Anh Brian Linden, người gốc Mỹ từng đi du lịch hơn 100 quốc gia khi còn trẻ tuổi. Sau đó, anh quyết định từ bỏ công việc ở Mỹ, bán nhà và đưa vợ con đến Đài Loan (Trung Quốc) bắt đầu cuộc sống mới. Tại vùng đất đầy hứa hẹn, anh Linden ấp ủ thực hiện lý tưởng nuôi dạy con theo cách đặc biệt của mình.
Quyết định táo bạo nhất của anh Linden là để 2 con trai 5 tuổi và 8 tuổi nghỉ học ở nhà, không đến trường như các bạn cùng trang lứa. Anh cũng chọn Tây Châu (Trung Quốc) để bắt đầu công việc thay vì một thành phố lớn nhưng có sự cạnh tranh cao. Tất cả đều là những quyết định mạo hiểm không chỉ đối với anh Linden mà với cả gia đình.
Vì không đến trường nên các con của anh có cơ hội theo bố đến nhiều vùng đất mới lạ ở Trung Quốc và đặt chân đến các quốc gia khác nhau. Đến nay, anh đã đưa gia đình nhỏ của mình tới hàng chục đất nước trên thế giới. Mỗi miền đất đi qua, anh Linden đều trao cho các con những bài học giàu ý nghĩa.
Coi thế giới là một lớp học rộng lớn
Trong 6 tháng đầu tiên sau khi đến Tây Châu, gia đình nhỏ 4 người của anh Linden thuê một căn nhà nhỏ để ở. Anh bắt đầu công việc kinh doanh homestay bằng cách đi thuê lại một số căn hộ rồi tu sửa để cho khách thuê. Còn vợ anh đảm nhiệm công việc giảng bài cho các con.
Anh Linden lớn lên trong một gia đình lao động ở Mỹ. Anh không có cơ hội nhận được nền giáo dục chất lượng cao. Bố mẹ, người thân không đưa ra định hướng nên tất cả mọi thứ, anh đều phải tự tìm hiểu và cố gắng. Nhưng anh chưa bao giờ oán trách về điều đó. Anh nhận thấy nhờ môi trường sống còn nhiều khó khăn đã giúp anh học được nhiều bài học quý giá. Đó là sự tự chủ, tự lập giải quyết mọi vấn đề.
Anh Linden quyết định rời Mỹ, đưa vợ con sang Trung Quốc sinh sống.
Sau này, khi có gia đình, anh cũng hướng các con đến sự tự giác, chủ động trong cuộc sống. Tuy nhiên, anh vẫn dành thời gian hướng dẫn và đưa ra định hướng phù hợp cho con. Anh cho rằng đứa trẻ nếu thiếu đi sự hỗ trợ từ gia đình sẽ để vuột mất nhiều cơ hội quý giá.
Thời gian đầu đến Tây Châu, công việc của anh Linden gặp nhiều khó khăn. Dù bận rộn nhưng anh luôn đưa gia đình nhỏ đi theo mình. Trong lúc anh đàm phán, làm việc, vợ và các con sẽ mang những cuốn sách ra đọc. Trên xe của anh chất đầy sách ở mọi lĩnh vực.
Khi công việc ổn định hơn, anh cùng vợ lên kế hoạch, thời gian biểu và nội dung bài học cho các con. Anh Linden nghiên cứu nhiều hệ thống giáo dục khác nhau, thử áp dụng đối với các con để tìm ra phương pháp phù hợp nhất.
Anh quyết định sẽ cho hai con học theo chương trình của Mỹ qua Internet, lớp học diễn ra từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều từ thứ 2 đến thứ 6. Thời gian còn lại, các con sẽ tự học dưới sự hướng dẫn của mẹ. Thời gian đầu, những đứa trẻ khá bỡ ngỡ, chưa tuân thủ đúng thời gian nhưng sau đó quen dần, việc học đi vào quy củ. Sau vài tháng, các con của anh trở nên tự giác, có thể tự sắp xếp thời gian biểu, tự học mà không cần nhắc nhở.
