Bất động sản

"Băm nát" quy hoạch xây dựng: Xử lý thế nào?

Người dân "ngạt thở"

Đường Lê Văn Lương được thiết kế có chiều dài 2,67km, bao gồm 6 làn xe cơ giới cho hai chiều đường, có hệ thống cầu vượt chống ùn tắc. Thiết kế trên chỉ phù hợp cho giao thông thời điểm năm 2010 - 2015. Tuy nhiên, từ năm 2016 đến nay lượng chung cư cao tầng ken đặc khiến tuyến đường quá tải, kể cả giờ thấp điểm ở đây cũng xảy ra ùn tắc.

Theo đó trên tuyến đường hơn 2km này có tới 40 chung cư cao tầng dọc tuyến, độ cao trung bình từ 20 - 30 tầng. Tại các trục kết nối ngang như: Hoàng Đạo Thúy, Hoàng Ngân, Nguyễn Tuân… cũng dày đặc chung cư, cao ốc. Điều này càng khiến cho trục đường chính Lê Văn Lương liên tục quá tải.

Chưa dừng lại, trên tuyến đường đang có thêm 7 - 8 chung cư, cả chung cư sai phạm đang được chủ đầu tư xây dựng.

Cụ thể, công trình NO1 - thuộc dự án đầu tư xây dựng khu hỗn hợp văn phòng cho thuê nhà ở được quảng cáo độ cao 25 tầng, công trình dịch vụ văn phòng và nhà ở thuộc Công ty CP dịch vụ và kinh doanh bất động sản Hà Nội; dự án Manhattan Tower tại số 21 Lê Văn Lương… Có một thực tế là tại đây trong khi các tòa chung cư, cao ốc chen chúc mọc lên nhưng cả tuyến đường dường như không nhưng không gian công cộng cũng như hệ thống cây xanh.

Gần đó, trục đường Tố Hữu cũng chịu cảnh quá tải tương tự với những tòa chung cư mọc lên san sát. Trong đó, hàng chục tòa đang trong quá trình xây dựng. Ở phía bên đường đối diện hướng từ trung tâm về Hà Đông, còn một số vị trí đất trống nhưng đang được quây tôn và có tên dự án chung cư nhận chỗ sẵn.

Là cư dân sống tại chung cư Handiresco Complex, Lê Văn Lương, chị Vân Hằng cho hay: Nơi này thiếu không gian công cộng, phần vỉa hè ở phía chung cư gần như biến mất vì đã trở thành sảnh chính của những hiệu mua sắm, quán ăn, cà phê. Chưa kể mức độ ô nhiễm tiếng ồn ở đây rất khủng khiếp.

Chị Hằng chia sẻ, chị chuyển về đây từ năm 2020, khi giao dịch, đơn vị môi giới đưa cho chị xem một bản thiết kế của chủ đầu tư với đầy đủ vườn hoa, nhà trẻ, trung tâm thương mại và khu vui chơi nằm ngay trong khuôn viên. Nhưng đến nay, phần đất để làm các dịch vụ này được chuyển đổi thành khu thương mại và nhà ở để tiếp tục bán.

Tuy vậy, theo kết luận của Thanh tra Bộ Xây dựng mới đây, tòa chung cư Handiresco Complex - được UBND Hà Nội điều chỉnh quy hoạch 3 lần, Sở Quy hoạch Kiến trúc điều chỉnh 1 lần sai quy định pháp luật. Sau 4 lần điều chỉnh, tòa nhà từ thiết kế ban đầu 6,5 tầng đã tăng lên 25 tầng khối văn phòng, 27 tầng khối nhà ở, phát sinh dân sinh 754 người. Đồng thời, dự án không đảm bảo mật độ cây xanh, khu vui chơi, nhà trẻ theo đúng quy hoạch ban đầu.

Còn anh Nguyễn Tuấn, sống tại khu đô thị Dương Nội, nằm trên tuyến đường Tố Hữu tỏ ra chán nản: Tôi mua nhà ở đây từ năm 2017, trước khi mua đã có một vài người cảnh báo về việc ùn tắc, ngập úng. Giờ thì ngày nào cũng trong dòng người chật như nên mỗi sáng.

Nhất là mùa mưa này, cứ mưa là ngập úng khiến mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Tôi muốn chuyển nhà nhưng sang các khu mới nhưng chưa có điều kiện dời đi.

Vai trò quản lý ở đâu?

Vừa qua, Thanh tra Bộ Xây dựng đã ban hành Kết luận Thanh tra số 39/KL-TTr về việc Thanh tra Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội, Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội, chủ đầu tư dự án, công trình, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác quy hoạch xây dựng, điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại khu vực hai bên tuyến đường Lê Văn Lương, Tố Hữu, Nguyễn Thanh Bình, khu đô thị Trung Hòa - Nhân Chính.

