Doanh nghiệp

Bamboo Capital lãi 877 tỷ đồng nửa đầu năm, dư nợ trái phiếu gần 8.800 tỷ đồng

Trung tâm thương mại GigaMall, TP THủ Đức, TP HCM - do một công ty bất động sản có liên quan đến Bamboo Capital. (Ảnh minh họa: MH).

Báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2022 của CTCP Bamboo Capital (Mã: BCG) cho thấy doanh thu thuần tăng 8% so với cùng kỳ lên 881 tỷ đồng. Trong đó đóng góp của mảng bảo hiểm hơn 54 tỷ đồng sau khi mua lại Bảo hiểm AAA cuối năm ngoái, trong quý I AAA đã ghi nhận 47 tỷ đồng doanh thu.

Trong kỳ, biên lãi gộp giảm từ 37,2% quý II/2021 xuống 30,5% quý này. Hoạt động tài chính (gồm lãi tiền gửi, lãi cho vay, lãi hợp nhất kinh doanh, lãi từ đầu tư cổ phiếu trái phiếu và lãi phải thu theo hợp đồng xây dựng) góp 929 tỷ đồng vào doanh thu, tăng 30%. Ngược lại, chi phí tài chính tiêu tốn của BCG 703 tỷ đồng, tăng 66%. Kết quả, BCG lãi sau thuế 355 tỷ đồng, tăng khoảng 13% so với cùng kỳ.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2022, BCG đã ghi nhận hơn 2.133 tỷ đồng doanh thu và 877 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng lần lượt 47% và 82% so với cùng kỳ năm 2021.

Doanh thu 6 tháng đầu năm của BCG đến chủ yếu từ ba mảng hoạt động lõi: mảng xây dựng - hạ tầng đóng góp 737,6 tỷ đồng (chiếm 34,5% doanh thu), bất động sản là 543 tỷ đồng (chiếm 25%) nhờ hoàn tất bàn giao dự án King Crown Village trong quý II, năng lượng tái tạo là 584 tỷ đồng (chiếm 27%) và sản xuất là 166,3 tỷ đồng (gần 8%).

Với kết quả này, BCG đã thực hiện được 29,4% kế hoạch doanh thu và 40% chỉ tiêu lợi nhuận sau thuế năm sau hai quý.

Bamboo Capital cho biết, trong các ngành kinh doanh chính, mảng bất động sản không quá sôi nổi trong 6 tháng đầu năm rồi vì các dự án lớn như Malibu Hội An và Hoian d’Or đều có điểm rơi doanh thu trong quý III và quý IV. 

 

Tại ngày 30/6, tổng tài sản của BCG đạt 44.361 tỷ đồng, tăng gần 18% so với hồi đầu năm. Tổng tài sản BCG tăng chủ yếu từ gia tăng tài sản đầu tư dài hạn do các dự án bất động sản và năng lượng tái tạo đã hoàn thành xây dựng trong nửa đầu năm.

Các khoản phải thu ngắn hạn hơn 14.000 tỷ, tăng gần 4.000 tỷ so với ngày 1/1, và tăng 2.000 tỷ so với quý I.

Tính đến cuối tháng 6, tổng chi phí sản xuất kinh doanh dở dang dài hạn và chi phí xây dựng cơ bản dở dang gần 2.000 tỷ đồng, giảm 1.300 tỷ so với đầu năm.

Lượng tiền, tương đương tiền, tiền gửi ngân hàng và đầu tư vào trái phiếu hơn 1.832 tỷ, song song đó là danh mục cổ phiếu giá trị gần 1.000 tỷ đồng, chủ yếu là khoản đầu tư vào cổ phiếu TPB của Ngân hàng TPBank. Như đã đề cập, nhóm Bamboo Capital đã mua 30 triệu cổ phiếu TPB trong đợt TPBank chào bán riêng lẻ 100 triệu cổ phiếu với mức giá 33.000 đồng/cp, tức bỏ ra 990 tỷ đồng. 

Khoản đầu tư này tới ngày 30/6 chỉ còn ghi nhận mức lãi 100 tỷ đồng so với mức 670 tỷ hồi đầu năm. 

 Danh mục đầu tư chứng khoán của BCG không thay đổi so với đầu năm. (Nguồn: Thuyết minh BCTC quý II của BCG).

Danh mục đầu tư vào công ty liên doanh, liên kết của BCG cũng xuất hiện thêm nhiều cái tên, trong đó vốn nhiều nhất rót vào CTCP Đầu tư Thương mại Dịch vụ Gia Khang (hơn 1.000 tỷ đồng), chiếm 41% trong tổng 2.400 tỷ vốn rót vào các công ty liên doanh liên kết.

Ở phía nguồn vốn, tổng nợ đi vay của BCG hơn 14.242 tỷ đồng, giảm 900 tỷ sau một quý, đa số là vay dài hạn. Trong đó dư nợ trái phiếu tính đến cuối kỳ gần 8.800 tỷ đồng, tăng thêm 1/3 so với đầu năm nhưng giảm 200 tỷ so với cuối quý I.

Nửa đầu năm, doanh nghiệp vay thêm gần 5.220 tỷ đồng đồng thời cũng trả nợ gốc vay khoảng 3.336 tỷ.

Vốn chủ sở hữu của BCG đạt trên 13.700 tỷ đồng, trong đó vốn cổ phần là 5.033 tỷ đồng do trong kỳ doanh nghiệp đã phát hành gần 148 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu và 57 triệu cổ phiếu cho nhà đầu tư riêng lẻ.

Tổng nợ trên vốn chủ sở hữu đã giảm từ mức 3,51 lần tại cuối năm 2021 xuống còn 2,24 lần tại cuối tháng 6 năm nay. Theo kế hoạch, BCG sẽ giảm tỷ lệ này xuống dưới 2 lần và lý tưởng là chỉ còn 1 – 1,5 lần.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm