Các cột mốc mới về giảm tác động đến môi trường được Apple công bố ít ngày trước Ngày Trái Đất (22/4). Cùng với nguyên tố đất hiếm, hãng cũng cho biết 99% cobalt sử dụng trong pin do công ty thiết kế là dạng tái chế, gần đạt mục tiêu 100% cho cả hai đến hết năm 2025 đề ra trước đó.
Nam châm là thành phần sử dụng nhiều nguyên tố đất hiếm nhất trong tổng thể các sản phẩm của Apple. Trong khi đó, pin do Apple thiết kế chiếm hơn 97% tổng lượng cobalt mà công ty sử dụng.
Đất hiếm và cobalt là hai nguyên tố gây ô nhiễm hàng đầu, chủ yếu do quá trình khai thác. Việc sử dụng các nguyên liệu tái chế sẽ giúp giảm đáng kể tác động môi trường trong hoạt động sản xuất cũng như giúp tiết kiệm tài nguyên, chi phí sản xuất về lâu dài. Gần đây, thị trường xe ôtô điện cũng nỗ lực nghiên cứu các loại động cơ không dùng nam châm để hạn chế việc sử dụng đất hiếm trong quá trình sản xuất.

Hệ thống rung phản hồi Taptic Engine sử dụng nam châm có trong các thiết bị của Apple. Ảnh: Apple
Ngoài ra, Apple cũng công bố đã giảm 60% lượng khí thải nhà kính toàn cầu so với năm 2015, cách không xa mục tiêu 75% vào năm 2030. Đây là một phần của nỗ lực trung hòa carbon trong toàn bộ hoạt động kinh doanh trong vòng 5 năm tới. Công ty cũng nỗ lực sử dụng năng lượng sạch từ nhà cung cấp bao gồm 17,8 gigawatt điện tái tạo dùng trong chuỗi cung ứng toàn cầu, giảm hơn 17% lượng khí thải nhà kính so với năm trước.
Với các chuỗi cung ứng, nhà sản xuất iPhone cũng tìm cách để giảm tác động của quy trình công nghiệp đến khí hậu. Trong đó, quy trình sản xuất chất bán dẫn và màn hình phẳng đang là những mối lo hàng đầu khi đều thải ra khí nhà kính flo hóa (F-GHG) cực mạnh, khoảng 8,4 triệu tấn khí nhà kính trong năm 2024. Hiện 26 nhà cung cấp chất bán dẫn trực tiếp cho công ty đã cam kết giảm ít nhất 90% lượng F-GHG từ các cơ sở có hoạt động sản xuất liên quan đến Apple vào năm 2030. Ngoài ra, 100% nhà cung cấp màn hình trực tiếp của công ty cũng đưa ra cam kết tương tự.
Tại Việt Nam, các chuỗi cung ứng của Apple đang sử dụng nguồn năng lượng sạch chủ yếu từ điện gió và điện mặt trời. Công ty cũng đầu tư vào các dự án hấp thụ CO2, điện sạch nhằm "xóa dấu chân carbon" như cung cấp nguồn nước sạch cho hơn 38.000 học sinh tại Hòa Bình thông qua công nghệ thu gom và lọc nước mưa cũng như sáng kiến Power for Impact cung cấp điện tái tạo cho nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa.
Đầu năm nay, Apple ra mắt MacBook Air mới với hơn 55% thành phần tổng thể là nguyên liệu tái chế, tỷ lệ cao nhất trong các sản phẩm của công ty. Trước đó vào tháng 10/2024, hãng cũng giới thiệu Mac mini mới, mẫu máy tính Mac đầu tiên đạt chuẩn trung hòa carbon.