Sáng 30-7, Học viện Cán bộ TP.HCM phối hợp cùng cơ quan thường trực Tạp chí cộng sản tại miền Nam tổ chức hội thảo khoa học về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM theo tinh thần Nghị quyết 54/2017.
Toàn cảnh hội thảo. Ảnh: LÊ THOA
Khen thưởng chuyên gia nước ngoài cũng cần... xác minh nhà ở
Tại hội thảo, nhiều chuyên gia, đại biểu bày tỏ bày tỏ quan tâm đến chính sách thu hút chuyên gia, người tài cho TP.
Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Khu công nghệ cao TP.HCM, cho biết trong năm năm qua, trung tâm đã thu hút được bốn chuyên gia nước ngoài về làm việc.
Trước luồng dư luận cho rằng TP.HCM thu hút được ít chuyên gia, TS Thành cho rằng cần thu hút cho chắc và đúng.
Theo ông Thành, trong các chuyên gia mà Trung tâm nghiên cứu và phát triển thu hút về cho TP.HCM thì có hai chuyên gia đến từ Nhật Bản làm việc trong vòng ba năm. Ông cho biết với cơ chế ở thời điểm này thì chuyên gia có thể hưởng mức lương ban đầu “maximum” là 150 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên mỗi tháng chuyên gia qua Việt Nam một lần, mỗi lần ở 10 ngày nên được trả 50 triệu đồng/tháng, bao gồm tiền ở lại khách sạn và mọi chi phí.
Ông Ngô Võ Kế Thành, Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển, Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA
Qua ba năm làm việc, vị chuyên gia Nhật Bản đã mang đến ba kết quả được lãnh đạo TP công nhận. Gồm công nghệ để triển khai hệ thống cảnh báo ngập cho TP; xây dựng phòng thí nghiệm hiện đại nhất và duy nhất cả nước về bán dẫn với kinh phí ban đầu là 70 tỉ USD, dự án hợp tác quốc tế với Úc và Nhật Bản.
Tuy nhiên, ông Thành cho biết qua thời gian cơ chế thu hút chuyên gia đã thay đổi với mô hình mới được tính bằng hệ số lương. Cụ thể, lương của chuyên gia được tính từ hệ số lương, mức lương cơ bản và trừ đi 20% thuế của người nước ngoài thì còn khoảng 13 triệu đồng.
Ông cũng thông tin thêm cơ chế khen thưởng cho chuyên gia nước ngoài cũng có nhiều vướng mắc. “Trong quy chế khen thưởng, chúng ta yêu cầu xác minh địa chỉ nhà ở, trong khi đó chuyên gia chỉ ở khách sạn, làm gì có nhà ở” – ông Ngô Võ Kế Thành nói và cho biết kể cả việc “xin” Huy hiệu TP.HCM cho chuyên gia cũng cần phải xác minh nhà ở.
Do đó, ông kiến nghị cần có cơ chế đặc thù hơn cho việc thu hút chuyên gia theo cơ chế thị trường, đúng với các giá trị mà chuyên gia mang lại. Đồng thời nghiên cứu thương mại hoá kết quả sản phẩm mà chuyên gia làm được và chia tỉ lệ cho chuyên gia.
“Chúng ta lấy khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm kim chỉ nam để phát triển mà vướng như thế thì không được” - ông Ngô Võ Kế Thành nhìn nhận.
Cần cơ chế đặc thù cho quỹ đầu tư phát triển
Về vấn đề này, bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM, nhìn nhận phải thay đổi chính sách thu hút chuyên gia, người tài; làm sao để “không được hơn cái cũ thì ít nhất phải bằng cái cũ chứ không nên sụt quá”.
Còn ông Nguyễn Anh Tuấn, Sở QH-KT TP.HCM, nhìn nhận TP có nhiều đề án hay, đột phá nhưng cơ chế giải ngân chậm, gây khó cho nhà nghiên cứu. “Một đề án vài trăm triệu nhưng mất vài năm mới giải ngân được, đó là nghịch lý lớn về nguồn lực chất xám cho TP” – ông Tuấn nêu.
Ông đề xuất TP cần có cơ chế đặc thù về một quỹ nghiên cứu đầu tư phát triển, với sự tham gia về tài chính của nhà nước và các tập đoàn đầu tư tư nhân.
Ông dẫn chứng, TP có thể thuê một chuyên gia rất giỏi của Singapore, kinh nghiệm về phát triển đô thị, đường sắt, nhà ở…, trả đúng với mức lương thị trường quốc tế.
“Chỉ cần với một ý tưởng, họ có thể mang lại giá trị là những khu đô thị trị giá hàng tỉ USD” – ông Tuấn khẳng định.
Cần có chế độ thu nhập riêng cho cán bộ trẻ Tại hội thảo, ĐB Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP.HCM, cho rằng chính sách thu nhập tăng thêm cho cán bộ TP.HCM còn nhiều bất cập. ĐB Lê Minh Đức, Phó Trưởng ban Pháp chế, HĐND TP.HCM. Ảnh: LÊ THOA Theo ĐB Đức, với Nghị quyết 54, hệ số điều chỉnh tăng thu nhập là 1,8 lần nhưng thời gian qua TP chỉ tăng cao nhất là 1,2; chưa kể nghị quyết lại không áp dụng cho các cán bộ, công chức ngành dọc ở toà án, viện kiểm sát, thi hành án… khiến nhiều cán bộ ra đi, chia tay với ngành. Tỉ lệ tăng thu nhập đối với cán bộ trẻ thấp, không bù đắp được các chi phí trượt giá trong xã hội. ĐB Đức đề xuất cần có chế độ riêng về tăng thu nhập cho cán bộ trẻ có hệ số lương dưới 3.0. “Chuyên viên chính bậc I có thu nhập một tháng gấp đôi cán bộ trẻ, chênh lệch quá lớn, không tạo động lực cho cán bộ trẻ phát huy” - ông Đức phân tích. |