Theo hãng tin Sputnik (Nga), tàu tên lửa đề án 12418 lớp Molniya (Tia chớp) của Hải quân Việt Nam là một trong những tàu tấn công nhanh (Fast Attack Craft – FAC) đáng gờm nhất ở châu Á.
Mẫu tàu này được Việt Nam đóng thành công trong bối cảnh các tàu tấn công nhanh được đầu tư phát triển mạnh mẽ ở châu Á với đủ kiểu dáng vì giá thành rẻ, dễ chế tạo với số lượng lớn, trong khi có hiệu quả tác chiến chống tàu mặt nước rất mạnh.
Đáng lưu ý, theo báo Hải quân Việt Nam, tàu lớp Molniya là thành quả 10 năm chuẩn bị và nỗ lực của các cán bộ, kỹ sư, cùng công nhân Tổng công ty đóng tàu Ba Son trong hơn 1.600 ngày đêm làm việc.
Nhiệm vụ lịch sử
Ngày 17/7/2014, quốc kỳ Việt Nam tung bay trên nóc cabin thượng tầng hai tàu tên lửa tấn công nhanh đầu tiên đề án 12418 Molniya (HQ 377 và HQ 378), đánh dấu cột mốc của ngành đóng tàu Việt Nam khi hoàn thành loại tàu tên lửa đa năng, cơ động và hiện đại nhất được đóng trong nước.
Trước đó, vào ngày 28/4/2014, Bộ Quốc phòng đã chủ trì cuộc nghiệm thu bắn tên lửa từ các tàu này. Giây phút tên lửa từ cả hai tàu lao đi và trúng mục tiêu ngay từ loạt bắn đầu tiên đã khiến bao áp lực dồn nén, sự hồi hộp và lo lắng đè nặng trên vai Đại tá Đỗ Đức Vượng, giám đốc Xí nghiệp vũ khí điện tử (thuộc Tổng công ty Ba Son) vỡ òa.
Những tràng pháo tay, những tiếng reo hò sung sướng vang lên xung quanh. Đại tá Vượng lặng đi vì xúc động, trong lòng niềm tự hào trào dâng.
"Đây là lần đầu tiên Việt Nam bắn thử tên lửa chống hạm" – Báo Tuổi Trẻ dẫn lời Đại tá Vượng cho hay.
Các chuyên gia nước ngoài có mặt tại buổi nghiệm thu đã "rất ngạc nhiên và khâm phục" trước khả năng bắn trúng ngay từ loạt đầu tiên của tàu tên lửa Việt Nam tự đóng.
Theo tạp chí Army Recognition (Bỉ), trước đây, Việt Nam phải mua tàu Molniya nguyên chiếc từ Nga. Tuy nhiên, vào năm 2009, lần đầu tiên kể từ ngày thành lập, Ba Son đứng trước một nhiệm vụ lịch sử: Đóng mới gam tàu chiến quan trọng trong thời gian rất gấp và có yêu cầu rất cao về hàm lượng kỹ thuật công nghệ. Khó khăn hơn cả là phải đóng cùng lúc 2 tàu.
Từ tháng 6/2004, Ba Son đã cử các kỹ thuật viên đi nước ngoài để tiếp nhận chuyển giao công nghệ. Ba năm sau, hơn 500 kỹ thuật viên của Ba Son đã hoàn thành tiếp thu công nghệ đóng tàu quân sự theo 33 chuyên ngành khác nhau và về nước đào tạo lại cho những người thợ khác trong nhà máy.
Tuy nhiên, thời gian được giao phó để thi công phần thân vỏ tàu đầu tiên vẫn khiến nhà máy "phải căng mình chạy đua với thời gian".
"Khi nhận nhiệm vụ thi công phần thân vỏ tàu đầu tiên, chúng tôi phải căng mình chạy đua với thời gian. Cấp trên yêu cầu hoàn thành vỏ tàu trong thời gian không quá 1 năm, trong khi chúng tôi chưa đóng loại tàu này bao giờ" – Đại tá Thái Văn Chân - Giám đốc Xí nghiệp Vỏ tàu, Tổng công ty Ba Son trả lời báo chí trong nước.
Thách thức lớn nhất là thi công hệ thống ống kỹ thuật và hệ thống ống xả của động cơ làm bằng vật liệu titan. Công nghệ hàn titan vốn được xem là "bí mật quốc gia" và ở thời điểm đó, chưa có nhà máy đóng tàu nào ở Việt Nam làm chủ được công nghệ thi công này.
Bên cạnh đó, trả lời báo Dân Trí năm 2015, Đại tá Nguyễn Mạnh Lân, Phó Tổng Giám đốc Công ty Ba Son, Trưởng ban Quản lý Dự án cho biết, thời điểm được giao phó đóng tàu Molniya, Ba Son đang thuộc diện di dời nên không được đầu tư trang thiết bị cho ngành đóng tàu như nước bạn.
Để khắc phục tình hình, công ty quyết định chuyển thành đấu ráp 6 tổng đoạn vỏ tàu lớn và 8 tổng đoạn cabin, thay vì đấu ráp lần lượt theo nguyên tắc hình tháp từ gần 140 phân – tổng đoạn như công nghệ chuyển giao.
Công tác gia công các đoạn vỏ lớn và cabin được tiến hành ở một nơi, sau đó chuyển tới xí nghiệp ở Nhà Bè cách đó 20km bằng đường bộ và đường thủy để lắp ráp thành tàu hoàn chỉnh. Tiếp theo, tàu sẽ được hạ thủy xuống nước rồi kéo về lại Ba Son để đồng bộ và hoàn thiện.
