Doanh nhân

Bitcoin vượt 93.000 USD

Tóm tắt:
  • Tâm lý thị trường cải thiện nhờ hạ nhiệt căng thẳng thương mại Mỹ - Trung.
  • Giá Bitcoin tăng lên 93.000 USD, mức cao nhất trong 2 tháng qua.
  • Tiền số Ether và các token khác cũng ghi nhận đà tăng đáng kể.
  • Dòng tiền vào quỹ ETF Bitcoin cho thấy nhu cầu từ nhà đầu tư tổ chức đang trở lại.
  • Thanh khoản thị trường vẫn yếu, chỉ số nhu cầu Bitcoin vẫn âm, tiềm ẩn áp lực bán.

Bị đẩy về vùng dưới 80.000 USD sau khi Mỹ tuyên bố lệnh áp thuế đối ứng, Bitcoin (BTC) vào đà tăng mới từ khuya hôm qua. Tiền số lớn nhất thế giới vượt 90.000 USD và từ sáng nay đã giữ yên trên mốc 93.000 USD một đơn vị.

Đây là vùng giá cao nhất kể từ cuối tháng 2, tức khoảng 2 tháng qua. Có lúc, BTC còn tiến sát 93.850 USD, tăng gần 7% trong 24 giờ qua.

Tiền số lớn thứ hai thế giới Ether cũng tích lũy hơn 12% lên trên vùng 1.760 USD. Các token khác như XRP, Solana, Cardano hay Dogecoin cũng tăng từ 6-12% trong 24 giờ qua. CoinDesk 20 - chỉ số đo lường sức mạnh của 20 tiền số lớn nhất thế giới, không bao gồm stablecoin, memecoin và exchange coin - cũng cao hơn 5%.

Theo công ty phân tích CryptoQuant, thị trường tích cực lên khi nhà đầu tư bắt đầu lạc quan về quá trình tan băng trong căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Mới đây, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent cho biết bế tắc thuế quan với Trung Quốc sẽ không kéo dài. Ông nói việc giảm căng thẳng sẽ xảy ra "trong tương lai gần". Tuy nhiên, ông cảnh báo rằng một thỏa thuận toàn diện hơn giữa hai quốc gia có thể mất nhiều năm hơn mới có thể đạt được.

Sau đó, Tổng thống Donald Trump phát biểu trước báo giới rằng thuế quan của Mỹ đối với Trung Quốc "sẽ giảm đáng kể" từ mức 145% hiện tại. Điều này càng khiến thị trường giảm bớt lo ngại về một cuộc chiến thương mại đang leo thang. Ông cũng nói thêm rằng không có ý định sa thải Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Jerome Powell, sau áp lực gần đây đối với lãnh đạo ngân hàng trung ương về việc giảm lãi suất.

Chứng khoán Mỹ cũng đã phục hồi sau đợt giảm, với S&P 500 tăng hơn 2,5%. Trong khi đó, vàng mất hơn 100 USD mỗi ounce ngay sau khi chạm đỉnh 3.500 USD.

"Khi vốn chuyển sang tài sản trú ẩn an toàn và phòng ngừa lạm phát, Bitcoin và vàng đang chứng tỏ là những kênh hưởng lợi chính từ sự di cư khỏi rủi ro USD", các nhà phân tích tại quỹ đầu tư QCP Capital cho biết.

Họ nhấn mạnh dòng tiền tăng lên trong các quỹ ETF Bitcoin được niêm yết tại Mỹ cho thấy nhu cầu từ các nhà đầu tư tổ chức đang trở lại. Các quỹ này đã ghi nhận hơn 381 triệu USD dòng tiền ròng ở phiên 21/4, theo dữ liệu của Farside Investors.

Tuy nhiên nhóm phân tích CryptoQuant vẫn cảnh báo về những "cơn gió ngược" vẫn tồn tại, làm hạn chế đà tăng. Chỉ số nhu cầu của Bitcoin (Bitcoin apparent demand) đã giảm 146.000 BTC trong 30 ngày qua, dù cải thiện so với mức giảm mạnh vào tháng 3, nhưng vẫn âm.

Chỉ số nhu cầu của Bitcoin là công cụ quan trọng để theo dõi động lực cung và cầu trên thị trường, thể hiện tâm lý của những người nắm giữ dài hạn và có thể giúp dự đoán xu hướng giá tiềm năng. Khi chỉ số nhu cầu dương, sức hấp thụ BTC mạnh mẽ hơn nguồn cung mới. Ngược lại, chỉ số nhu cầu âm có thể báo hiệu áp lực bán gia tăng.

Thanh khoản thị trường vẫn yếu. USDT đã tăng 2,9 tỷ USD trong hai tháng qua, thấp hơn mức trung bình trong 30 ngày. USDT là một stablecoin neo giá với đồng USD theo tỷ lệ 1:1. Vốn hóa đồng này thường được xem như đại diện cho thanh khoản thị trường tiền số. Trong lịch sử, các đợt phục hồi của BTC trùng với mức tăng trưởng USDT trên 5 tỷ USD.

Các tin khác

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (24/4), giá vàng trong nước tiếp tục giảm mạnh sau khi lập đỉnh. Theo đó, vàng miếng SJC về mốc 119,5 triệu đồng/lượng còn vàng nhẫn về 118 triệu đồng/lượng.

Ông Trump và Elon Musk trấn an nhà đầu tư

Cơn sóng lo ngại của nhà đầu tư về triển vọng kinh tế Mỹ đã phần nào hạ nhiệt sau những phát biểu mới nhất từ Tổng thống Mỹ Donald Trump và CEO Tesla Elon Musk. Dù uy tín cá nhân của cả hai đang sụt giảm, thị trường vẫn phản ứng tích cực với các tín hiệu ổn định.

Mã độc tống tiền gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp

Một doanh nghiệp quy mô toàn cầu xác nhận trở thành nạn nhân của mã độc đòi tiền gây tổn hại gần 23 triệu USD. Mã độc mã hóa dữ liệu tống tiền (ransomware) tiếp tục là mối hiểm họa lớn trong năm 2025 với người dùng cá nhân và doanh nghiệp ở mọi cấp độ quy mô.