Xã hội

Bà Phạm Chi Lan: Việt Nam cần có FTA với bạn hàng lớn nhất

Tóm tắt:
  • Việt Nam đã ký 17 FTA nhưng thiếu Mỹ, thị trường lớn nhất.
  • Chính sách thuế Mỹ như "cú thức tỉnh" về thiếu FTA với Mỹ.
  • Không có FTA, Việt Nam phải dùng Quy chế tối huệ quốc (MFN) để giảm thuế.
  • Các nhà chuyên môn nhấn mạnh sự cần thiết của FTA Mỹ cho Việt Nam.
  • Ngành công nghiệp phụ trợ Việt vẫn yếu, hạn chế lợi ích từ các FTA.

Thông tin trên được bà Phạm Chi Lan nói tại tọa đàm "Hướng đi chiến lược của Việt Nam trước chính sách thuế mới của Mỹ" do tổ chức phi lợi nhuận President Club tổ chức chiều 21/4.

Bà nhìn nhận chính sách thuế đối ứng từ Mỹ là "cú thức tỉnh" cho kinh tế Việt Nam, khi thiếu vắng một hiệp định thương mại tự do (FTA) với thị trường xuất khẩu lớn nhất. Theo số liệu từ Cục Hải quan, Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ lượng hàng trị giá 119,5 tỷ USD và nhập từ thị trường này 15,1 tỷ USD năm 2024.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan phát biểu tại một hội thảo năm 2021. (Ảnh: Phương Ánh).

Bà Lan cho rằng quan hệ thương mại giữa Việt Nam và Mỹ chưa có nền tảng. Bởi trong khi Việt Nam ký 17 hiệp định thương mại tự do với hàng chục nước nhưng lại thiếu Mỹ. Khi không có FTA, muốn giảm thuế cho Mỹ, Việt Nam phải áp dụng Quy chế tối huệ quốc (MFN) trong Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

"Tức là dù lựa chọn các mặt hàng lợi thế của Mỹ để giảm thuế, chính sách MFN cũng áp dụng luôn cho tất cả thành viên khác trong WTO", bà Lan phân tích.

Chuyên gia kinh tế này cũng bày tỏ Việt Nam "chậm chân" trong đàm phán với thị trường Mỹ khi họ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) năm 2017, năm đầu tiên ông Trump nhậm chức trong nhiệm kỳ đầu.

"Trong nhiều yếu tố của một mối quan hệ, kinh tế là thước đo quan trọng nhất", bà Lan nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), nói việc ký kết một hiệp định thương mại tự do với Mỹ là cần thiết. Tuy nhiên, ông lưu ý một FTA sẽ cần phía Việt Nam đáp ứng minh bạch về quy tắc xuất xứ hàng hóa.

Ngoài vấn đề FTA, bà Lan chỉ ra rằng ngành công nghiệp phụ trợ của Việt Nam vẫn còn yếu.

Bà nhớ lại 30 năm trước, nhiều chuyên gia kinh tế đã bàn câu chuyện nâng ngành công nghiệp phụ trợ. Những tham vọng thoát khỏi gia công, bẫy thu nhập trung bình được đặt ra, nhưng ngành công nghiệp này đến nay chưa nhiều tiến triển. Điều đó dẫn đến lợi ích từ 17 FTA của Việt Nam thực chất là mang lại cho doanh nghiệp nước ngoài nhiều hơn là doanh nghiệp trong nước.

Các tin khác

Giá vàng thế giới tăng cao kỷ lục

Giá vàng tăng vọt lên mức cao kỷ lục, chạm mốc quan trọng 3.500 USD/ounce. Giới đầu tư tìm đến vàng là nơi trú ẩn an toàn giữa lúc Tổng thống Mỹ Donald Trump chỉ trích Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ Jerome Powell.

Tỷ phú Elon Musk lại nhận tin buồn

Sự sụt giảm mạnh về doanh số, lo ngại từ nhà đầu tư về hình ảnh thương hiệu và tác động từ chính trị đang phủ bóng lên tương lai của hãng xe điện Tesla.

Tài chính bí mật của nền kinh tế Vatican

Dù là quốc gia nhỏ nhất thế giới, Vatican lại sở hữu một nền kinh tế phức tạp, đa dạng và phần lớn bị che giấu sau bức màn kín đáo hàng thế kỷ. Từ các khoản đầu tư toàn cầu đến ngân hàng riêng gây tranh cãi, tài chính Vatican là một chủ đề khiến cả giới tài chính lẫn tín đồ tò mò. Bài viết này sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về cách Vatican kiếm tiền, chi tiêu và đối mặt với thách thức tài chính.

Thị trường có đang thiếu vàng?

Nhiều cửa hàng vàng ở cả Hà Nội và TP.HCM đều thông báo hết vàng miếng SJC, vàng nhẫn trơn các loại, vậy có phải thị trường đang khan hiếm vàng?

Tỷ phú giàu nhất Việt Nam xây siêu đô thị 2.870 ha với điện gió, biển hồ nước mặn lớn nhất thế giới, tháp tài chính top 10 thế giới… tham vọng sánh Dubai, Thượng Hải, Singapore

Vinhomes Green Paradise, siêu đô thị lấn biển Cần Giờ do tỷ phú Phạm Nhật Vượng khởi công ngày 19/4 không chỉ là dự án lớn nhất TP.HCM mà còn mang tham vọng trở thành “thiên đường nghỉ dưỡng, du lịch xanh, thông minh, sinh thái” đẳng cấp thế giới.