Kết luận đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm trong công tác điều chỉnh quy hoạch xây dựng, quản lý xây dựng theo quy hoạch được duyệt tại hầu hết công trình thuộc khu vực này.

Theo đó, các dự án được lập, chấp thuận tổng mặt bằng, phương án kiến trúc tỷ lệ 1/500, rồi điều chỉnh nhiều lần (có dự án 5 lần điều chỉnh) nhưng không được công bố công khai, dẫn đến tổ chức, cá nhân có trách nhiệm trong quản lý đô thị không biết để quản lý, giám sát thực hiện theo quy định của Luật Xây dựng 2003, Luật Xây dựng 2014, Luật Quy hoạch đô thị 2009.

Tuy nhiên, trước sự tùy tiện điều chỉnh quy hoạch, nắn quy hoạch kể trên, có ý kiến cho rằng, dự án nào cũng có 3 quyết định thanh tra tương đương với 3 giai đoạn xây dựng của Bộ Xây dựng, cụ thể là Thanh tra khi xây móng hầm; thanh tra giai đoạn Xây dựng thân công trình; Thanh tra giai đoạn hoàn công trước khi đưa vào sử dụng. Vậy mà không phát hiện ra sai phạm. Vậy vai trò quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng ở đâu?

Liên quan tới công tác thanh tra, kiểm tra ông Lưu Bình Nhưỡng - nguyên Phó trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội cho biết, ông đã từng nhiều lần kiến nghị, chất vấn Bộ trưởng Bộ Xây dựng về đảm bảo thanh, kiểm tra các công trình cao tầng, khu đô thị làm ảnh hưởng tới áp lực hạ tầng nhưng đáng tiếc là việc thanh tra còn chậm, nhiều vi phạm, sai phạm rơi vào thế đã rồi.

Theo ông Lưu Bình Nhưỡng, thanh tra là chế độ hậu kiểm nhưng phải có tính chủ động. Bởi ngay từ phê duyệt đồ án quy hoạch đã phải tiến hành thanh tra rồi và lúc đó có chấn chỉnh thì sẽ có sự thay đổi.

"Biện pháp thanh tra của các chương trình thanh tra cần thay đổi. Đây là bài học rất lớn về công tác thanh tra chứ không đơn thuần là bài học về vi phạm. Vì nạn nhân hứng chịu chính là xã hội, người dân", ông Nhưỡng bày tỏ.

Cũng có ý kiến cho rằng, do chính quyền, địa phương chưa quán xuyến, thiếu trách nhiệm giám sát trong quá trình chủ đầu tư xây dựng dự án đó. Khi mà mọi sự đã rồi, cộng đồng dân cư phát hiện, cơ quan nhà nước mới bắt đầu vào cuộc thì đã muộn.

Còn GS Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường nhận định: Kết luận Thanh tra Bộ Xây dựng vừa qua chỉ là một phần của góc tối quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch tại Hà Nội.

Điều này cho thấy Hà Nội còn nhiều khu vực bất cập về quy hoạch, thể hiện việc thiếu tâm huyết của một số thế hệ lãnh đạo thành phố với Thủ đô.

Cần chế tài đủ mạnh

Dẫn chứng cho sự tùy tiện trong xây dựng gây ra những hệ lụy cho người dân, TS.KTS Trương Văn Quảng - Phó Tổng Thư ký Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam cho biết: Như trường hợp gần đây ở một số nơi, khi quy hoạch xác định khu vực đó là đất dịch vụ công cộng, nhưng trong quảng cáo của chủ đầu tư, khu vực này trong tương lai sẽ trở thành khu dịch vụ thấp tầng.

Khi dân cư chuyển về ở thì lại bất ngờ có một dự án cao mười mấy tầng chuẩn bị xây dựng khiến người dân bức xúc, phải kiến nghị.

Rồi những khu đô thị khác cũng đang bị biến tướng. Lẽ ra, khu đất này làm cây xanh, trường học, y tế thì chủ đầu tư lại tìm cách chuyển đổi chức năng sang xây dựng nhà ở vì nó sinh lời hơn. Điều này làm người dân bức xúc vì xây dựng đô thị không theo quy hoạch, thiếu dịch vụ, thiết yếu của đô thị, không đảm bảo được chất lượng cuộc sống dẫn tới chất lượng khu đô thị bị giảm đi.

