Ông Trần Hữu Linh, Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công thương) hôm nay, 14.4, đã chia sẻ thông tin liên quan đến đường dây sản xuất sữa giả vừa được Bộ Công an triệt phá xảy ra tại Công ty Cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty Cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group.
Theo ông Linh, thẩm quyền quản lý nhà nước đối với các sản phẩm sữa được phân định rõ theo từng nhóm sản phẩm và cơ quan chuyên ngành, căn cứ theo Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02/02/2018.

4 năm qua, lực lượng quản lý thị trường cả nước kiểm tra, xử lý 783 vụ việc liên quan đến sản phẩm sữa
ẢNH: BCT
Cụ thể, Bộ Công thương quản lý đối với nhóm sản phẩm sữa chế biến thông thường. Các sản phẩm bổ sung vi chất dinh dưỡng, thực phẩm chức năng, hay dược phẩm có thành phần dinh dưỡng đặc biệt do Bộ Y tế quản lý.
Công ty cổ phần Dược quốc tế Rance Pharma và Công ty cổ phần Dược dinh dưỡng Hacofood Group là những doanh nghiệp không thuộc thẩm quyền quản lý chuyên ngành của Bộ Công thương.
Theo đó, Bộ Công thương không được thực hiện thanh tra chuyên ngành, kiểm tra định kỳ hay hậu kiểm đối với hoạt động sản xuất và cung ứng sữa của 2 doanh nghiệp này. Việc kiểm tra chỉ được tiến hành khi phát hiện dấu hiệu vi phạm trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ được giao.
Cũng theo ông Trần Hữu Linh, Bộ Công thương thường xuyên chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường thực hiện trách nhiệm, vai trò quản lý, kiểm tra, kiểm soát mặt hàng sữa.
Trong giai đoạn 2021 - 2024, quản lý thị trường cả nước đã kiểm tra, xử lý 783 vụ liên quan đến sản phẩm sữa; số tiền xử phạt hơn 2,2 tỉ đồng; số lượng hàng hóa vi phạm là 58.187 hộp, 451 thùng, 20.394 chai/lon.
Chỉ phát hiện được sữa giả khi kiểm nghiệm
Nhận định nguyên nhân vì sao một số doanh nghiệp có nhiều dòng sản phẩm phân phối trên thị trường nhưng không bị phát hiện sai phạm, ông Trần Hữu Linh cho rằng các doanh nghiệp này thực hiện các thủ tục, giấy tờ kinh doanh đầy đủ đúng quy định pháp luật để che đậy các vi phạm.
Cơ quan chức năng chỉ có thể phát hiện sản phẩm vi phạm khi đem đi kiểm nghiệm. Các sản phẩm chưa có phản ánh vi phạm từ người tiêu dùng để có thể thực hiện việc lấy mẫu kiểm nghiệm.
Các doanh nghiệp này chọn kinh doanh sản phẩm này không phân phối thông qua hệ thống siêu thị, đại lý chính thức hoặc chuỗi bán lẻ có kiểm soát. Sản phẩm chủ yếu được tiêu thụ bằng hình thức tiếp thị và trực tiếp bán tới tay người tiêu dùng thông qua việc trà trộn, trá hình vào các hội thảo chuyên ngành, các bệnh viện, phòng khám.
Ngoài ra, các doanh nghiệp thuê người nổi tiếng, diễn viên điện ảnh, người mẫu có sức ảnh hưởng tới xã hội, cộng đồng mạng quảng cáo và bán trực tiếp tới tay người tiêu dùng qua các kênh quảng cáo trên mạng xã hội để né tránh, gây khó khăn cho công tác giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng.
Từ 2 vụ việc Bộ Công an triệt phá vừa qua, ông Trần Hữu Linh thông tin, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường tại địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động lưu thông, phân phối các sản phẩm sữa trên các kênh bán lẻ nhỏ lẻ, đại lý không chính thức, sàn thương mại điện tử, mạng xã hội.
Ngoài ra, Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước tiếp tục thu thập phản ánh từ người tiêu dùng, phối hợp liên ngành với ngành y tế (đối với chất lượng, tiêu chuẩn và an toàn thực phẩm) và ngành nông nghiệp (đối với sữa nguyên liệu và sản phẩm nông nghiệp) để thiết lập giải pháp ngăn chặn hiệu quả tình trạng sữa giả, sữa không đảm bảo chất lượng lưu thông trên thị trường.