Thời sự

Ba yếu tố thổi bùng đám cháy rừng ở Sa Pa

Trước đó, khoảng 13h40 ngày 19/2, một đám cháy bùng phát tại khu vực đồi cỏ và rừng trồng tại Tiểu khu 286, khu vực Nà Háng của Vườn Quốc gia Hoàng Liên (thôn Séo Mý Tỷ, xã Tả Van, thị xã Sa Pa), sau đó bùng phát dữ dội và lan nhanh ra nhiều khu vực khác.

Đến sáng nay (22/2), đám cháy cơ bản được khống chế, cơ quan chức năng đang thống kê thiệt hại. Theo ước tính đến 17h chiều 21/2, khoảng 30ha rừng bị thiêu rụi hoàn toàn, chủ yếu là rừng nghèo phục hồi sau cháy năm 2012 và rừng trồng thay thế.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng - Trưởng phòng Dự báo Khí tượng Thuỷ văn Quốc gia, điều kiện thời tiết bất thường những ngày qua ở Sa Pa đã khiến đám cháy bùng phát nhanh và lan rộng.

Ba yếu tố thổi bùng đám cháy rừng ở Sa Pa - Ảnh 1.

Sa Pa có nhiệt độ tăng cao bất thường những ngày qua khiến đám cháy lan nhanh và rộng. Ảnh: Hân Nguyễn.

Đầu tiên là nhiệt độ tăng cao do ảnh hưởng của hoàn lưu của vùng áp thấp nóng phía Tây. Những ngày qua, khu vực Tây Bắc Bộ, trong đó có Vườn Quốc gia Hoàng Liên trải qua nhiệt độ cao bất thường, nhiều nơi thậm chí còn xuất hiện nắng nóng trên 35 độ C. Riêng tại Sa Pa, trong khoảng 5 - 7 ngày gần đây, nhiệt độ tăng đột ngột lên mức 22 - 23 độ C.

Lượng mưa những ngày qua ở Tây Bắc Bộ cũng rất thấp. Tính từ cuối tháng 1 đến đến nửa cuối của tháng 2/2024, khu vực Sa Pa và toàn Tây Bắc Bộ chỉ ghi nhận lượng mưa rất nhỏ, thấp hơn trung bình hàng năm từ 15-20mm. Trời hanh khô do độ ẩm xuống mức rất thấp, dưới 60%, nhiều thời điểm xuống dưới 40%.

Đặc biệt, cơ quan khí tượng đo được gió rất mạnh. Đây là loại gió địa phương Ô Quý Hồ. Tại độ cao 1.900m, tốc độ gió đo được ở Điện Biên với độ cao tương đương là 11-13m/s, mạnh như gió cấp 6.

Theo ông Hưởng, từ ngày 23/2, nguy cơ cháy rừng sẽ giảm khi có một khối không khí lạnh tràn xuống, gây mưa rải rác. Tuy nhiên, vẫn cần duy trì cảnh báo và nỗ lực phòng cháy để đối mặt với tình hình thời tiết khó lường.

Năm 2024, nắng nóng được nhận định đến sớm và gay gắt hơn trung bình nhiều năm. Tại Đông Nam Bộ nắng nóng đã xuất hiện ngay từ tháng 1, gia tăng vào tháng 2, một số ngày xuất hiện nắng nóng gay gắt trên 37 độ C.

Trong khi đó, tại Tây Bắc Bộ và vùng núi phía Tây của các tỉnh từ Thanh Hoá đến Thừa Thiên Huế đã ghi nhận nắng nóng cục bộ trên 35 độ ngay từ tháng 2. Dự báo nắng nóng ở khu vực này năm nay sẽ gay gắt hơn trung bình nhiều năm.

Cùng chuyên mục

Đọc thêm