Ở mỗi giai đoạn khác nhau, anh Linden đều đưa ra chiến lược học tập riêng cho con và có kế hoạch đồng hành. Khi con còn nhỏ, sự bầu bạn và giúp đỡ là điều cần thiết. Nhưng khi thói quen học tập được hình thành, trẻ có khả năng tự chủ nhất định thì vợ chồng anh Linden không quá sát sao như trước. Tất nhiên với chương trình học càng lên cao càng khó, anh Linden cũng dành thời gian nhiều hơn để tìm hiểu nội dung, đảm bảo truyền tải kiến thức đến con một cách tốt nhất.
Trong suốt quá trình con học ở nhà, vợ chồng anh Linden không tạo áp lực thi cử cho con. Anh cho con cơ hội học tập khá thú vị tại nhiều địa điểm khác nhau. Chẳng hạn như con anh học SAT và ôn thi tại Côn Minh (Trung Quốc), học âm nhạc, nghệ thuật và võ thuật ở một nơi khác. Mỗi khi đến một địa điểm mới, những đứa trẻ luôn tỏ ra hào hứng, thích thú. Ngoài học văn hóa, năng khiếu, trẻ còn tiếp thu được bao điều hay ở vùng đất mới.
Không chỉ khám phá Trung Quốc, vợ chồng anh Linden còn đưa các con đến các nước châu Âu, Trung Á, châu Phi. Đến nay, gia đình anh đã đặt chân lên hàng chục quốc gia. Anh muốn các con mở rộng tầm hiểu biết, có sự so sánh nền văn hóa giữa các quốc gia.
Trong chuyến đi, anh Linden để các con đối mặt với những thử thách khác nhau. Chẳng hạn như không nghỉ dưỡng ở khách sạn tốt mà chỉ ở homestay hoặc những nhà nghỉ nhỏ. Anh cũng không để con ở phòng nằm ngủ hay sử dụng điện thoại mà khích lệ con đi tham quan các địa danh. Trẻ cần giao tiếp với người bản địa để hiểu hơn về ngôn ngữ địa phương, lối sống của họ. Anh cũng động viên con có những hành động nhỏ để giúp đỡ hoàn cảnh khó khăn. Anh Linden cho rằng, đi du lịch không chỉ để thư giãn mà còn để nhận ra mục đích sống.
"Nhờ những trải nghiệm đã giúp con học thêm nhiều điều thú vị. Con trở nên tự tin, dạn dĩ và có biết quan tâm đến mọi người xung quanh", anh Linden chia sẻ.
Anh đưa gia đình nhỏ của mình chu du nhiều nơi trên thế giới.
Bố mẹ đóng vai trò quan trọng trong việc nuôi dưỡng tinh thần học tập cho con
Nhà giáo dục người Mỹ John Dewey từng nói rằng: "Giáo dục là quá trình sống của những đứa trẻ, không phải là sự chuẩn bị cho tương lai". Anh Linden thấm thía sâu sắc quan điểm này từ chính quá trình trưởng thành của mình.
Như đã đề cập ở trên, anh Linden sinh ra trong một gia đình nghèo ở Mỹ. Mẹ anh chưa tốt nghiệp bậc THCS, còn bố anh không biết chữ, làm công nhân tại một nhà xưởng nhỏ. Lớn lên, anh chỉ được học ở một trường đại học cộng đồng vào ban đêm với học phí thấp.
Mặc dù không đủ điều kiện học tập tại ngôi trường tốt nhưng anh Linden luôn cảm thấy biết ơn bố mẹ vì họ đã truyền cho anh nguồn cảm hứng lớn lao.
Chẳng hạn như hồi nhỏ, biết anh thích vẽ tranh, bố luôn tạo điều kiện tối đa để anh phát triển sở thích. Mỗi ngày sau khi làm việc, dù mệt mỏi cỡ nào thì bố cũng dành thời gian ngắm những bức tranh con vẽ và đưa ra nhận xét. Cuối tuần, bố còn đưa anh và em gái đến Viện Nghệ thuật Chicago để chiêm những tác phẩm hội họa.
