Hôm 11/4, Tổng công ty Đầu tư và Phát triển Công nghiệp (Becamex IDC, mã chứng khoán: BCM) thông báo sẽ tạm hoãn đợt chào bán thêm cổ phiếu ra công chúng để tăng vốn. Theo Hội đồng quản trị (HĐQT) công ty, hiện nay điều kiện thị trường chứng khoán không thuận lợi cho việc chào bán nên phải tạm hoãn nhằm đảm bảo lợi ích cho các cổ đông. Becamex IDC sẽ khởi động lại thương vụ vào một thời điểm khác phù hợp hơn.
Kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 11/4, cổ phiếu BCM giảm sàn 7% về mức 56.500 đồng mỗi cổ phiếu trong khi thị trường chứng khoán tăng gần 30 điểm. Kể từ ngày Tổng thống Mỹ Donald Trump công bố kế hoạch áp thuế đối ứng với các đối tác thương mại (hôm 2/4), thị giá của BCM đã giảm 25%.
Theo kế hoạch ban đầu, Becamex IDC sẽ chào bán 300 triệu cổ phiếu thông qua đấu giá trên Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) với giá khởi điểm 69.600 đồng mỗi đơn vị. Nếu thương vụ hoàn tất, công ty này sẽ thu về ít nhất gần 20.880 tỷ đồng, còn vốn điều lệ sẽ tăng từ 10.350 tỷ đồng lên 13.350 tỷ đồng.
Theo Chứng khoán SSI, đây là một trong những thương vụ chào bán công khai lớn nhất trong lịch sử thị trường vốn Việt Nam. Hiện UBND tỉnh Bình Dương sử hữu trên 95% vốn của Becamex IDC. Trong trường hợp toàn bộ 300 triệu cổ phiếu BCM được chào bán thành công, cổ đông Nhà nước sẽ giảm sở hữu xuống xấp xỉ 74%.

Khu công nghiệp VSIP Nghệ An. Ảnh: BCM
Với số tiền thu được, Becamex IDC dự kiến sử dụng trên 8.400 tỷ đồng để xây dựng các khu công nghiệp Cây Trường và Bàu Bàng mở rộng, cũng như góp thêm vốn vào công ty liên doanh TNHH Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore (VSIP). Ngoài ra, công ty sẽ sử dụng gần 4.300 tỷ đồng để trả nợ, chủ yếu là các khoản nợ vay ngắn hạn.
Becamex IDC là công ty phát triển bất động sản công nghiệp và thương mại hàng đầu tại Việt Nam. Theo báo cáo thường niên 2023, diện tích khu công nghiệp còn lại tới cuối năm 2023 của doanh nghiệp là 3,5 triệu m2, gồm các khu công nghiệp Mỹ Phước 1 2-3, Bàu Bàng, Bàu Bàng mở rộng, Thới Hòa (Bình Dương).
Doanh nghiệp này còn góp vốn với tập đoàn Sembcorp đến từ Singapore và tập đoàn Warburg Pincus đến từ Mỹ để thành lập hai công ty liên doanh khu công nghiệp lớn tại Việt Nam là VSIP và BW Industrial.VSIP hiện sở hữu 20 dự án khu công nghiệp tại 14 tỉnh, thành trên cả nước. Còn BW Industrial có quỹ đất công nghiệp khoảng 1.000 ha phân bổ ở 58 dự án tại 12 tỉnh, thành, quản lý danh mục tài sản gần 3 tỷ USD.