Giá BĐS bị "thổi" qua miệng cò đất
Còn nhớ, mạng xã hội từng xôn xao về clip bán đất nền của một công ty BĐS trên địa bàn huyện Lộc Ninh, Bình Phước. Theo đó, clip dài khoảng 4 phút ghi lại ở một bãi đất trống, bên cạnh con đường có hàng chục chiếc ô tô đang đậu. Một số nhân viên của công ty BĐS mặc vest cầm cặp da và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ) chạy đi chạy lại thông báo chốt cọc với một MC. Nhân viên công ty BĐS liên tục từ khu lều bạt chạy đến chỗ MC nói "lô 4, lô 5, lô 13, lô 19, 29... khách đặt cọc rồi"; "lô 26,27 cọc luôn"... Sau đó MC thông báo lại lên loa lô đã chốt cọc.
Trong khi đó, đại diện lãnh đạo huyện Lộc Ninh khẳng định chưa có bất kỳ dự án khu dân cư nào được cấp phép mở bán. Việc nhóm người của công ty BĐS giới thiệu là "Dự án Lộc Khánh" để bán đất cho người dân là chưa đúng với thực tế. Sau khi chính quyền vào cuộc, UBND huyện Lộc Ninh ra quyết định xử phạt hành chính công ty BĐS này 100 triệu đồng vì vi phạm kinh doanh dịch vụ môi giới BĐS.
Cũng mới đây một clip hàng trăm người tập trung ở một khu đất tại thôn Hà Xá, xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị để "chốt" đất xuất hiện trên mạng xã hội, tiếp tục khiến dư luận xôn xao. Trong clip này nhiều người tập trung trên con đường bê tông, nằm sâu trong một khu vực đồi núi thấp, rải rác xung quanh là lăng mộ và rừng cây, bên cạnh một khu đất trống đã được san nền, cắm mốc bằng cọc bê tông. Các dãy xe máy, ô tô đậu kín cả một đoạn đường. Sau đó, một môi giới đọc to: "A lô, lô số 479…" rồi ngừng lại để chờ người chốt. Tiếp đó, cứ vài phút người đọc lại ra giá, cao nhất là 790 triệu đồng/lô và thấp nhất là 650 triệu đồng/lô. Và nhanh chóng chỉ sau hơn 2 giờ đồng hồ toàn bộ 12 lô đất đã có khách chốt. Đáng nói, hầu hết những người có mặt trong clip, đều là "cò đất", muốn mua đất để bán lại, hưởng lợi nhanh.
Hay, cuối năm 2021, sốt đất hoành hành nhiều nơi ở Nghệ An-Hà Tĩnh, không phải do nhu cầu thực tế của người dân và doanh nghiệp, mà do các chiêu trò "tạo sóng", "thổi giá" của giới cò đất.
Thực tế thị trường bất động sản thời gian qua hai tỉnh này biến động liên tục, người dân rỉ tai nhau một số người thu lợi "khủng" từ đất đai, đồng thời cũng có không ít người phá sản, vỡ nợ vì "ôm" đất, chết vốn không bán được.
Chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Mạnh Khởi - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường BĐS (Bộ Xây dựng) cho biết tình trạng sốt đất có nhiều nguyên nhân, trong đó có việc môi giới kích giá, đẩy giá để làm "nóng" thị trường.
Một số chuyên gia cho rằng, việc cạnh tranh không lành mạnh trong lĩnh vực bất động sản đã tồn tại từ lâu nay. Chẳng hạn, một cá nhân thông qua pháp nhân doanh nghiệp, vẫn có thể thao túng cả thị trường nhà đất của một xã, thậm chí là một huyện, khiến giá đất tăng ảo trong khi hạ tầng cơ sở không hề có thay đổi, dẫn đến "loạn" quy hoạch, đồng thời thiệt hại cũng chính là những người dân "ôm hàng" sau thổi giá.
Biện pháp hữu hiệu: Sửa luật, quản lý chặt từ địa phương?
Bộ Xây dựng đã có nhiều văn bản gửi các địa phương. Từ đó đề nghị các địa phương tăng cường kiểm tra giám sát xử lý. Để các nhà môi giới không lợi dụng làm nóng thị trường lên thì phải công khai thông tin một cách kịp thời", ông Khởi nhấn mạnh.
Theo ông Khởi, các môi giới thường lợi dụng thông tin chưa rõ ràng, chưa chính xác để kích giá. Vì vậy, cần đẩy nhanh cung cấp thông tin công khai, đảm bảo cho người dân, khách hàng tiếp cận được thông tin chính xác, biết được chỗ nào làm đúng, chỗ nào có cơ sở pháp lý, chỗ nào làm sai...
Vừa qua, Nghị định 16/2022/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 16) "Quy định xử phạt hành chính về xây dựng" chính thức có hiệu lực từ ngày 28/1. Nghị định 16 thay thế Nghị định 139/2017/NĐ-CP (năm 2017) của Chính phủ và Nghị định 21/2020/NĐ-CP (năm 2020) của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 139 trong đó quy định hàng loạt hành vi vi phạm môi giới BĐS bị xử phạt hành chính, tăng mức nặng xử lý môi giới vi phạm.
Cũng theo ông Khởi, Bộ Xây dựng đang trình Chính phủ sửa đổi Nghị định 117 về xây dựng, quản lý và sử dụng hệ thống thông tin về nhà ở và thị trường BĐS. Trong đó có những quy định cho các địa phương cung cấp thông tin để làm sao liên thông từ địa phương lên Bộ, từ đó có những cung cấp thông tin kịp thời hơn, chính xác hơn.
"Quan trọng nhất là thông tin phải nhanh chóng. Trong đó tối thiểu có những thông tin về quy hoạch dự án, dự án đủ điều kiện được bán. Cùng với đó sẽ có những quy định quản lý chặt chẽ hơn các nhà môi giới", ông Khởi nhấn mạnh.
Mới đây, Chính phủ thống nhất xây dựng Luật Nhà ở (sửa đổi) và Luật kinh doanh BĐS (sửa đổi), sẽ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ tư, tháng 10/2022. Trong đó, đối với Luật Kinh doanh bất động sản, Chính phủ yêu cầu hoàn thiện các chính sách về kinh doanh bất động sản phải bảo đảm nguyên tắc thị trường, tránh phát sinh thủ tục, chi phí cho giao dịch bất động sản, trong đó lưu ý đánh giá kỹ về các điều kiện kinh doanh, giao dịch qua sàn, môi giới bất động sản, tín dụng, thuế, phí,… để điều tiết thị trường, tránh tạo thêm thủ tục, trung gian, ảnh hưởng tới quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp, quyền sở hữu của người dân đã được pháp luật bảo hộ, tạo lập khung khổ pháp lý cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, ổn định.
Chia sẻ trên báo chí, ông Nguyễn Văn Đính - Chủ tịch Hội môi giới BĐS Việt Nam cũng cho rằng, các Bộ luật liên quan đến đầu tư kinh doanh phát triển đã hoàn thiện nhưng thị trường phát triển nhanh, có những điểm không còn phù hợp nữa và chúng ta đang chậm trễ. Hoạt động kinh doanh thu hút đầu tư rất cao, các dự án bất động sản tại đây thì vẫn còn hạn chế về nguồn cung. Cầu cao cung thấp thì đẩy giá rất cao.