Báo cáo vừa công bố của CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) đề cập đến ba động lực tăng trưởng chính trong những tháng cuối năm gồm đầu tư công, đầu tư tư nhân và FDI.
Về đầu tư công, các chuyên gia tại đây nhấn mạnh dư địa còn lớn, kỳ vọng giải ngân 85 - 90% kế hoạch đầu năm.
Tại họp báo Chính phủ thường kỳ hôm 30/9, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết tính đến hết tháng 9, lượng giải ngân vốn đầu tư công khoảng 363.310 tỷ đồng, đạt 51,38% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2023 cả về số tương đối và số tuyệt đối.
Trong khi đó, năm 2022, tỷ lệ giải ngân sau 9 tháng là 46,7%. Như vậy, tỷ lệ giải ngân 9 tháng năm nay đã cao hơn cùng kỳ năm ngoái 4,68 điểm phần trăm. Nếu so về con số tuyệt đối, cao hơn 110.000 tỷ đồng.
Với kết quả này, Thứ trưởng nhấn mạnh rằng, đầu tư công 9 tháng chưa có năm nào vượt qua mức 50%, song năm nay đã vượt qua mức này. “Năm 2023 không giống các năm trước, vốn rất lớn và tỷ lệ đạt cao với 51,38% cho thấy đây là kết quả rất tốt,” ông Phương cho hay.
Về động lực tăng trưởng thứ hai, theo BVSC, đầu tư tư nhân có triển vọng hồi phục khi mặt bằng lãi suất đã về mức rất thấp và môi trường kinh doanh được cải thiện.
Trong báo cáo mới đây, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng cho rằng lãi suất huy động chạm đáy sẽ kích thích nhu cầu vay trở lại trong quý IV.
Sau các đợt giảm lãi suất huy động liên tục, hiện tại lãi suất huy động bình quân của khối NHTMCP Nhà nước đã về mức tương đương giai đoạn COVID-19 ở các kỳ hạn ngắn 1 - 3 tháng và kỳ hạn dài từ 12 tháng trở lên.
Tuy nhiên vẫn cao hơn 45 điểm cơ bản so với mặt bằng thấp của giai đoạn COVID ở các kỳ hạn 3 - 6 tháng.
Trong khi đó, lãi suất huy động của khối NHTMCP tư nhân cao hơn từ 50 - 70 điểm cơ bản đối với kỳ hạn 1 - 9 tháng, và chỉ cao hơn từ 15 - 20 điểm cơ bản ở các kỳ hạn 12 tháng trở lên.
VDSC cho rằng lãi suất huy động đã về vùng đáy và khó có thể giảm thêm trong quý IV khi lãi suất thực đang dần thu hẹp khi lạm phát tăng lên và tín dụng tăng tốc hơn trong quý cuối năm.
"Khi lãi suất huy động chạm đáy cũng là lúc niềm tin kinh doanh và tiêu dùng phục hồi trở lại. Theo đó, điểm đáy của lãi suất huy động sẽ kích hoạt tâm lý vay đầu tư và tiêu dùng trở lại. Do đó, chúng tôi cho rằng kịch bản tăng trưởng tín dụng cả năm ở mức 11 - 12% là phù hợp", nhóm phân tích dự báo.
Về động lực tăng trưởng thứ ba, BVSC nhấn mạnh FDI kỳ vọng được hưởng lợi với dòng vốn từ Mỹ sau khi hai nước trở thành đối tác chiến lược toàn diện.
Dòng vốn FDI vẫn ổn định, đạt 15,9 tỷ USD (tăng 2,2% so với cùng kỳ) trong 9 tháng đầu năm 2023.
Vốn FDI đăng ký mới 9 tháng đầu năm 2023 tăng mạnh từ mức thấp vào trong năm 2022 lên 10,2 tỷ USD (tăng 43,6% so với cùng kỳ). Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo và bất động sản lần lượt chiếm 84,7% và 5,9% vốn FDI đăng ký mới.
Đồng quan điểm, Chứng khoán Mirae Asset Việt Nam mới đây cũng dự báo lạc quan về thu hút FDI vào Việt Nam thời gian tới sau sự kiện Việt Nam - Mỹ nâng cấp quan hệ.
Các chuyên gia tại đây cho rằng quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ có thể mở đường cho các dự án FDI từ nước này đến Việt Nam (chiếm khoảng 2,6% tổng vốn FDI của các dự án còn hiệu lực), đặc biệt trong lĩnh vực bán dẫn và năng lượng tái tạo.