Thời sự

Vụ 15 ngư dân gặp nạn trên biển: Trông chờ vào phép mầu

Ngày 17-10, tại tỉnh Quảng Nam trời liên tục trút mưa, không khí tại các làng biển ở xã Tam Giang và Tam Quang (huyện Núi Thành) thêm u buồn bởi tin tức về những ngư dân mất tích vẫn chưa khả quan.

Nước mắt lăn dài

Tại nhà của ngư dân Đỗ Văn Hải (thôn 4, xã Tam Giang), khoảng 20 người tập trung ngóng chờ tin tức từ các đội cứu nạn từ biển gửi về. Trên gương mặt ai cũng tỏ rõ sự lo lắng. Họ hàng, bà con chòm xóm liên tục ra vào thăm hỏi, động viên.

Gia đình ông Hải có 3 người đi trên con tàu bị chìm, gồm ông Hải, em ruột ông Hải là ông Đỗ Văn Trung và người cháu gọi bằng cậu. Trong đó, ông Trung đã được thuyền bạn cứu sống lúc tàu mới chìm.

Bà Đỗ Thị Hồng (54 tuổi, chị ruột ông Hải), cho biết khi hay tin tàu chìm, cả gia đình quá sốc. Từ rạng sáng 17-10, mọi người liên tục thắp hương cầu nguyện. Đến trưa 17-10, gia đình nhận được thông tin ngoài biển báo về cho biết đã tìm được ông Hải nhưng ông không qua khỏi. Sau đó, gia đình nhận được tin báo sau khi đưa lên tàu, sơ cứu thì ông Hải đã tỉnh lại. Lúc này, cả gia đình vỡ òa niềm vui. Thế nhưng đến chiều 17-10, gia đình lại nhận tin ông Hải đã qua đời!

Cách nhà ông Hải không xa, ngôi nhà ông Đặng Thống Tới (SN 1961, ngư dân mất tích) nghi ngút khói hương. Con trai ông Tới là anh Đặng Thế Công đứng trước cửa nhà, ngóng chờ tin từ lực lượng cứu hộ trên biển. Anh Công nói gia đình anh chỉ biết thắp hương cầu khấn với hy vọng phép mầu xảy ra. Nói rồi, anh quay mặt đi chỗ khác, cố giấu dòng nước mắt lăn dài.

Vụ 15 ngư dân gặp nạn trên biển: Trông chờ vào phép mầu - Ảnh 1.

Người thân của ngư dân Đỗ Văn Hải ngồi bần thần trước nhà chờ tin tức từ lực lượng cứu nạn báo về

Nhà của ngư dân Lương Văn Viên (47 tuổi), chủ tàu cá bị chìm cũng ở thôn 4, xã Tam Quang. Vợ ông Viên cho biết tàu cá của gia đình mình mới xuất bến vươn khơi được hơn 10 ngày. Sáng 17-10, khi hay tin tàu bị chìm, vợ ông Viên ngất xỉu. Ông Viên may mắn được tàu bạn cứu sống, còn các bạn thuyền, chủ yếu là người thân quen với gia đình ông, gặp nạn; riêng chiếc tàu câu mực mãi nằm lại biển khơi.

"Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm... Biết là cực khổ, nguy hiểm nhưng đây là nghề nuôi sống gia đình" - bà Tuần, vợ ông Viên, buồn bã.

Khẩn trương tìm kiếm

Theo báo cáo của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam, khoảng 19 giờ 30 phút tối 16-10, tàu QNa 90129 TS hành nghề câu mực, trên tàu có 54 lao động, đang hoạt động tại vùng biển cách đảo Song Tử Tây thuộc quần đảo Trường Sa khoảng 70 hải lý thì bị lốc xoáy làm chìm tàu. 40 thuyền viên được tàu bạn gần đó cứu nạn, 14 ngư dân không may mất tích. Đến chiều 17-10, các tàu cá của ngư dân đã tìm vớt được 3 người, trong đó 2 người khi mới phát hiện còn sống nhưng sau đó đã qua đời, 1 người khi được phát hiện đã chết.

Ngoài tàu QNa 90129 TS, lúc 1 giờ ngày 17-10, tàu câu mực QNa-90927 TS đang hoạt động tại vùng biển cách đảo Song Tử Tây khoảng 135 hải lý thì bị sóng đánh chìm. 38 thuyền viên trên tàu may mắn được tàu bạn cứu sống, 1 ngư dân mất tích.

Hiện tại, lực lượng chức năng và hàng chục tàu cá của ngư dân vẫn tích cực tìm kiếm tung tích của 12 ngư dân còn lại. Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, ngày 17-10 đã có văn bản đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo các lực lượng liên quan hỗ trợ tìm kiếm, cứu nạn. 

Huy động tối đa các lực lượng

Ngày 17-10, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký Công điện 970/CĐ-TTg về việc tổ chức tìm kiếm, cứu nạn 15 ngư dân trên 2 tàu cá bị chìm tại khu vực đảo Song Tử Tây.

Trong công điện, Thủ tướng yêu cầu Bộ Quốc phòng chỉ đạo các đơn vị và lực lượng chức năng tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) huy động tối đa các lực lượng, phương tiện, khẩn trương triển khai nhanh nhất các biện pháp tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ các ngư dân mất tích. UBND các tỉnh, thành phố khu vực miền Trung phối hợp với Bộ GTVT rà soát các phương tiện vận tải biển đang neo đậu và hoạt động khu vực vùng biển nêu trên, kịp thời huy động tham gia tìm kiếm cứu nạn các ngư dân. Thủ tướng yêu cầu Ủy ban Quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Bộ GTVT, UBND các tỉnh, thành phố và cơ quan chức năng tăng cường chỉ đạo công tác tìm kiếm, cứu nạn đạt hiệu quả.

V.Duẩn

Cùng chuyên mục

Đọc thêm