Phần lớn cho rằng bệnh liên quan đến xương khớp chỉ gặp ở người già hoặc những người làm công việc nặng nhọc. Tuy nhiên theo các chuyên gia, đây là chứng bệnh đe dọa sức khỏe người trẻ, đặc biệt là những đối tượng làm việc văn phòng ít vận động. Do đặc thù công việc, họ thường phải ngồi liên tục một chỗ và bị hạn chế vận động trong suốt một ngày.
Trong khi đó, ít vận động là nguyên nhân khiến dân văn phòng có nguy cơ bị loãng xương sớm hơn so với trước đây. Một số người chủ quan cho rằng mình còn trẻ nên không chú ý đến vấn đề này. Khi bệnh đã tiến triển và có những dấu hiệu rõ rệt thì hậu quả không hề đơn giản.
Bên cạnh thói quen vận động, chế độ ăn cũng ảnh hưởng đến sức khỏe xương của chúng ta. Nhiều người biết đến "ăn để bổ xương" nhưng ít ai biết rằng ăn sai cách cũng có thể khiến xương gặp nguy hiểm.
Về vấn đề dinh dưỡng có hại cho xương, Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Phương Anh - Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch đã có lời giải đáp, cụ thể như sau:
Thạc sĩ, Bác sĩ Nguyễn Phương Anh - Giảng viên bộ môn Dinh dưỡng và An toàn thực phẩm Trường Đại học Y Khoa Phạm Ngọc Thạch
Bào mòn xương là gì?
Bào mòn xương hay tên khoa học là loãng xương, là tình trạng mà mật độ các chất dinh dưỡng trong xương ngày càng thưa dần, dẫn đến tình trạng trạng xốp xương, xương trở nên giòn hơn và dễ gãy hơn dù chỉ là một va chạm nhẹ.
Mô xương được cấu tạo bởi hai chất chính là protein và chất khoáng. Trong đó, protein chiếm ⅓ trọng lượng xương, chủ yếu là collagen với vai trò tạo khung nền cho các khoáng chất bám vào. Chất khoáng chiếm 2/3 trọng lượng còn lại.
Các chất khoáng chính trong xương là canxi, photpho, magie, fluor… gắn trên mạng lưới collagen. Do vậy, bất kỳ cơ chế nào làm hao hụt hàm lượng collagen hoặc khoáng chất trong xương sẽ dẫn đến tình trạng bào mòn xương.
Thực ra không có một thức ăn đặc biệt nào có thể gây ra tình trạng bào mòn xương, chính chế độ ăn không hợp lý mới là nguyên nhân dẫn đến tình trạng này. Sau đây là những chế độ ăn có nguy cơ gây loãng xương:
Hình minh họa. Ảnh: Internet
Chế độ ăn có nguy cơ gây bào mòn xương
1. Chế độ ăn thiếu canxi
Trong cơ thể, 99% canxi được dự trữ ở xương và 1% còn lại hiện diện trong máu dưới dạng ion. Điểm đáng lưu ý là nồng độ canxi trong máu cần được duy trì ở mức ổn định để đảm bảo các chức năng sống được duy trì bình thường.
Do vậy, bất kì lý do nào làm hạ canxi máu như tăng nhu cầu canxi trong giai đoạn thai nghén hoặc khẩu phần ăn thiếu canxi, cơ thể sẽ tự điều hòa bằng cách tăng huy động canxi từ xương. Nếu quá trình này kéo dài, đặc biệt sau 40 tuổi khi mà quá trình hủy xương chiếm ưu thế hơn quá trình tạo xương, thì hiện tượng bào mòn xương sẽ diễn ra.
Các nghiên cứu cho thấy, chế độ ăn thông thường chỉ cung cấp khoảng 50% nhu cầu canxi, 50% nhu cầu còn cần được bổ sung qua sữa và chế phẩm từ sữa. Do vậy, chế độ ăn thiếu các thực phẩm giàu canxi như tôm tép nhỏ ăn cả vỏ, cá nhỏ ăn cả xương… đặc biệt là váng sữa và các chế phẩm sữa chính là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến tình trạng bào mòn xương.
2. Chế độ ăn thiếu năng lượng - protein
Các nghiên cứu cho thấy những người có trọng lượng cơ thể thấp có nguy cơ loãng xương cao hơn so với những người có trọng lượng cơ thể bình thường. Nguyên nhân là các chế độ ăn nghèo nàn này cung cấp không đủ nguyên liệu cho quá trình tạo xương như protein, canxi, magie…
Không chỉ riêng những người suy dinh dưỡng mà những người đang thực hiện chế độ ăn giảm cân quá đà cũng có nguy cơ bị bào mòn xương cao. Do vậy, duy trì trọng lượng cơ thể trong ngưỡng khỏe mạnh cũng như thực hiện chế độ giảm cân khoa học cũng là phòng ngừa cho tình trạng bào mòn xương.
Hình minh họa. Ảnh: Internet
3. Chế độ ăn quá nhiều protein
Trong cơ thể, protein có vai trò cung cấp nguyên liệu cho cấu trúc cơ thể hoặc tạo các men nội ngoại bào. Tuy nhiên, khi hàm lượng protein trong khẩu phần quá cao, đặc biệt kết hợp với khẩu phần thiếu hụt chất bột đường và chất béo thì protein được dùng để tạo năng lượng và quá trình này lại sản sinh các chất chuyển hóa chứa nitơ.
Điểm đáng quan ngại là việc thải bỏ các chất chuyển hóa này ra ngoài qua nước tiểu sẽ kéo theo canxi, làm hao hụt nguồn canxi dự trữ trong xương. Hàm lượng protein trong khẩu phần ở người trưởng thành khỏe mạnh nên duy trì trong ngưỡng 0.8-1.2 g/cân nặng/ngày.
Ngoài ra, chế độ ăn nhiều muối, thói quen bia rượu, thuốc lá, lối sống tĩnh tại, ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời... cũng góp phần không nhỏ trong việc bào mòn xương.
Tóm lại không có một thức ăn đặc biệt nào có thể gây ra tình trạng bào mòn xương mà nguyên nhân là các chế độ ăn không phù hợp như thiếu canxi, thiếu năng lượng-protein hay lại quá giàu protein… Để phòng ngừa tình trạng bào mòn xương, cần kết hợp chế độ ăn khoa học và chế độ vận động thích hợp.