Vượt qua giai đoạn khó khăn, nhiều doanh nghiệp vừa bước đầu có đơn hàng trở lại nhưng lại lao đao vì tình trạng thiếu điện trầm trọng tại miền Bắc dẫn đến cắt điện liên tục, thời gian dài hoặc cắt điện đột xuất.
Doanh nghiệp thiệt hại lớn vì mất điện
Tại Bắc Ninh, một số khu công nghiệp (KCN) như Quế Võ và Quế Võ mở rộng, Tiên Sơn cũng xảy ra tình trạng cắt điện luân phiên từ đầu tháng 6. Gần đây nhất là các KCN Đại Đồng Hoàn Sơn, Tân Hồng, Yên Phong, Canon Tiên Sơn, Công ty TNHH Goertek Vina, bị cắt điện từ 8h ngày 5/6 đến 5h ngày 6/6.
Bị cắt điện đột ngột, toàn bộ máy móc, dây chuyền đều đang trong quá trình sản xuất bị dừng khẩn cấp khiến nhiều bộ phận hỏng hóc, sản phẩm cũng bị lỗi toàn bộ.
Bên cạnh nỗi lo về thiệt hại máy móc, thiết bị, Đại diện CTCP Công nghệ cơ khí Sao Việt (Savimec) cũng cho biết, tác động của việc cắt điện sản xuất làm tăng chi phí, đảo lộn kế hoạch sản xuất, kinh doanh, giao hàng sẽ không đúng tiến độ, khiến chuỗi sản xuất bị gián đoạn, có thể dẫn đến hủy đơn hàng…
Sau thời gian dài đơn hàng vắng vẻ, đìu hiu, hiện một số công ty mới bắt đầu có đơn hàng trở lại thì lại gặp phải tình trạng mất điện liên tục, kéo dài ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất.
“Khi không đáp ứng được kế hoạch giao hàng sẽ làm giảm uy tín của doanh nghiệp với các đối tác, nhất là đối tác FDI. Đi đôi với đó, việc cắt điện liên tục trực tiếp làm giảm thu nhập của người lao động, ảnh hưởng tới sức khỏe của người lao động vì phải điều chỉnh ca, thời gian liên tục”, Tổng Giám đốc Savimec cho biết.
Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Nam, Phó Tổng giám đốc một công ty sản xuất máy móc tại KCN Bắc Từ Liêm, Hà Nội cho biết, các doanh nghiệp hiện đang gặp vô vàn khó khăn. Đối với ngành cung ứng nguyên vật liệu, linh kiện, việc cắt điện luân phiên khiến máy móc hư hỏng, không có điện để cắt phôi, chậm trễ cung ứng cho các công ty sản xuất.
Doanh nghiệp sản xuất thì đã nhận đơn hàng nhưng vừa gặp phải tình trạng giao hàng chậm trễ của cung cấp lại thêm việc cắt điện nên không đảm bảo đúng thời hạn giao hàng. Trong khi khách hàng của doanh nghiệp này đều là những doanh nghiệp lớn như: Samsung, Denso, Hoya, Panasonic,...
"Họ không chấp nhận bất kỳ lý do gì dẫn đến tình trạng giao hàng chậm, toàn bộ đơn hàng không đúng tiến độ đều phải đền hợp đồng. Cứ tình trạng cắt điện như hiện nay, chúng tôi thiệt hại lên tới hàng tỷ đồng", vị này cho hay.
Cũng theo chia sẻ của chủ doanh nghiệp, doanh nghiệp tuy chưa nhiều đơn hàng nhưng đơn hàng nào có thời gian giao hàng, tiến độ của đơn đó nên ngoài việc bố trí công nhân làm trái giờ hành chính, đi làm bù các ngày mất điện, doanh nghiệp còn phải chạy đôn chạy đáo tìm kiếm các đối tác cung cấp được nguyên vật liệu đúng hạn.
"Các doanh nghiệp có nhà máy ở khu công nghiệp thì còn đỡ, chứ xây dựng nhà xưởng ở vị trí khác thì bị mất điện liên tục, do cắt điện cùng các khu vực dân cư", ông Nam nói.
