Phù hợp theo quy định của pháp luật
Liên quan đến kiến nghị công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai trên địa bàn tỉnh của Sở GTVT tỉnh Phú Yên để ứng phó, khắc phục hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông các tuyến quốc lộ trên địa bàn do ảnh hưởng của mưa lớn trên diện rộng, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất, trao đổi với Báo Giao thông, ông Trần Bá Đạt, Phó Vụ trưởng Vụ ATGT, Cục Đường bộ VN cho biết, kiến nghị trên là phù hợp và đúng theo quy định của pháp luật.
Khắc phục sạt lở QL1D đoạn giáp ranh giữa Phú Yên và Bình Định
Cụ thể, theo Nghị định 66/2021/NĐ-CP (quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều) và Thông tư 43/2021/TT-BGTVT (sửa đổi Thông tư 03/2019/TT-BGTVT quy định về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai trong lĩnh vực đường bộ), quy định khi xảy ra tình huống thiên tai, Bộ GTVT quyết định công bố và kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai đối với hệ thống quốc lộ và đường bộ cao tốc; Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn hoặc cơ quan chuyên môn trực thuộc Bộ GTVT tham mưu cho Bộ trưởng Bộ GTVT quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Nội dung quyết định công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai bao gồm: Thời điểm bắt đầu, diễn biến, phạm vi ảnh hưởng của thiên tai hoặc sự cố; hư hỏng kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ do ảnh hưởng của thiên tai; mức độ hư hỏng đối với công trình; thiệt hại hoặc nguy cơ gây thiệt hại có thể xảy ra; các biện pháp khẩn cấp cần áp dụng ngay để ứng phó và khắc phục hậu quả nhằm ngăn chặn, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai hoặc sự cố công trình gây ra; phân công trách nhiệm cho các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện ứng phó và khắc phục hậu quả.
Căn cứ diễn biến thiên tai hoặc kết quả khắc phục sự cố, cơ quan tham mưu trình Bộ trưởng Bộ GTVT ban hành quyết định công bố kết thúc tình huống khẩn cấp về thiên tai.
Ông Lê Hoàng Minh, Vụ trưởng Vụ kết cấu hạ tầng, Bộ GTVT cũng cho biết, việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai được thực hiện trong những tình huống tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho phương tiện và người dân cũng như công trình giao thông trong quá trình thiên tai bất thường. Bộ GTVT có trách nhiệm ban bố tình huống khẩn cấp này theo Nghị định 666/2021/NĐ-CP.
“Kiến nghị của Sở GTVT Phú Yên hoàn toàn phù hợp. Trên cơ sở đề nghị của Sở GTVT và Cục Đường bộ VN, Bộ GTVT sẽ công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai tại Phú Yên”, ông Minh nói và cho biết: Việc công bố tình huống khẩn cấp về thiên tai sẽ tạo thuận lợi trong việc khẩn trương khắc phục những ảnh hưởng về giao thông do thiên tai gây ra, thể hiện qua việc được phép chỉ định thầu thực hiện xử lý các công trình đột xuất.
“Không chỉ riêng Phú Yên, từ khi Nghị định 66/2021/NĐ-CP có hiệu lực, Vụ ATGT, Bộ GTVT (nay là Vụ Kết cấu hạ tầng) đã tham mưu cho lãnh đạo Bộ GTVT ban hành nhiều tình huống khẩn cấp ở các địa phương khác khi nhận thấy những nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn cho phương tiện và người dân”, ông Minh nói thêm.
