Loài bọ biển này được phát hiện sau khi các nhà khoa học mua một số loài giáp xác từ ngư dân và nhà hàng để nghiên cứu khi chúng ngày càng được nhiều người biết đến như một đặc sản địa phương.
Loài bọ biển mới
Kết quả nghiên cứu về loài bọ biển này được nhóm tác giả công bố trên tạp chí khoa học Zookeys ngày 14-1. Đây là kết quả hợp tác nghiên cứu giữa các nhà khoa học thuộc Đại học Quốc gia Singapore (NUS), Cục Nghiên cứu đổi mới sáng tạo quốc gia Indonesia (BRIN) và Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, Việt Nam (VNU).
Bọ biển khổng lồ là động vật giáp xác thuộc chi (giống) Bathynomus A. Milne-Edwards, 1879, lớp Chân đều (Isopoda), họ Cirolanidae. Chúng sống ở đáy biển sâu, thường ở độ sâu hơn 500m. Theo CNN, các nhà khoa học xác nhận một số đặc điểm cấu trúc cơ thể của B. vaderi khác biệt đáng kể so với các mẫu vật Bathynomus khác được tìm thấy ở Biển Đông.
Mẫu vật lớn nhất trong nghiên cứu nặng hơn 1kg và dài 32,5cm, khiến B. vaderi trở thành một trong những loài Isopod lớn nhất thế giới được biết đến. Loài bọ được phát hiện và nghiên cứu bởi TS Nguyễn Thanh Sơn, khoa sinh học Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, cùng hai nhà khoa học Singapore và Indonesia.
Cấu trúc cơ thể tổng thể của các loài giáp xác Bathynomus tương tự như nhiều họ chân đốt Isopod sống ở vùng nước nông. Tuy nhiên, chúng đã tiến hóa để có kích thước lớn hơn đáng kể, theo tiến sĩ Conni Sidabalok, đồng tác giả nghiên cứu.
Ngư dân bắt được B. vaderi khi đánh bắt ở vùng biển sâu thuộc Biển Đông, cách bờ biển thành phố Quy Nhơn khoảng 50 hải lý về phía tây quần đảo Trường Sa. B. vaderi sống ở đáy biển và ăn xác động vật, giúp tái chế chất dinh dưỡng trong chuỗi thức ăn vùng biển sâu.
Hiện tại, chỉ có 11 loài Bathynomus "siêu lớn" và 9 loài "khổng lồ" được biết đến, với một số loài đang chờ được mô tả chính thức. B. vaderi là loài Isopod siêu lớn thứ hai được ghi nhận ở Biển Đông.
Dễ bị khai thác quá mức
Theo nghiên cứu, trong những năm gần đây, các loài Bathynomus khác như B. jamesi đã trở thành đặc sản ở Việt Nam, với phần thịt được so sánh với tôm hùm.
Vào năm 2017, một số mẫu vật được bán với giá lên đến 2 triệu đồng. Đến đầu năm 2024, khi ngư dân bắt và bán nhiều Bathynomus hơn, giá giảm còn khoảng 1 triệu đồng.
Các nhà khoa học đang lo ngại cho tương lai của loài giáp xác siêu lớn này.
Theo bà Sidabalok, chúng chỉ đẻ một số lượng trứng nhỏ và trứng nở thành con. Tốc độ sinh sản chậm khiến chúng đặc biệt dễ bị khai thác quá mức.
Nhóm nghiên cứu tin rằng ngoài khu vực tây Trường Sa, B. vaderi còn tồn tại ở những vùng biển khác của Việt Nam trên Biển Đông, nhưng việc phát hiện thêm chúng cần thêm thời gian.
Hiện nay, mẫu vật chuẩn của loài Bathynomus vaderi được lưu trữ tại Bảo tàng Sinh học, Trường đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội và Bảo tàng Lịch sử tự nhiên Lee Kong Chian, Đại học Quốc gia Singapore.
TS Nguyễn Thanh Sơn cho biết thời gian tới sẽ tiếp tục nghiên cứu các nhóm động vật giáp xác. Đồng thời phối hợp với các đồng nghiệp nghiên cứu các nhóm động vật không xương sống khác.