Đường Phạm Thế Hiển tấp nập người qua lại mỗi ngày, các tiệm sửa xe máy nằm ngay mặt tiền đường cũng không đếm xuể. 1 năm trước, khi quyết định mở tiệm sửa xe, anh Sang cũng in luôn tấm bảng với nội dung: "Vá xe miễn phí cho học sinh và shipper", treo ngay trước cửa.
TP.HCM nghĩa tình là loạt bài của Báo Thanh Niên thực hiện nhân dịp 50 năm đất nước thống nhất (30.4.1975 - 30.4.2025).
Loạt bài mong muốn khắc họa những con người thuộc nhiều tầng lớp, tôn giáo khác nhau (trong đó có những tấm gương được Ủy ban MTTQ Việt Nam TP.HCM giới thiệu để bình chọn 50 cá nhân tiêu biểu trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển TP.HCM giai đoạn 1975 - 2025) nhưng đều chung tấm lòng nhân ái, sẵn sàng sẻ chia và giúp đỡ những mảnh đời thiếu may mắn, cần sự cưu mang, chia sẻ.
Bằng những nghĩa tình, họ dìu nhau qua cuộc sống và cùng nhau góp phần dựng xây nên một Sài Gòn - TP.HCM luôn phát triển, bao dung, ấm áp và tràn đầy yêu thương cho tất cả những ai đến vùng đất này.
Vá xe miễn phí cho shipper vì 'đồng tiền kiếm khó'
"Tôi có 19 năm kinh nghiệm làm nghề sửa xe máy. Giai đoạn dịch Covid-19, tôi chuyển sang làm giao hàng một thời gian kiếm thêm thu nhập. Tôi thấy nghề này cánh tài xế rất cực, thu nhập không cao, đồng tiền kiếm ra rất khó", anh Sang chia sẻ nỗi trăn trở. 1 năm trước, khi quyết định mở tiệm sửa xe tại nhà, anh mong muốn giúp những đồng nghiệp một thời đỡ phần nào chi phí.

Anh Sang trước cửa tiệm hôm 2.4
ẢNH: PHAN DIỆP
Treo bảng vá xe miễn phí nhưng khi cần sửa thêm những thứ lặt vặt cho cánh shipper như tăng sên, chỉnh phanh, vặn lại ốc vít lỏng…, anh Sang cũng không lấy tiền. Anh cho biết, tiền công vá xe tay ga trên thị trường hiện nay khoảng 40.000 đồng, xe số thì 20.000 đồng, việc lặt vặt khác là 10.000 đồng.
Anh Sang không nhớ rõ số lượng những người mình đã giúp. Hôm nào nhiều thì giúp được 2 - 3 trường hợp, hôm thì không có khách nào. Anh thật thà: "Tôi vá xe giúp họ xong thì quên ngay".
Anh Sang kể, khi giúp đỡ mọi người, anh không mong được trả ơn. Tuy nhiên, vì khá bất ngờ về lòng tốt của anh thợ sửa xe, nhiều người vẫn cố dúi tiền vào tay anh. Khi anh Sang nhất quyết không nhận, họ chỉ biết gửi lời cám ơn rồi rời đi.

Tấm bảng nhỏ treo trước cửa tiệm từ ngày khai trương, đến nay đã tròn 1 năm
ẢNH: PHAN DIỆP
"Nghề làm shipper rong ruổi khắp các nẻo đường trong thành phố, không phải hôm nào mọi người cũng tiện đường đi ngang tiệm của tôi. Tuy nhiên, có nhiều anh shipper khi cần sửa xe, thay nhớt…, họ vẫn quay lại chỗ tôi để sửa, dù cách nhà cả chục km", anh Sang kể về mối ân tình mà cánh shipper dành cho anh.
Đôi khi đang bận sửa xe cho khách, có shipper ghé vào nhờ vá xe, anh xin phép khách đợi thêm vài phút, ưu tiên làm cho shipper trước rồi mới quay lại công việc chính.
Anh Nguyễn Ngọc Tài (36 tuổi, ở Q.6), tài xế xe ôm công nghệ nhớ lại cơ duyên biết đến tiệm của anh Sang trong một lần chở khách ngang qua đường Phạm Thế Hiển mấy tháng trước. Khi đó, anh thấy tấm bảng vá xe miễn phí nên lưu lại địa chỉ. Sau một thời gian, anh bị bể bánh xe gần tiệm nên sực nhớ ra và dắt xe đến vá.