Không có tiền mua sách mới, bố anh Linden thường lùng sục tìm mua những cuốn sách kinh điển tại tiệm sách báo cũ hay xin của người thân, bạn bè để tặng các con. Nhờ đó, anh Linden đã hình thành tình yêu dành cho những trang sách.
Anh Linden tự hào kể: "Bố mẹ tôi không giàu nhưng họ luôn mang đến cho tôi những điều tốt nhất. Ngoài ra, họ cũng chú trọng bồi dưỡng những đức tính tốt đẹp cho tôi và em gái như: Thật thà, bao dung, tự tin, dũng cảm… Họ cho rằng những điều này mới thật sự là nền tảng phát triển của mỗi đứa trẻ".
Đó là lý do vì sao anh Linden quyết định cho các con nghỉ học ở nhà để tự giảng dạy. Anh muốn đồng hành cùng con, dành nhiều thời gian bên con. Nhờ sự giáo dục đúng đắn, các con của anh Linden càng học lên cao càng xuất sắc về mặt học vấn, ý thức, kỹ năng và sớm hình thành cho mình thế giới quan riêng biệt.
Sau khi tốt nghiệp Đại học Wisconsin – Madison (nước Mỹ), người con trai cả của Linden làm việc tại một quỹ thiện nguyện giúp đỡ người nghèo và trẻ em. Còn con trai thứ hai của anh cũng đạt được nhiều thành tựu nổi bật.
"Các con tôi đều có ý thức xã hội. Có thể con không kiếm được nhiều tiền nhưng tôi tin con đều cảm thấy vui vẻ, hạnh phúc. Và tôi thực sự tự hào về các con", anh Linden chia sẻ.
Giáo dục tốt là gì? – Không có câu trả lời tiêu chuẩn
Việc đi theo một con đường giáo dục ít người đi là lựa chọn không hề dễ dàng đối với các bậc cha mẹ. Trước câu chuyện của anh Linden, nhiều người bày tỏ sự ngưỡng mộ vì anh dám vượt qua định kiến và cả những lời đàm tiếu của mọi người xung quanh.
Phương pháp giáo dục của anh còn nhiều tranh cãi. Trên hành trình ấy tồn tại không ít những khó khăn, thách thức, áp lực. Anh Linden cũng từng hoang mang đặt câu hỏi: Liệu cách giáo dục của anh có đúng, có phù hợp với các con?
Đến giờ, anh Linden không khẳng định phương pháp nuôi dạy trẻ của anh là đúng hay sai. Anh hiểu rằng, việc để các con ở nhà đồng nghĩa với việc con không có bạn bè trò chuyện, không được đến nhà bạn chơi vào cuối tuần hay tổ chức đi đá bóng, đi picnic như bao đứa trẻ khác.
Các con của anh đều đã trưởng thành, có công việc tốt và hạnh phúc với cuộc sống hiện tại.
Anh Linden trải lòng: "Tôi không biết liệu các con có cảm thấy bố mẹ đã lấy đi nhiều điều mà đáng lẽ ra con được trải nghiệm hay không. Nhưng tôi vui vì hai con đều trưởng thành và là những công dân có ích. Đến nay, con trai cả 26 tuổi, còn con út 23 tuổi vẫn gần gũi, tâm sự mọi chuyện với bố mẹ mà không hề có sự xa cách. Ngoài công việc chính, các con cũng có hoạt động ý nghĩa giúp đỡ những người khó khăn xung quanh".
Theo quan điểm của anh Linden, không cha mẹ nào có thể tự tin khẳng định phương pháp giáo dục của mình là đúng đắn. Giáo dục luôn cần tìm tòi và cân bằng. Tiêu chuẩn để đánh giá đơn giản là những đứa con phát triển toàn diện, hạnh phúc giữa cuộc đời và được làm những điều bản thân yêu thích. Đó mới là điều quan trọng nhất.