Ngày 22-2, trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một lãnh đạo cục Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cho biết có nhận công thư của Cơ quan Kiểm dịch động thực vật, Bộ Nông nghiệp và Chăn nuôi Brazil (MAPA) về việc dừng nhập khẩu cá rô phi (tilapia) từ Việt Nam.
Thời gian dừng nhập từ ngày 14-2 đến khi có kết luận rà soát rủi ro bệnh do vi rút TiLV. (Virus Tilapia lake - bệnh mới, lây lan qua hoạt động vận chuyển cá rô phi giống từ nước này sang nước khác).
"Sau khi có thông báo dừng nhập, nhiều cơ sở chế biến thủy sản trong danh sách xuất khẩu sang Brazil cũng đã dừng xuất khẩu cá rô phi. Tuy nhiên, phía cục cũng đề nghị các cơ sở chế biến thủy sản cần chủ động cập nhật, nghiên cứu và tổ chức thực hiện đúng quy định trong quá trình sản xuất, chế biến khi xuất khẩu sang thị trường này", vị này nói.
Cá rô phi đông lạnh là sản phẩm được ưa thích của người tiêu dùng Mỹ. Còn Trung Quốc là nguồn cung cá rô phi lớn nhất thế giới và cũng là nguồn cung lớn nhất cho Mỹ.
Cá rô phi Việt tại Mỹ khó cạnh tranh với cá rô phi Trung Quốc, vì giá trung bình của Việt Nam cao hơn nhiều dù đang có xu hướng giảm.
Lệnh dừng nhập cá rô phi sang thị trường "thành phố thiên đường" ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu thủy sản của doanh nghiệp. Ông Thái Anh Tuấn, doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản ở TP.HCM (chủ yếu cá rô phi, cá tra), cho rằng cần chuyển hướng thị trường.
Ông Tuấn chia sẻ: "Cá rô phi là một loài nuôi phát triển nhanh với sản lượng tăng. Cá từ Trung Quốc và Đài Loan nhiều nhất thế giới.
Kim ngạch xuất khẩu cá rô phi của chúng ta thấp nhưng gần đây có xu hướng tăng trưởng tốt. Vì vậy, nếu thị trường Brazil dừng, chúng tôi sẽ đánh sang các thị trường Nhật Bản, Bỉ, Ý, Anh…".
EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất cá rô phi Việt Nam năm 2023
Với cá rô phi Việt Nam, năm 2023, xuất khẩu cá rô phi đạt hơn 6 triệu USD sang các thị trường. Riêng EU là thị trường tiêu thụ nhiều nhất, với 2 triệu USD. Trong đó, Hà Lan đóng góp gần một nửa tổng xuất khẩu cá rô phi Việt sang EU, tiếp đến là thị trường Mỹ.