Anh Sang cũng thường giữ lại những vỏ bánh xe còn dùng được, khi có khách thay mới để thay cho những người bán vé số, nhặt ve chai miễn phí
ẢNH: PHAN DIỆP
"Tôi bất ngờ khi anh Sang nói không lấy tiền. Di chuyển nhiều nhưng ít thấy có nơi nào bơm, vá xe miễn phí. Đỡ tốn khoảng 30.000 - 40.000 đồng vá xe, tôi để dành mua nước hay dĩa cơm ăn cũng đỡ. Thấy chỗ anh Sang tốt nên thỉnh thoảng tiện đường tôi ghé vào nghỉ chân, xin nước để uống", anh Tài cho biết.
Không có của thì giúp bằng công
Anh Sang sinh ra và lớn lên ở TP.HCM. Trong suốt quá trình trưởng thành, anh cũng từng nhận được nhiều sự giúp đỡ của "người dưng", như lúc hết xăng hay hư xe giữa đường. Những lúc như thế, anh Sang thấy ấm lòng, ghi nhớ mãi.
Chị Huỳnh Kim Ái, vợ anh Sang chia sẻ: "Vì chúng tôi không có của, không giàu có nên sẽ giúp mọi người bằng cái công của mình".
Người vợ hoàn toàn đồng tình với việc giúp đỡ mọi người của chồng vì biết rõ sự vất vả của nghề shipper qua thời gian chồng làm nghề này. Chị Ái nhớ rõ những lúc thấy chồng ráng nhịn qua bữa, đợi về ăn cơm ở nhà để tiết kiệm, hôm nào ế khách phải tranh thủ chạy đến nửa đêm.

Tiệm của anh Sang mở cửa từ sáng đến khoảng 19 giờ nhưng vẫn sẵn sàng hỗ trợ mọi người khi còn thức
ẢNH: PHAN DIỆP
Ở tiệm của anh Sang còn có một điều đặc biệt, đó là miễn phí bơm bánh xe cho tất cả mọi người. Trên thị trường hiện nay, trung bình bơm một bánh xe tốn 3.000 đồng, 2 bánh xe thì 5.000 đồng.
Mỗi ngày, anh Sang có thể kiếm được cả trăm ngàn đồng từ việc bơm hơi, thế nhưng anh từ chối nhận tiền. Nhiều người hỏi anh nếu số tiền lẻ đó để dành bỏ ống heo cuối tháng cũng kiếm được vài triệu nhưng anh chỉ cười, nói: "Giúp được mọi người như thế, tôi thấy vui hơn".
Bà Kiều Trinh (56 tuổi, ở Q.Bình Tân) hôm 2.4 có việc đi ngang qua đường Phạm Thế Hiển nên ghé vào tiệm anh Sang bơm 2 bánh xe. Khi hỏi anh Sang bao nhiêu tiền để trả, bà Trinh bất ngờ khi anh nói không lấy tiền.
"Tôi nghe ở Sài Gòn này cũng có nhiều người làm việc tốt, giúp đỡ người khác không lấy tiền nhưng giờ mới gặp. Tuy chỉ vài ngàn đồng thôi nhưng được miễn phí thế này tôi cũng thấy vui lắm", bà Trinh nói cám ơn anh Sang rồi vặn tay ga đi tiếp.