Kỳ tích vượt Nga
Đi qua những bỡ ngỡ đầu tiên, những giai đoạn tăng ca triền miên và những đêm thức trắng, đội ngũ kỹ sư và công nhân Xí nghiệp vỏ tàu của Ba Son đã tìm được bí quyết trong công nghệ hàn hợp kim titan mà không có sự trợ giúp của chuyên gia nước ngoài, từ đó rút ngắn được tiến độ thi công loạt tàu tên lửa.
"Ngày trước, khi chuyên gia nước bạn bắt tay với những người thợ Việt Nam được cử sang học ở Nga, họ thốt lên: Tay chân thợ mình bé và mềm thế này thì làm sao mà làm được. Tuy nhiên, từ khi được giao việc và thợ mình hoàn thành, các chuyên gia nước bạn phải trầm trồ khen ngợi" – Đại tá Lân kể lại.
Cũng theo Đại tá, khi sang Việt Nam để nghiệm thu cặp tàu đầu tiên do Ba Son tự đóng, các kỹ sư Nga nói rằng, họ "lâu lắm không gặp lại những sản phẩm tuân thủ chặt chẽ các yêu cầu kỹ thuật, công nghệ như thời Liên Xô cũ".
Theo Đại tá Thái Văn Chân, thời gian Ba Son hoàn tất cặp Molniya đầu tiên đã được rút ngắn hơn nhiều so với thời gian thi công tại Nga – quốc gia đã "sản sinh" ra mẫu tàu này. Thậm chí, thời gian thi công phần thân cặp tàu thứ 2 đều vượt thời gian yêu cầu, trong đó, bộ phận thi công thân vỏ và cabin nhôm tượng tầng vượt thời gian 20%.
Đáng lưu ý, để thử và kiểm tra khả năng tấn công và phòng thủ của cặp tàu này, ngoài việc sử dụng 2 tàu đóng mới có tính năng tương đương để so sánh, Tổng công ty Ba Son còn sáng tạo trong việc sử dụng máy bay lên thẳng, máy bay tiêm kích để thực hiện các bài kiểm tra hiệu chỉnh khả năng đối không.
Kết quả nghiệm thu cho thấy, tàu M3 và M4 được đóng đúng thiết kế, đảm bảo chất lượng và mỹ thuật. Các hệ thống hoạt động bình thường, các tính năng kỹ-chiến thuật đều đạt và vượt yêu cầu.
Việt Nam đã chứng minh năng lực đóng tàu
Trong bài viết đăng tải tháng 2/2024, ông Taras Ivanov - phụ trách Văn phòng đại diện thường trú của Sputnik tại Hà Nội – dẫn lời Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên Giám đốc Trung tâm Tư liệu Khoa giáo, Học viện Chính trị Công an Nhân dân cho biết, tính đến cuối năm 2022, Tổng Công ty Ba Son đã hạ thủy 11 chiếc Molniya và bàn giao cho Hải quân Việt Nam chạy thử, cũng như đưa vào sử dụng.
Theo kế hoạch, dự kiến sẽ có thêm nhiều chiếc Molniya khác được đóng mới tại Việt Nam.
Trước đó, Sputnik cho biết, Việt Nam đang hướng tới mục tiêu đóng 16 tàu Molniya. Theo hãng tin Nga, với 16 con tàu này, Việt Nam "sẽ chính thức vượt qua Ấn Độ để trở thành quốc gia có hạm đội tàu tên lửa Molniya đông đảo thứ hai thế giới".
Hiện tại, Hải quân Ấn Độ đang có trong biên chế 12 chiếc Molniya tự đóng trong nước. Đứng đầu danh sách sở hữu nhiều tàu Molniya nhất là Nga. Theo Viện nghiên cứu Âu-Á (trụ sở tại Kazakhstan), Hải quân Nga có gần 30 tàu Molniya các phiên bản.
Theo Sputnik, tàu tên lửa Molnya Việt Nam tự đóng là mẫu tàu tốt nhất so với các tàu chiến cùng lớp trên thế giới. Cơ sở sức mạnh của tàu Molnya là hệ thống 16 tên lửa Uran-E, cho phép nó "đương đầu ngang sức với các tàu lớn hơn của đối phương như tàu khu trục".
Trong khi đó, tạp chí Army Recognition nhận định, tàu Molniya của Việt Nam là những con tàu "nhanh nhẹn" nhưng mang kho vũ khí đáng nể, khiến chúng trở thành một lực lượng mạnh mẽ trong các hoạt động hải quân khu vực, và đối trọng đáng gờm trước các mối đe dọa trên biển.
Hệ thống nạp đạn cải tiến trên tàu cho phép tăng sức bền tác chiến. Mẫu tàu này cũng làm nổi bật năng lực đóng tàu của Việt Nam, chứng minh Việt Nam hoàn toàn có khả năng đóng mới tàu hiện đại, thay vì phải mua của nước ngoài với chi phí cao.
Theo Báo điện tử Chính phủ, tàu tên lửa Molniya (còn gọi là loạt tàu M) có lượng giãn nước 560 tấn, tính năng đi biển rất cao với vận tốc tối đa gần 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn. Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ trung bình từ 1650-2400 hải lý.
Tàu được thiết kế để tiêu diệt các đội hoặc nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập; bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ; thực hiện nhiệm vụ trinh sát…
Ngoài hệ thống radar bám bắt mục tiêu hiện đại đảm bảo độ chính xác trong phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, Molniya được lắp đặt hệ thống phóng 16 tên lửa đối hải Uran-E tầm bắn 130 km.
Để phòng thủ, tàu được trang bị pháo tự động AK-176M, tầm bắn 15 km, độ cao 11 km để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt nước và trên đất liền; 2 pháo 6 nòng tự động AK-630M tầm bắn 4-5 km và nhịp bắn 4000-5000 phát/phút.