân bổ 451.700 liều vắc xin cho các viện khu vực để triển khai tiêm tại các tỉnh, thành phố.
Các địa phương hiện đang xây dựng kế hoạch chi tiết và tổ chức triển khai theo hướng dẫn của Bộ. Đồng thời, ngành y tế yêu cầu các cơ sở khám chữa bệnh tăng cường công tác kiểm soát lây nhiễm, thu dung điều trị, phân luồng bệnh nhân và báo cáo kịp thời các ca mắc.
Nhiều khó khăn
Mặc dù dịch bệnh có dấu hiệu giảm, ngành y tế đánh giá vẫn còn nhiều thách thức. Trong đó, đáng chú ý là nhận thức của một bộ phận người dân về tiêm chủng còn hạn chế, dẫn đến tâm lý e ngại tiêm vắc xin. Cùng với đó, tình trạng thiếu nhân lực y tế tại tuyến cơ sở cũng ảnh hưởng đến tiến độ triển khai chiến dịch.
Nhằm đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng đợt 3, Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố, các Viện Vệ sinh dịch tễ và Viện Pasteur, yêu cầu tăng cường chỉ đạo, giám sát phòng, chống dịch trong giai đoạn giao mùa. Bộ yêu cầu các địa phương hoàn thành tiêm mũi 1 trước ngày 30/4 và mũi 2 trước ngày 15/5/2025, theo Quyết định 1340/QĐ-BYT.
Song song đó, ngành y tế cũng đề nghị phối hợp chặt chẽ với hệ thống truyền thông để tuyên truyền, vận động phụ huynh đưa trẻ đi tiêm đầy đủ, đúng lịch. Các thông tin về dịch bệnh và khuyến cáo phòng bệnh cũng cần được cập nhật thường xuyên để người dân nắm bắt.
Tập trung tiêm cho các nhóm nguy cơ cao
Theo Bộ Y tế, phần lớn ca mắc sởi hiện nay là những trường hợp chưa tiêm hoặc tiêm chưa đủ liều vắc xin, hoặc chưa đến tuổi tiêm theo Chương trình tiêm chủng mở rộng.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo, tại các nước có lưu hành bệnh sởi, cần tiêm mũi 1 cho trẻ từ 9 tháng tuổi, mũi 2 lúc 15–18 tháng. Trong khi đó, tại các quốc gia đã loại trừ bệnh sởi, mũi 1 được tiêm ở 12 tháng và mũi 2 cũng từ 15–18 tháng.
WHO cũng khuyến cáo bổ sung một mũi vắc xin chứa thành phần sởi cho trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi trong các chiến dịch khi dịch sởi đang bùng phát, hoặc tại vùng nguy cơ cao. Sau mũi bổ sung, trẻ vẫn cần tiêm đủ 2 mũi theo lịch của chương trình tiêm chủng, với khoảng cách tối thiểu giữa các mũi là 4 tuần. Vắc xin sử dụng cho nhóm dưới 9 tháng tuổi được khẳng định là an toàn và hiệu quả.
Chiến dịch tiêm chủng đợt 3 năm 2025 sẽ tập trung vào ba nhóm đối tượng chính:
Trẻ từ 6 đến dưới 9 tháng tuổi chưa được tiêm trong đợt 1 và 2, sống tại vùng có dịch hoặc nguy cơ cao;
Trẻ từ 11 đến 15 tuổi tại xã/phường nguy cơ cao, chưa được tiêm đủ hoặc không rõ tiền sử tiêm chủng/mắc sởi;
Gia đình có trẻ có nguyện vọng tiêm vắc xin sởi cho trẻ tại vùng đang có dịch hoặc nguy cơ cao.
Ngành y tế khuyến cáo các phụ huynh cần chủ động đưa trẻ đi tiêm vắc xin đúng lịch, đầy đủ để bảo vệ trẻ và cộng đồng trước nguy cơ bùng phát dịch sởi. Việc tiêm chủng sớm và đúng đối tượng là biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát và tiến tới loại trừ bệnh sởi tại Việt Nam.