Xã hội

Bắc Giang, Bắc Ninh hợp nhất thành "siêu tỉnh công nghiệp"

Tóm tắt:
  • Hợp nhất Bắc Ninh và Bắc Giang tạo thành "siêu tỉnh công nghiệp" có vai trò lớn.
  • Bắc Ninh mới có diện tích trên 4.718 km², dân số trên 3,6 triệu, nằm trong nhóm dẫn đầu kinh tế Việt Nam.
  • Các tỉnh hợp nhất sẽ mở rộng không gian phát triển, khai thác tiềm năng về vị trí, văn hóa, nguồn lực.
  • Bắc Ninh mới nằm trong vùng kinh tế trọng điểm, kết nối các trung tâm lớn và hành lang kinh tế xuyên Á.
  • Quá trình hợp nhất dự kiến hoàn tất tháng 5/2025, tạo cơ hội lớn cho phát triển thương mại, công nghiệp và đô thị.

Công nhân lao động làm việc tại Công ty TNHH Deli Việt Nam, Khu công nghiệp Yên Phong, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Thanh Thương- TTXVN

Thực hiện Nghị quyết số 60-NQ/TW, ngày 12/4/2025 của Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, tỉnh Bắc Ninh và tỉnh Bắc Giang hợp nhất, lấy tên là tỉnh Bắc Ninh, trung tâm chính trị - hành chính đặt tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang hiện nay.

Khi hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ có vai trò, vị thế rất lớn, trở thành một “siêu tỉnh công nghiệp” do hợp nhất hai “thủ phủ công nghiệp” của miền Bắc trước đây, hình thành một trong những trung tâm kinh tế hàng đầu của cả nước trong thời gian tới.

Sau khi sắp xếp, tỉnh Bắc Ninh (mới) có diện tích tự nhiên trên 4.718 km2 và quy mô dân số trên 3,6 triệu người. Đáng chú ý, năm 2024 quy mô kinh tế (GRDP) của tỉnh Bắc Giang đạt trên 207.000 tỷ đồng và của tỉnh Bắc Ninh đạt trên 232.000 tỷ đồng, đều thuộc nhóm các tỉnh, thành phố dẫn đầu cả nước. Với quy mô kinh tế này, tỉnh Bắc Ninh (mới) sẽ có quy mô GRDP đứng thứ 5 cả nước, chỉ sau Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Đồng Nai.

Đều nằm trong vùng Kinh Bắc xưa, có nhiều nét tương đồng, đậm đặc giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, cách mạng, việc hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh sẽ mở rộng không gian phát triển, tạo điều kiện thuận lợi để khai thác tiềm năng, lợi thế về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, lịch sử, văn hóa, xã hội, nguồn nhân lực của hai địa phương. Đây cũng chính là thời cơ, động lực để tỉnh Bắc Ninh (mới) bứt phá, vươn mình trong phát triển kinh tế - xã hội của kỷ nguyên mới.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nguyễn Văn Gấu khẳng định, 2 tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang có nhiều nét tương đồng về phong tục, tập quán, văn hóa do có lịch sử hình thành, gắn bó lâu dài. Sau khi hợp nhất, tỉnh Bắc Ninh (mới) với dư địa, tiềm năng và tương lai phát triển của tỉnh Bắc Ninh mới là rất lớn.

Bí thư Tỉnh ủy Bắc Ninh Nguyễn Anh Tuấn cho biết, hiện nay tỉnh Bắc Ninh đang điều chỉnh quy hoạch tỉnh để phục vụ cho xây dựng sân bay và đường kết nối sân bay Nội Bài, Thủ đô Hà Nội. Hai tỉnh cần phối hợp để điều chỉnh quy hoạch tỉnh tạo sự thống nhất, kết nối giữa hai địa phương khi hợp nhất tạo sự thống nhất, liên thông, đồng bộ hạ tầng quy hoạch…

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Nguyễn Việt Oanh, việc thành lập tỉnh Bắc Ninh mới trên cơ sở hợp nhất địa giới hành chính tỉnh Bắc Ninh với tỉnh Bắc Giang sẽ tạo thế và lực mới trong việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội; là điều kiện để tạo sự thay đổi về cơ cấu sản xuất; cơ cấu ngành nghề; tổ chức sinh hoạt xã hội; tổ chức không gian kiến trúc xây dựng; thu hút nguồn lực đầu tư; phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ.

