Thị trường cá rô phi toàn cầu đang tăng trưởng mạnh, với sản lượng dự kiến đạt hơn 7 triệu tấn vào năm 2025.
Mỹ có nhu cầu cao đối với cá rô phi, bao gồm cả sản phẩm tươi và đông lạnh. Cá rô phi là một trong 10 loài thủy sản được tiêu thụ nhiều nhất tại Mỹ, sau tôm và cá hồi.
Sự giảm sút từ các nhà cung cấp truyền thống mở ra cơ hội cho các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam, tham gia và mở rộng thị phần. Theo Cục Thống kê Mỹ, thị trường cá rô phi đã chịu áp lực kéo dài trong nhiều tháng, tuy nhiên giá bán buôn tại Mỹ vẫn giữ ở mức ổn định một cách đáng ngạc nhiên. Hiện, giá cá rô phi nhập khẩu tại thị trường Mỹ biến động trong khoảng 3,8-4,2 USD/kg.
Theo số liệu của Hải quan Việt Nam, xuất khẩu cá rô phi Việt Nam, bao gồm cả cá rô phi (tilapia) và cá điêu hồng (red tilapia) trong 2 tháng đầu năm nay đạt 7 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu cá rô phi tăng 93%, đạt hơn 5 triệu USD, xuất khẩu cá điêu hồng đạt hơn 1,4 triệu USD; riêng xuất khẩu cá rô phi sang thị trường Mỹ đạt gần 3 triệu USD, tăng 105% (tăng hơn gấp đôi) so với cùng kỳ năm ngoái.
Tại Việt Nam, năm 2024, diện tích nuôi cá rô phi đạt 30.000 ha, sản lượng nuôi cá rô phi đạt 300.000 tấn. Sản lượng sản xuất giống cá rô phi/điêu hồng đạt 1,09 tỷ con.
![]() |
Cá rô phi có nhiều cơ hội vào thị trường Mỹ. Ảnh minh họa: IT. |
Theo chuyên gia của Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Việt Nam, với lợi thế về điều kiện tự nhiên và kinh nghiệm trong lĩnh vực thủy sản, đang xem xét đầu tư vào sản xuất và xuất khẩu cá rô phi sang Mỹ, bên cạnh sản phẩm cá thịt trắng xuất khẩu chủ lực là cá tra.
Theo VASEP, Mỹ có nhu cầu cao đối với cá rô phi, bao gồm cả sản phẩm tươi và đông lạnh. Sự giảm sút từ số lượng nhà cung cấp truyền thống mở ra cơ hội cho các quốc gia khác, bao gồm Việt Nam có thể tham gia và mở rộng thị phần.
Trong khi đó, Việt Nam sở hữu điều kiện khí hậu và nguồn nước lý tưởng cho việc nuôi trồng cá rô phi và đã có kinh nghiệm đáng kể trong nuôi trồng và xuất khẩu các sản phẩm thủy sản như cá tra. Sự phát triển của các trung tâm sản xuất giống và đào tạo kỹ thuật cho nông dân giúp đảm bảo nguồn cung cấp giống chất lượng và kỹ thuật nuôi tiên tiến. Hiện nay, tỉnh An Giang đã trở thành trung tâm phát triển nuôi cá rô phi xuất khẩu, với sự hỗ trợ từ Trung tâm sản xuất giống thủy sản An Giang.
Tuy nhiên, theo VASEP, hiện nay, việc tổ chức sản xuất cá rô phi còn manh mún, thiếu liên kết chặt chẽ giữa các khâu từ sản xuất giống, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ. Điều này dẫn đến khó khăn trong việc kiểm soát chất lượng và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm cá rô phi Việt Nam.
Việc áp dụng các tiêu chuẩn như VietGAP trong nuôi cá rô phi còn hạn chế, dẫn đến khó khăn trong việc đảm bảo chất lượng và an toàn thực phẩm, ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
"Mỹ áp dụng các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và an toàn thực phẩm. Các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư vào công nghệ, quản lý chất lượng và tuân thủ các quy định để đáp ứng yêu cầu này. Bên cạnh đó, việc đối mặt với các biện pháp phòng vệ thương mại, thuế chống bán phá giá hoặc các rào cản kỹ thuật khác có thể ảnh hưởng đến khả năng cạnh tranh của cá rô phi Việt Nam tại Mỹ. Các doanh nghiệp cần theo dõi sát sao chính sách thương mại và có chiến lược ứng phó phù hợp", chuyên gia của VASEP khuyến cáo.