Dinh dưỡng

Bé gái bị chó nhà cắn thủng thực quản

Tóm tắt:
  • Bé gái bị chó nhà cắn vào cổ, gây thủng thực quản và nguy hiểm đến tính mạng.
  • Ban đầu, gia đình không đưa bé đi viện vì cho rằng vết thương không nghiêm trọng.
  • Khi phát hiện bé chảy nước bọt lẫn thức ăn, gia đình lập tức đưa bé đến bệnh viện cấp cứu.
  • Bác sĩ phẫu thuật xử lý vết thủng và tiêm vắc-xin phòng dại để đảm bảo an toàn.
  • Khuyến cáo tiêm phòng ngay lập tức sau khi bị động vật cắn, đặc biệt là vết thương ở vùng đầu, cổ.

Ngày 10/4, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thông tin về một trường hợp bé gái bị chó nhà cắn gây thủng thực quản, nguy hiểm đến tính mạng.

Theo gia đình bệnh nhi, sự việc xảy ra khi bé đang chơi đùa với chó nhà thì bất ngờ bị cắn vào vùng cổ. Ban đầu, vết thương không chảy máu nhiều và chó đã được tiêm phòng dại đầy đủ, lại sống với gia đình hơn 12 năm nên người nhà nghĩ không nghiêm trọng, không đưa bé đi viện ngay.

(Ảnh minh họa).

(Ảnh minh họa).

Tuy nhiên, đến bữa ăn, khi bé nhai và nuốt, người nhà phát hiện từ vết thương ở cổ chảy ra nước bọt lẫn thức ăn. Nhận thấy dấu hiệu bất thường, gia đình lập tức đưa bé đến Bệnh viện Việt Đức cấp cứu.

Tại bệnh viện, bác sĩ Vũ Đức Thịnh – Khoa Phẫu thuật Tiêu hóa – cho biết, bé gái có hai vết cắn ở vùng cổ, đang rỉ dịch nước bọt. Qua nội soi, các bác sĩ phát hiện thực quản có hai lỗ thủng. Nếu không được xử lý kịp thời, bé có thể gặp các biến chứng nghiêm trọng như viêm trung thất (nhiễm trùng vùng giữa hai lá phổi), nhiễm trùng máu hoặc rò thực quản kéo dài.

Ngay sau đó, bệnh nhi được phẫu thuật để xử lý các vết thủng thực quản. Đồng thời, bệnh viện cũng phối hợp với chuyên gia dịch tễ để tiêm huyết thanh kháng dại và vắc-xin phòng dại theo phác đồ đầy đủ nhằm đảm bảo an toàn cho bé.

Bác sĩ Thịnh nhấn mạnh: Dù chó đã được tiêm phòng dại vẫn không thể loại trừ hoàn toàn nguy cơ mang virus. Bệnh dại có thời gian ủ bệnh dài, nhưng một khi phát bệnh thì tỷ lệ tử vong gần như 100%. Vì vậy, việc tiêm phòng là bắt buộc nếu bị cắn.

Tính đến ngày thứ 10 sau sự việc, chú chó nhà vẫn khỏe mạnh, ăn uống bình thường và chưa có dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, bác sĩ yêu cầu gia đình tiếp tục nhốt và theo dõi thêm ít nhất 10–14 ngày. Trong trường hợp chó phát bệnh trong thời gian này, nguy cơ bé bị lây nhiễm là rất cao.

Bác sĩ khuyến cáo khi bị chó, mèo hoặc động vật hoang dã cắn hoặc làm tổn thương, người dân cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để được tư vấn và hướng dẫn phòng ngừa bệnh dại. Đặc biệt, các vết thương ở vùng đầu, mặt, cổ cần được xử lý nghiêm túc do nguy cơ cao.

Hiện nay, huyết thanh và vắc-xin phòng dại là biện pháp duy nhất và hiệu quả nhất để bảo vệ tính mạng người bị phơi nhiễm. Không nên tự ý điều trị bằng các phương pháp dân gian như đắp lá, lấy nọc, uống thuốc nam… vì không có cơ sở khoa học, thậm chí còn có thể khiến bệnh trở nặng hơn.

Các tin khác

Thời tiết miền Bắc những ngày tới

Hôm nay và ngày mai (14-15/4), miền Bắc sẽ rét về đêm và sáng, trưa chiều nắng ấm. Từ 16/4, nền nhiệt tăng mạnh. Từ 18/4, miền Bắc bước vào đợt nắng nóng diện rộng, gay gắt đầu tiên của mùa hè năm nay. Tây Nguyên và Nam Bộ trong hai ngày 14-15/4 có mưa dông rải rác vào chiều tối.

Thông tin mới về gió mùa đông bắc

Sáng 13/4, không khí lạnh đã ảnh hưởng tới hầu hết Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ và một phần Trung Trung Bộ, vịnh Bắc Bộ có gió mạnh cấp 8, giật cấp 10. Dự báo hôm nay sẽ là ngày rét nhất trong đợt gió mùa đông bắc này. Mưa lớn giảm dần ở Tây Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ.

Bé gái bị chó nhà nuôi nặng gần 20 kg cắn thủng thực quản

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức vừa tiếp nhận trường hợp bệnh nhi nữ 11 tuổi (Lục Ngạn, Bắc Giang) bị chó nhà cắn vào vùng cổ dẫn đến tổn thương nghiêm trọng phải can thiệp phẫu thuật khẩn cấp. Chú chó này đã sống với gia đình suốt 12 năm, được xem như một thành viên trong nhà.