"Từ thực trạng nêu trên, liên quan đến cơ chế xin cho, các cơ quan tổ chức nhà nước còn buông lỏng quản lý, đôi khi còn thông đồng, thỏa hiệp với chủ đầu tư. Khi chủ đầu tư muốn lách luật, họ có thể làm việc với một cá nhân hoặc một bộ phận trong cơ quan tổ chức Nhà nước tìm lý do để điều chỉnh thông số kỹ thuật của khu đô thị đó sao cho có lợi nhiều nhất. Người cho phép làm điều này cũng được hưởng lợi chung. Đây chính là lợi ích nhóm mà người ta thường hay nói đến", TS.KTS Trương Văn Quảng nhìn nhận.

Liên quan tới vấn đề lợi ích nhóm trong quy hoạch xây dựng, theo KTS Phạm Thanh Tùng - Chánh văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam, cần phải làm rõ lợi ích nhóm trong việc điều chỉnh quy hoạch "băm nát" đường Lê Văn Lương.

Bên cạnh đó, cơ quan thanh tra cần mở rộng thêm các khu vực khác trên địa bàn thành phố để làm rõ thêm các bất cập trong quản lý quy hoạch xây dựng. Trước nay có nhiều cán bộ bị xử lý do buông lỏng, "bảo kê" vi phạm trật tự xây dựng nhưng ít khi thấy cán bộ bị xử lý do điều chỉnh quy hoạch tùy tiện.

"Điều chỉnh quy hoạch còn gây ảnh hưởng lớn hơn vi phạm trật tự xây dựng nhưng lại ít bị "đụng đến", nếu không có lợi ích thì chắc chắn không ai làm, do đó cần phải hình sự hóa để xử lý tận gốc", ông Tùng nhấn mạnh.

Về giải pháp điều chỉnh quy hoạch các khu đô thị hiện nay, TS.KTS Trương Văn Quảng đề xuất: Trước mắt chúng ta cần phải điều chỉnh lại một số văn bản pháp quy có liên quan đến hệ thống pháp luật của Trung ương, địa phương trong quá trình giao và thực hiện triển khai xây dựng các dự án khu đô thị. Cùng với đó, phải rà soát cơ chế pháp lý một cách mạnh mẽ hơn, cần các chế tài thực sự đủ mạnh để các doanh nghiệp không dám làm tùy tiện.

"Hơn nữa, tôi cũng đề cao việc cần phải làm gắt gao hơn nữa tính công khai, minh bạch và vai trò giám sát dự án của cộng đồng người dân", ông Quảng kiến nghị.

Đại biểu Trương Xuân Cừ (Đoàn Hà Nội): Xử lý nghiêm những tiêu cực, lợi ích nhóm liên quan tới phá vỡ quy hoạch

y-kien-dai-bieu-truong-xuan-cu-doan-ha-noi

Vấn đề trục lợi trong quy hoạch luôn nhận được nhiều sự quan tâm của người dân, dư luận. Trong đó, nhiều khu vực của Hà Nội "tấc đất, tấc vàng", nhiều khu vực có không gian phát triển chiều cao sinh ra giá trị lợi nhuận lớn nên thực tế cũng đã xảy ra những vụ việc vi phạm liên quan tới không gian quy hoạch, mật độ xây dựng.

Ở đây, dư luận có đặt những nghi vấn việc trục lợi của các chủ đầu tư và tiêu cực của các nhà quản lý. Điều này không phải không có cơ sở bởi thực tế những vấn đề đã diễn ra trong thời gian qua.

Có những vụ việc như phá vỡ quy hoạch tại khu đô thị Linh Đàm hay mới đây Thanh tra Bộ Xây dựng cũng đã chỉ ra hàng loạt sai phạm quy hoạch trên tuyến đường Lê Văn Lương - Tố Hữu. Thực tế, có một số vụ việc cả chủ đầu tư lẫn cơ quan chức năng đều liên quan tới sai phạm về xây dựng, phá vỡ quy hoạch.

Lợi ích của nhà đầu tư rất lớn từ câu chuyện thay đổi quy hoạch. Do vậy, các cán bộ, cơ quan tham mưu phải rất khách quan, tỉnh táo trong việc này để tránh xảy ra tình trạng tham nhũng trong chính sách quy hoạch.

Với các vụ việc điều chỉnh quy hoạch gây ra những tác động tiêu cực, gây nên những dư luận xấu, ảnh hưởng tới đời sống kinh tế - chính trị, xã hội, các cơ quan chuyên ngành cần vào cuộc, cơ quan điều tra cũng phải xác minh để làm rõ có việc tiêu cực, lợi ích nhóm và xử lý nghiêm để mang tính răn đe, mang lại niềm tin cho nhân dân.

Đồng thời, thực hiện nghiêm các quy định trong phòng chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý các tổ chức, cá nhân liên quan đến việc phá vỡ quy hoạch.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm