Bi hài những chuyện chỉ có ở chốt xử lý nồng độ cồn
Đó là câu chuyện dở khóc dở cười tại chốt xử lý nồng độ cồn của Đội cảnh sát giao thông số 7 - Phòng Cảnh sát giao thông, CATP Hà Nội. Trong quá trình xử lý vi phạm, một thanh niên khi được thông báo phải tạm giữ phương tiện, gọi người nhà đến đón vì nồng độ cồn trong cơ thể vượt quá mức cho phép đã bật khóc nức nở.
“Cậu thanh niên này trình bày bị vợ bỏ, đang chuẩn bị ra tòa làm thủ tục ly hôn, do chán nản quá nên đi uống rượu” - chiến sĩ Đội Cảnh sát giao thông số 7 kể lại.
Tất cả các trường hợp nghi vấn đều được kiểm tra và nếu vi phạm sẽ xử lý nghiêm mà không chịu bất cứ sự chi phối hay can thiệp nào
Ngay sau đó, vợ của thanh niên trên đã ra chốt để… đón chồng và cũng thở dài: “Em không biết phải làm thế nào vì em vừa phát hiện mình mang bầu”. Lúc này, các cán bộ chiến sĩ tại chốt đã gọi cả hai vợ chồng vào khuyên nhủ, đề nghị thanh niên vi phạm cần phải có trách nhiệm hơn vì bản thân giờ đã làm cha.
Một mặt hàn gắn quan hệ vợ chồng của thanh niên vi phạm, mặt khác vẫn yêu cầu người này ký vào biên bản nộp phạt. “Cũng mong là họ từ bỏ ý định ly hôn vì giữa cả hai giờ còn có một giọt máu chung nữa” - Thiếu tá Nguyễn Cao Thắng, Tổ trưởng tổ xử lý vi phạm nồng độ cồn, Đội CSGT số 7 chia sẻ.
Tại chốt Tố Hữu - Vũ Trọng Khánh, quận Hà Đông, Hà Nội, một trường hợp vi phạm khác là anh Nguyễn Ngọc V., SN 1980, trú tại quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội. Anh này chở theo con gái nhưng vẫn... nhậu. Khi bị lực lượng Cảnh sát giao thông tuýt còi, cô con gái bỗng khóc nức nở, trách cứ bố.
“Cháu sợ quá nên khóc đấy vì ban nãy nó đã đòi về rồi nhưng tôi vui vui uống thêm. Giờ hai bố con chờ đón taxi về vậy” - Anh V. nói.
Ngăn chặn nguy cơ từ sớm, từ xa
Chỉ huy Đội Cảnh sát giao thông số 7 cho biết, địa bàn quản lý của đơn vị là hai quận Thanh Xuân và Hà Đông. Đây là địa bàn đang phát triển mạnh với nhiều tuyến đường mới xuyên trục, xuyên tâm, hướng đi các huyện ngoại thành, QL6…
Những trục đường này phương tiện đi lại khá đông, lưu lượng người tham gia giao thông luôn ở mức cao. Do vậy, tình hình vi phạm trật tự an toàn giao thông cũng có nhiều diễn biến phức tạp.
Bên cạnh đó, đây cũng là khu vực có nhiều quán nhậu, nhà hàng, bia hơi… tiềm ẩn nguy cơ có thể xảy ra TNGT liên quan đến rượu, bia. Chính vì lẽ đó, triển khai thực hiện cao điểm phòng ngừa tai nạn giao thông theo Kế hoạch của Bộ Công an và Cục Cảnh sát giao thông, Đội Cảnh sát giao thông số 7 đã chỉ đạo cán bộ chiến sĩ điều tra cơ bản, rà soát các tuyến, khu vực trọng điểm để cắm chốt kiểm tra, xử lý.
Các chốt kiểm tra nồng độ cồn sẽ được bố trí tại các khu vực gần nhà hàng, quán nhậu, quán bia...
Mỗi chốt, đơn vị bố trí 3 cán bộ chiến sĩ, thực hiện kiểm tra bất ngờ đối với người tham gia giao thông trong khung giờ từ 12h-14h30 và từ 18h-20h30. Tất cả các trường hợp vi phạm đều bị xử lý nghiêm.
“Trong quá trình làm nhiệm vụ, chúng tôi cũng đã kiểm tra, xử lý 4-5 trường hợp vi phạm là nữ. Dù lý do chỉ là liên hoan, hay hội họp và có là phụ nữ thì chúng tôi cũng phải xử lý nghiêm, không thể nhân nhượng vì TNGT không chừa một ai. Nếu không may xảy ra tai nạn, lúc đó có xin nhận trách nhiệm cũng đã quá muộn nên tốt nhất phải ngăn chặn từ sớm, từ xa” - Thiếu tá Nguyễn Cao Thắng nói.
Theo thống kê, kể từ khi triển khai cao điểm đến nay, Đội Cảnh sát giao thông số 7 đã xử lý 70 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông, trong đó có 8 trường hợp là ô tô.
Thời gian tới, đơn vị tiếp tục tăng cường các biện pháp tuần tra, kiểm soát, phối hợp với các lực lượng có liên quan đề nghị chủ các cơ sở kinh doanh nhà hàng, quán nhậu, quán bia nhắc nhở thực khách chấp hành quy định - “Đã uống rượu bia thì không lái xe”.
Hy vọng sau 3 tháng cao điểm, tình trạng vi phạm liên quan đến nồng độ cồn và các chất kích thích khi tham gia giao thông sẽ được hạn chế tối đa, phòng ngừa tai nạn giao thông nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng có thể xảy ra.