Thời sự

Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ thông tin về tình hình xăng dầu

Chiều 12-10, Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM đơn vị số 9 có Chủ tịch UBND thành phố Phan Văn Mãi đã tiếp xúc cử tri quận 4, 7 và huyện Nhà Bè trước kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV.

Buổi tiếp xúc cử tri được tổ chức trực tiếp tại quận 4 và trực tuyến đến quận 7, Nhà Bè.

Giám sát và theo dõi tình hình cung ứng xăng dầu

Tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP HCM đã thông tin đến cử tri 3 địa phương về tình trạng khan hiếm xăng dầu trên địa bàn thành phố vừa qua.

Ông Phan Văn Mãi cho biết ngay khi tình hình diễn ra, thành phố đã triển khai những giải pháp trong thẩm quyền để xử lý. Sở Giao thông Vận tải và Công an thành phố đã phối hợp để điều chỉnh thời gian lưu thông của xe vận chuyển xăng dầu nhằm kịp thời bổ sung nguồn cung.

Còn bản thân ông trực tiếp gặp Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ Công Thương để nêu tình hình và kiến nghị giải pháp, nhất là phải có cơ chế giá hợp lý giữa nhà nhập khẩu đến cửa hàng bán lẻ.

Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ thông tin về tình hình xăng dầu - 1

Quang cảnh buổi tiếp xúc cử tri tại quận 4

Sở Công Thương và Cục Quản lý thị trường thành phố cũng giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng.

"Hôm qua đã có điều chỉnh giá, tình hình có dịu lại. Nhưng phải có giải pháp, không để mỗi lần điều chỉnh giá xăng dầu lại tạo ra những cú sốc thị trường"- Chủ tịch UBND thành phố nói.

Trước đó, đại diện Sở Công Thương cho biết ngay sau diễn biến xăng dầu ở thành phố, Sở Công Thương đã tích cực phối hợp với Cục Quản lý thị trường giám sát chặt chẽ việc kinh doanh xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ và các doanh nghiệp cung cấp xăng dầu.

Sắp tới, Sở Công Thương cũng sẽ phối hợp với Cục Quản lý thị trường tiếp tục giám sát và tham mưu UBND TP HCM theo dõi tình hình cung ứng xăng dầu.

Kinh tế thành phố lấy lại được "phong độ" trước dịch

Tại buổi tiếp xúc, ông Phan Văn Mãi cũng thông tin tình hình kinh tế - xã hội thành phố trong 9 tháng đầu năm. Ông cho biết rất phấn khởi với kết quả phục hồi sau đại dịch. Dự kiến GDP cả nước tăng trưởng 8,83%, thành phố đến 9 tháng là tăng 9,71%, dự kiến cả năm sẽ tăng 9,41%. Như vậy có thể thấy tăng trưởng GRDP của TP HCM ở mức cao.

"Nếu như đến cuối năm đúng như mức dự báo thì GRDP của thành phố cao hơn mức trung bình của cả nước. Đây là điều rất đáng mừng vì một năm trước chúng ta không dám hình dung có thể có kết quả như thế"- ông Phan Văn Mãi chia sẻ.

Chủ tịch UBND TP HCM chia sẻ thông tin về tình hình xăng dầu - 2

Chủ tịch UBND TP HCM Phan Văn Mãi thông tin đến cử tri tình hình kinh tế - xã hội thành phố

Theo ông mục tiêu phục hồi nền kinh tế của thành phố đã đạt được, lấy lại được "phong độ" trước dịch. Với tốc độ này, thành phố dự kiến đến cuối năm 2022, quy mô nền kinh tế của TP HCM khoảng 1,48 triệu tỉ đồng, tăng so với cuối năm 2019 (thời điểm trước dịch) là 138.000 tỉ đồng.

Ông đánh giá nhân tố quan trọng, quyết định kết quả trên là sự chung sức, đồng lòng, vượt khó, tinh thần năng động, sáng tạo của người dân và cộng đồng doanh nghiệp thành phố.

Do đó, Chủ tịch UBND thành phố mong muốn người dân, cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục bằng tinh thần vượt qua đại dịch, bằng tinh thần của 9 tháng đầu năm trong phục hồi cùng với chính quyền tiếp tục vượt qua khó khăn trong thời gian tới để đạt được kết quả tốt nhất trong năm 2022 và chuẩn bị cho năm 2023 là năm tăng tốc.

TP HCM cấp hơn 19.000 giấy chứng nhận quyền sử dụng cho cư dân

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Trần Văn Bảy cho biết từ đầu năm ngành tài nguyên đặt mục tiêu trong năm 2022 sẽ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng cho 20.000 căn hộ. Qua 9 tháng, thành phố đã cấp được hơn 19.000 giấy chứng nhận nên khả năng hoàn thành mục tiêu rất cao.

"Tuy nhiên không tự bằng lòng, ngành tài nguyên đã điều chỉnh chỉ tiêu lên khoảng 23.000 căn hộ"- ông Trần Văn Bảy nói. Theo ông, con số chưa được cấp giấy vẫn còn nhiều và dĩ nhiên là trách nhiệm của sở không chối cãi được.

Ông cho biết nguyên nhân là một số dự án vướng mắc về pháp lý, cần rà soát để hoàn thiện rồi mới cấp giấy được; nghĩa vụ tài chính của chủ đầu tư (nhiều dự án chưa hoàn thành, trong đó có trách nhiệm của các sở ngành và từ nguyên nhân thứ nhất); một số trường hợp mang giấy chứng nhận đi thế chấp ngân hàng nên không cấp được; một số dự án vi phạm về xây dựng; một số dự án chủ đầu tư tranh thủ làm công trình bán được còn công trình công cộng chưa làm; chưa hoàn thành nghĩa vụ nhà ở xã hội... Sở đang tham mưu cho UBND thành phố để giải quyết từng vấn đề trên.

 

Cùng chuyên mục

Đọc thêm