Phân luồng giao thông các phương tiện từ Bình Định vào Phú Yên khi đến ngã 3 Phú Tài không di chuyển vào Phú Yên theo QL1 mà đi theo QL1D
Khẩn trương khắc phục hậu quả về giao thông do mưa lũ
Ông Trần Bá Đạt cho biết, hiện nay, Đoàn công tác của Cục Đường bộ VN do Phó Cục trưởng Nguyễn Xuân Ảnh làm Trưởng đoàn đã trực tiếp vào Khu Quản lý đường bộ II chỉ đạo khắc phục hậu quả về giao thông do thiên tai gây ra tại các địa phương bị ảnh hưởng, trong đó có Phú Yên, Quảng Ngãi, Khánh Hoà, Quảng Nam, Quảng Trị.
Phương án khắc phục ưu tiên những vị trí bị sạt lở, ngập lụt gây tắc đường nhằm thông suốt giao thông. Tại những vị trí đường ngập nguy hiểm, sẽ bố trí cảnh giới để nhắc nhở, ngăn không cho các phương tiện đi vào nhằm đảm bảo an toàn tính mạng và phương tiện cho người dân.
Đồng thời, tổ chức phân luồng giao thông theo hướng khác tránh tình trạng ùn tắc giao thông ảnh hưởng đến sinh hoạt của nhân dân.
Tại những vị trí bị sạt lở taluy dương, sẽ huy động nhân lực tiến hành hót dọn để thông luồng giao thông, ở những vị trí sạt lở taluy âm, cần tiến hành kè lại hoặc lấn vào taluy dương mở rộng lối đi, tuỳ theo từng vị trí hư hỏng.
Đối với những hư hỏng về nền, mặt đường, cống rãnh sẽ phải chờ ngớt mưa mới có thể thi công khắc phục.
Ông Lê Hoàng Minh cũng cho biết thêm, trước mỗi cơn bão và ảnh hưởng của mưa lũ, thiên tai, Bộ GTVT đều ra công điện yêu cầu các cơ quan trực thuộc Bộ, sở GTVT các địa phương tăng cường ứng phó và khắc phục ảnh hưởng do mưa bão, lũ gây ra nhằm hạn chế thấp nhất những hậu quả và hỗ trợ người dân sớm ổn định đời sống.
Sở GTVT Phú Yên cho biết, đêm ngày 11/10, do mưa lớn kéo dài cộng với nước thượng nguồn đổ về đã gây ngập tràn tuyến QL1, đoạn từ Km 1247 - Km 1250 qua thôn Long Thạnh, Chánh Lộc, xã Xuân Lộc, Thị xã Sông Cầu, Phú Yên. Đồng thời, mưa lớn cũng đã gây sạt lở móng cầu Bà Nam tại Km 1247+790. Do đó, giao thông qua khu vực trong đêm 11 đến sáng 12/10 bị tắc hoàn toàn. Mưa lớn cũng đã khiến mặt đường nhiều tuyến qua Phú Yên phát sinh hư hỏng. Trong đó, nặng nhất là QL1, hư hỏng xuất hiện trên mặt đường các đoạn qua TP Tuy Hòa, TX Sông Cầu, huyện Đồng Xuân... Ngoài ra, QL25, đoạn từ TP. Tuy Hòa đi cầu Cà Lúi, mặt đường phát sinh hư hỏng đoạn Km 8 - Km 9+500; Km 16 - Km 27+800; Km 47 - Km 69 với khối lượng ước tính khoảng 1.125m2. Tuyến QL29 mặt đường phát sinh hư hỏng ước tính khoảng 6.000m2 và tuyến QL19C, đoạn từ xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân đến xã Sông Hinh, huyện Sông Hinh mặt đường phát sinh hư hỏng khối lượng ước tính khoảng 8.000m2. Hiện tại, Sở GTVT Phú Yên vẫn đang tổ chức khơi thông hệ thống thoát nước, hốt dọn đất đá bồi lấp rãnh dọc và thi công khắc phục các vị trí hư hỏng mặt đường để đảm bảo giao thông. Đồng thời phối hợp với các địa phương tổ chức ứng trực 24/24, rào chắn, cắm biển báo hiệu cấm các phương tiện qua lại tại các vị trí bị ngập lụt, sạt lở tắc giao thông. |