"SEC kết luận tiền điện tử là chứng khoán. Nhưng thực tế, nhiều sàn tiền số, trong đó có BAM (đơn vị điều hành Binance.US) đã hoạt động tại Mỹ nhiều năm qua mà không có sự can thiệp của SEC. Điều này phủ nhận vai trò của SEC trong việc bảo vệ loại tài sản này theo luật chứng khoán", hồ sơ gửi lên tòa án hôm 12/6 của Binance.US nêu.
Phản bác mới nhất của Binance diễn ra trong bối cảnh SEC kiện lên tòa án liên bang ở Washington, liệt kê 13 cáo buộc chống lại Binance và tỷ phú Changpeng Zhao (CZ) hôm 6/5. Một ngày sau, SEC tiếp tục đệ đơn xin lệnh đóng băng tài sản của Binance và Binacne.US. Ngày 12/6, Binance cũng gửi đơn phản hồi lên tòa, cho rằng yêu cầu của SEC là "hà khắc và gây áp lực quá mức".
Cùng ngày, nguồn tin của Bloomberg cho biết Binance.US đã thuê George Canellos, cựu giám đốc thực thi của SEC, tham gia nhóm pháp lý chống lại SEC.
"Binance rõ ràng đang chuẩn bị sẵn sàng cho một vụ truy tố hình sự và tiếp tục thuê những luật sư bào chữa giỏi nhất thế giới", John Reed Stark, cựu giám đốc thực thi Internet của SEC, viết trên Twitter. Ông cho rằng các cáo buộc của SEC hiện tại chỉ là phần nổi của tảng băng và cơ quan này có thể yêu cầu án tù với bất kỳ ai nhận tội hoặc bị kết án liên quan đến Binance.
Trong khi đó, các lãnh đạo trong thị trường tiền mã hóa lại ủng hộ Binance. Charles Hoskinson, nhà sáng lập blockchain Cardano, viết trên Twitter cá nhân: "Đây là cơ hội để toàn ngành tiền mã hóa cùng chung sức chống lại 'chủ nghĩa độc tài' và bảo vệ quyền tự do công nghệ. Đây không chỉ là cuộc chiến riêng của Binance mà là của toàn ngành".
Trước đó trong thông báo hôm 6/5, Binance nói: "Chúng tôi rất thất vọng vì SEC gửi đơn kiện Binance. Bất chấp những nỗ lực của chúng tôi, SEC đã từ bỏ quy trình thảo luận thiện chí, thay vào đó họ chọn hành động đơn phương và kiện tụng. Chúng tôi không hài lòng với lựa chọn đó".
Sàn giao dịch lớn nhất thế giới khẳng định sẽ "làm hết sức để bảo vệ nền tảng". Binance cũng cho rằng việc SEC từ chối hợp tác một cách thiện chí là sai lầm trong việc đem đến những hướng dẫn minh bạch cho lĩnh vực tài sản số.
Binance nói họ ngạc nhiên với quyết định của SEC vì điều này sẽ làm suy yếu vai trò của Mỹ trong nỗ lực trở thành trung tâm tài chính toàn cầu. "Một khung pháp lý hiệu quả đòi hỏi sự hợp tác về chính sách, minh bạch và tường tận. Nhưng SEC đã từ bỏ con đường này", Binance cho hay. Họ nhiều lần khẳng định sẽ "sẵn sàng chống lại các cáo buộc của SEC trong khuôn khổ luật pháp".
Một trong những lập luận gây tranh cãi của SEC trong vụ kiện là định nghĩa mơ hồ về "chứng khoán". Hồi tháng 2, Chủ tịch SEC Gary Gensler tuyên bố tất cả tiền mã hóa, trừ Bitcoin, là chứng khoán và nằm dưới quyền kiểm soát của cơ quan. Ông giải thích trên New York Magazine rằng các đồng tiền mã hóa có liên quan đến bên thứ ba và mang lại lợi nhuận lớn.
Tuy nhiên, phát ngôn của Gensler vấp phải nhiều chỉ trích trong cộng đồng tiền mã hóa lẫn các chuyên gia trong ngành. Ngay cả Ủy ban Giao dịch và Hàng hóa Tương lai Mỹ (CFTC) cũng không đồng tình quan điểm trên. Việc thiếu thống nhất giữa hai cơ quan quản lý là cơ hội để Binance phản công trong cuộc chiến với SEC. Thông qua buổi tranh luận về việc Ethereum là hàng hóa hay chứng khoán, cộng đồng nhận thấy các tiêu chuẩn phân biệt chứng khoán của SEC quá mơ hồ. Hồi tháng 3, Gensler tuyên bố Ethereum hoạt động theo cơ chế Proof-of-Stake (PoS) nên đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn của chứng khoán. Nhưng một tháng sau, trong phiên điều trần trước quốc hội Mỹ, ông từ chối trả lời liệu Ethereum có phải chứng khoán.
Trong bối cảnh đó, các nhà lập pháp Mỹ và nhiều lãnh đạo trong ngành tiền số chỉ trích SEC vì cách tiếp cận có phần nặng tay. Hôm 12/6, Hạ nghị sĩ Mỹ Warren Davidson thậm chí kêu gọi sa thải Chủ tịch SEC Gary Gensler thông qua một dự luật được đề xuất nhằm tái cơ cấu ủy ban.
(theo Coin Telegraph)