Tỉnh Bắc Ninh mới sẽ nằm ở vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, trong tam giác kinh tế Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh và là cửa ngõ phía Đông Bắc của Thủ đô Hà Nội, trên tuyến hành lang kinh tế lớn Lạng Sơn - Hà Nội - Thành phố Hồ Chí Minh cùng với hành lang xuyên Á quan trọng từ Nam Ninh đến Singapore.

Tỉnh Bắc Ninh mới sẽ cùng với Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh tạo thành chuỗi liên hoàn, có vai trò là trọng tâm, nòng cốt phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và vùng Đông Bắc Việt Nam, đồng thời tạo liên kết phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ và cung ứng, tiêu thụ sản phẩm hàng hóa lớn trên toàn quốc và thế giới.

Tỉnh Bắc Ninh mới cũng sẽ có điều kiện về tài nguyên thiên nhiên để mở rộng không gian, phạm vi quy hoạch, tăng cường thu hút đầu tư, kiến thiết, xây dựng các công trình, dự án, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội mang tầm cỡ trong khu vực; góp phần tăng thu ngân sách, giảm đầu tư công trong xây dựng hạ tầng giao thông và phát triển đô thị.

Tỉnh mới Bắc Ninh sẽ phát huy vai trò là cửa ngõ, trung tâm kinh tế, văn hóa lớn ở phía Đông Bắc của vùng Thủ đô Hà Nội, có vị trí, vai trò chiến lược quan trọng về an ninh quốc phòng của quốc gia, đồng thời cũng là điều kiện để trở thành trung tâm tiếp vận, cung ứng, trung chuyển, sản xuất hàng hóa của Việt Nam và thế giới.

Tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh hiện nay đều là các trung tâm công nghiệp lớn, “thủ phủ công nghiệp” ở miền Bắc, nơi có nhiều nhà máy sản xuất của các tập đoàn hàng đầu thế giới. Hai tỉnh hợp nhất cũng là điều kiện tốt để tỉnh mới trở thành một những công xưởng sản xuất quy mô lớn của Việt Nam và thế giới, tránh được tình trạng sản xuất manh mún, nhỏ lẻ, tự phát, thiếu quy hoạch.

Đồng thời, là động lực để xây dựng, quy hoạch, mở rộng hệ thống giao thông kết nối, liên hoàn Côn Minh-Lào Cai-Hà Nội-Bắc Ninh-Hải Phòng-Quảng Ninh; Nam Ninh-Lạng Sơn-Bắc Ninh-Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh…

Hiện nay, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng Đề án và đang tích cực phối hợp với tỉnh Bắc Ninh (cũ) tích cực triển khai thực hiện các nội dung công việc đảm bảo tiến độ, thời gian theo kế hoạch việc hợp nhất hai tỉnh theo chỉ đạo của Trung ương.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Bắc Giang Nguyễn Văn Phương, theo kế hoạch, dự kiến ngày 20/4/2025 tỉnh sẽ tổ chức lấy ý kiến người dân về việc hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh và dự kiến đến ngày 1/5/2025, hồ sơ hợp nhất tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh sẽ trình Trung ương.

