Rôm sảy còn gọi là ban nhiệt, là tình trạng viêm da xảy ra khi các ống tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, khiến mồ hôi ứ đọng dưới da, phản ứng viêm tại chỗ, biểu hiện bằng nốt mẩn đỏ nhỏ, đôi khi có mụn nước nhỏ li ti. Tình trạng này thường xuất hiện ở những vùng da hay đổ mồ hôi, có nếp gấp như cổ, lưng, ngực, nách, bẹn.
ThS.BS.CKII Vũ Đình Phương Ân, khoa Nhi, Phòng khám Đa khoa Tâm Anh Quận 7, cho biết thông thường rôm sảy ở trẻ em không nguy hiểm, bởi bản chất là phản ứng tại chỗ của da với nhiệt độ và tắc nghẽn mồ hôi gây ngứa, khó chịu, quấy khóc, ngủ không ngon giấc. Tình trạng này thường tự cải thiện và biến mất khi thời tiết mát mẻ, bé được chăm sóc đúng cách. Một số trường hợp có thể nguy cơ biến chứng bội nhiễm da nếu bé gãi nhiều làm trầy xước nốt mẩn đỏ, vi khuẩn từ móng tay hoặc môi trường xâm nhập gây nhiễm trùng.
Dấu hiệu nhiễm trùng bao gồm nốt rôm sảy sưng to hơn, tấy đỏ, có mủ, chảy dịch vàng và sốt. Trường hợp bệnh dai dẳng hoặc có thêm triệu chứng toàn thân cần cho trẻ tầm soát thêm bệnh lý gan, thận.

Rôm sảy biểu hiện bằng các nốt mẩn đỏ li ti xuất hiện trên da trẻ. Ảnh: Đình Lâm
Nếu trẻ bị rôm sảy, phụ huynh nên để con sinh hoạt ở nơi thoáng mát, sử dụng quạt hoặc điều hòa, duy trì nhiệt độ phòng khoảng 25-27 độ C. Hạn chế cho trẻ ra ngoài trời khi nắng gắt. Tắm cho trẻ hàng ngày bằng nước mát hoặc nước ấm vừa phải. Trẻ dùng các loại sữa tắm dịu nhẹ, chuyên dụng, lau khô người bé bằng khăn mềm, thấm nhẹ nhàng. Chọn quần áo rộng rãi, làm từ chất liệu cotton mềm mại, thấm hút mồ hôi tốt. Tránh các loại vải sợi tổng hợp, bí hơi, không ủ bé quá kỹ.
Bác sĩ Ân khuyến cáo nên hạn chế sử dụng loại kem dưỡng ẩm đặc, phấn rôm (nhất là loại chứa bột talc) vì có thể làm bít tắc lỗ chân lông. Nếu muốn làm dịu da của bé, phụ huynh có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về loại sản phẩm chăm sóc da chứa calamine hoặc kẽm oxit. Cha mẹ giữ móng tay bé sạch sẽ, cắt ngắn để tránh bé gãi làm trầy xước da, giảm nguy cơ nhiễm trùng, đảm bảo bé được cung cấp đủ nước.
Dù rôm sảy thường lành tính, song phụ huynh nên đưa bé đi khám bác sĩ nếu tình trạng này không cải thiện sau vài ngày áp dụng các biện pháp chăm sóc tại nhà. Da xuất hiện dấu hiệu nhiễm trùng như nốt rôm sảy sưng to, tấy đỏ, có mủ trắng hoặc vàng, chảy dịch kèm sốt, ngứa dữ dội, trẻ gãi liên tục, quấy khóc nhiều, ảnh hưởng đến giấc ngủ và sinh hoạt...
Độc giả đặt câu hỏi bệnh trẻ em tại đây để bác sĩ giải đáp |