Không chỉ gặp khó ở khâu cung ứng nguyên vật liệu và sản xuất, thậm chí hàng đã ra đến cảng cũng bị chậm trễ do mất điện tại cảng. Mới đây, ba Hiệp hội gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam, Hiệp hội Đại lý, Môi giới và Dịch vụ Hàng hải Việt Nam và Hiệp hội Chủ tàu Việt Nam đã có văn bản gửi tới Tổng công ty Điện lực Việt Nam (EVN) "kêu" vì tình trạng mất điện tại cảng Hải Phòng.
Theo các doanh nghiệp, việc cắt điện đã gây rất nhiều khó khăn cho các cảng, tiềm ẩn rủi ro doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ bị mất khách hàng,...
Cần thông báo rõ ràng đến doanh nghiệp
Văn bản từ ba hiệp hội nêu rõ: Việc cắt điện thường xuyên không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất kinh doanh của từng cảng mà còn ảnh hưởng uy tín chất lượng dịch vụ cảng biển so với khu vực cũng như có thể dẫn đến mất niềm tin vào hệ thống an ninh năng lượng quốc gia.
Do đó, các hiệp hội này đặc biệt nhấn mạnh việc thông báo và tuân thủ đúng thông báo đối với các trường hợp cắt điện. Cụ thể, đối với trường hợp mất điện do sự cố, do sự kiện bất khả kháng, trong thời hạn 24 giờ cần thông báo cho các cảng biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại và có văn bản giải trình gửi các cảng trong vòng 8 giờ ngay sau thời điểm khắc phục xong sự cố.
Bởi đây là cơ sở quan trọng để cảng thu xếp thông báo, giải trình, phối hợp làm việc với các khách hàng, hãng tàu. Đối với trường hợp bắt buộc phải cắt điện nhưng không vì lý do khẩn cấp, cắt điện luân phiên, cắt điện để bảo trì bảo dưỡng lưới điện, các hiệp hội đề nghị EVN cần có kế hoạch cụ thể gửi cho cảng biển trước ít nhất 5 ngày bằng thông báo trong ba ngày liên tiếp trên phương tiện thông tin đại chúng và hoặc gửi văn bản cho cảng.
Theo thống kê Công ty TNHH Peony, KCN VSIP Từ Sơn, Bắc Ninh, kể từ năm 2019 đến hết năm 2022, những sự cố liên quan đến việc mất điện đã làm thiệt hại khoảng 1 triệu USD. Riêng năm 2022, doanh nghiệp đã xảy ra tất cả 8 lần nhảy điện, mất điện không được thông báo trước.
Với tình trạng cắt điện luân phiên năm nay, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết hoàn toàn chia sẻ khó khăn tới ngành điện trong giai đoạn nắng nóng, tuy nhiên,họ cũng yêu cầu cần có kế hoạch cắt điện rõ ràng và thông báo trước đến doanh nghiệp để sắp xếp hoạt động tại nhà máy, lên kế hoạch làm việc.
Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cũng nhấn mạnh, nhiều doanh nghiệp đang gặp khó do không thể bố trí lịch sản xuất trước tình trạng cắt điện không báo trước hoặc báo trước rất ngắn, có nơi chỉ 2-3 tiếng.
"Doanh nghiệp không được chia sẻ kế hoạch cắt điện luân phiên, nhiều nơi hỏi điện lực địa phương chỉ biết báo đợt tiếp theo cắt lúc nào, còn kế hoạch trong vài ngày, trong tuần cũng không rõ”, đại diện VASI cho hay.
Vì vậy, VASI kiến nghị Bộ Công Thương và EVN cần hướng dẫn và yêu cầu điện lực các địa phương thay đổi cách thức liên lạc, trao đổi thông tin, cắt điện luân phiên cần báo trước ít nhất 24 tiếng, nếu có kế hoạch dài hơn thì chia sẻ cụ thể, chính xác đến khách hàng.