Hội đồng nhân dân tỉnh Bắc Giang cũng đã dự kiến tổ chức kỳ họp thứ 27 (kỳ họp chuyên đề) để xem xét, thông qua các nghị quyết về Đề án sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã trên địa bàn tỉnh Bắc Giang và Đề án sắp xếp, sáp nhập tỉnh Bắc Giang và tỉnh Bắc Ninh vào ngày 25/4/2025…

Tại cuộc tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV mới đây tại tỉnh Bắc Giang, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình đánh giá, sau khi hợp nhất hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh mới sẽ có quy mô kinh tế đứng thứ 5 cả nước, đồng thời quy hoạch đến năm 2030 xây dựng Bắc Ninh mới trở thành đô thị thông minh, thành phố trực thuộc Trung ương. Do đó, tỉnh Bắc Ninh mới sẽ có dư địa phát triển rất lớn, với những công trình tầm cỡ như sân bay quốc tế Gia Bình, các tuyến đường cao tốc kết nối, các khu công nghiệp tập trung lớn -  nơi đặt cứ điểm sản xuất của các tập đoàn hàng đầu của thế giới...

Tỉnh Bắc Giang hiện nay có diện tích tự nhiên 3.895,89 km2, dân số trên 2,057 triệu người. Toàn tỉnh có 16 khu công nghiệp và 55 cụm công nghiệp đã được thành lập, tổng diện tích 6.013 ha, đã giải quyết việc làm cho 342.000 lao động. Theo quy hoạch đã được phê duyệt, đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang có tổng số 29 khu công nghiệp với tổng diện tích khoảng 7.000 ha.

Trong khi đó, tỉnh Bắc Ninh (cũ) là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam, diện tích tự nhiên 822,71 km2, dân số trên 1,561 triệu người. Tỉnh Bắc Ninh (cũ) là điểm đến được các tập đoàn lớn trong ngành công nghiệp điện tử, bán dẫn của thế giới lựa chọn như Samsung, Amkor, Foxconn, Canon, Goertek... Đến nay, tỉnh Bắc Ninh (cũ) có 16 khu công nghiệp, 31 cụm công nghiệp với tổng diện tích trên 6.397 ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 61,07%.

Các tin khác

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

VietinBank 5 năm liên tiếp là ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam

VietinBank tự hào được vinh danh “Ngân hàng SME tốt nhất Việt Nam” trong 5 năm liên tiếp, khẳng định vị thế tiên phong trong việc hỗ trợ và đồng hành cùng doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tại Việt Nam. VietinBank không ngừng đổi mới và cung cấp các giải pháp tài chính tối ưu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của khách hàng doanh nghiệp.

Miền Bắc, miền Trung nắng nóng đỉnh điểm

Hôm nay và ngày mai (21-22/4) là đỉnh điểm đợt nắng nóng đang diễn ra ở các tỉnh miền Bắc và miền Trung với nhiệt độ dự báo cao nhất miền Bắc từ 35-37 độ, miền Trung 36-38 độ. Nhiệt độ thực tế có thể cao hơn 2-4 độ. Chỉ số tia UV ở ngưỡng rất có hại. Các khu vực khác trên cả nước hôm nay cũng chìm trong nắng nóng.

Giá vàng đồng loạt giảm mạnh

Sáng nay (20/4), cả vàng SJC và vàng nhẫn đều giảm mạnh, bằng giá nhau ở mốc 114 triệu đồng/lượng. Hiện, giá vàng, trong nước vẫn cao hơn thế giới hơn 9 triệu đồng/lượng.

Sắp diễn ra Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động”

Vào lúc 8 giờ sáng 20/4, tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, sẽ diễn ra Hội thảo “Phòng chống đột quỵ: Từ lý thuyết đến thực tế hành động”. Hội thảo do Báo Tiền Phong và Đại học Quốc tế Hồng Bàng phối hợp tổ chức, quy tụ các chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực đột quỵ, tim mạch trên cả nước.

Thủ tướng: Việt Nam sẽ trở thành trung tâm hàng không khu vực

Sau 20 tháng thi công thần tốc, nhà ga hành khách T3 - Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, TPHCM chính thức khánh thành và đi vào vận hành từ hôm nay (19/4). Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, việc hai dự án hạ tầng nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và dự án sân bay Long Thành hoàn thành sẽ đưa Việt Nam trở thành trung tâm hàng không khu vực, tạo động lực phát triển, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.