Bích Thủy (30 tuổi, ở Tuyên Quang) dặn mẹ từ trước nên có người hỏi, bà bảo con gái ra ngoài chơi với bạn. "Thật ra mừng tuổi mùng 1, mùng 2 là cháy túi rồi. Nếu mùng 3 không hạn chế, sau Tết phải vay tiền đi", Thủy kể.
Cô gái làm nhân viên văn phòng ở Hà Nội, thu nhập hơn 8 triệu đồng một tháng năm nay không có thưởng Tết. Về quê, Thủy sắm một bộ quần áo mới cho mình, cho bố mẹ và biếu Tết 2 triệu đồng, còn giữ lại mừng tuổi, tiêu vặt trong thời gian ở nhà. "Trẻ con ngày càng nhiều. Cháu trong nhà, trong họ cả vài chục đứa, con của bạn bè cũng cả chục đứa", Bích Thủy nói.
Cô đã cố gắng tính toán cặn kẽ, chia mức mừng tuổi theo độ thân thiết. "Tôi không tiếc tiền khi mừng tuổi, chỉ là không có tiền", Thủy giải thích.
Áp lực của Thủy phổ biến ở nhiều người. Trong khảo sát của VnExpress với 1.000 độc giả, 11% cho biết chi trên 30% lương trung bình hàng tháng cho việc mừng tuổi, nhóm chi 10-30% chiếm 19% và nhóm chi dưới 10% lương trung bình hàng tháng là 70%.
Tuy nhiên, khảo sát khác cũng với 1.000 độc giả cho thấy, 74% coi mừng tuổi là áp lực tài chính, vì Tết có quá nhiều khoản phải chi; chỉ 26% hào hứng và vui vẻ với truyền thống này.
Theo PGS.TS Nguyễn Đức Chiện, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, những ngày đầu năm người Việt có nghi thức tặng quà hoặc mừng tuổi người già và trẻ con bằng những đồng tiền mới nhất (có thể để trong phong bao lì xì), giá trị không quá lớn. "Phong bao lì xì dành cho người già gửi gắm lời chúc phúc lộc, sức khỏe, trường thọ và với trẻ nhỏ là lời chúc học giỏi, khỏe mạnh và may mắn", ông nói.
Tuy nhiên, ông cho rằng ngày nay, cách tặng, nhận mừng tuổi của không ít người đánh mất ý nghĩa nguyên bản của truyền thống này.
Cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân đã thay đổi theo hướng hiện đại, phân tầng xã hội, sự khác biệt về kinh tế, tài chính ngày càng rõ nét. Nhiều người Việt đánh giá tình hình tài chính, địa vị xã hội của người khác qua số tiền người đó mừng tuổi.
"Với những người có điều kiện tài chính, mừng tuổi nhiều không sao, nhưng với người thu nhập thấp, mừng ít sẽ thấy khó coi, thiếu tự tin mà mừng nhiều trở thành gánh nặng cuộc sống sau dịp lễ tết, thậm chí mâu thuẫn cá nhân, mâu thuẫn vợ chồng", ông nói.
Cũng vì không muốn khó coi với người nhận mừng tuổi mà vợ chồng Minh Hằng (40 tuổi, ở Hà Nội) đầu năm đã khó chịu với nhau. Hôm mùng 1 Tết năm ngoái, vợ chồng chị đến thăm người họ hàng. Ngồi chưa ấm chỗ, bà cụ hơn 80 tuổi nói chuyện được mừng tuổi một triệu đồng. Nghe thế, chồng chị Hằng rút một triệu mừng tuổi, thay vì 500.000 đồng như hai vợ chồng đã bàn tính.
Chị vợ trách chồng sĩ diện hão, còn anh bảo chị xét nét với người già. "Không phải trẻ con mới không biết cách cư xử đâu, nhiều người lớn cũng thế, làm mình tặng mà mất vui", chị nói.
Chuyên gia văn hóa Nguyễn Thị Hồng (Hà Nội) cho rằng, hiện nay, nhiều người đã khiến mừng tuổi bị biến tướng thành cơ hội trục lợi, thành dịp tiến thân. "Một phần do sự thiếu chặt chẽ trong quản lý về mặt xã hội khiến đạo đức một bộ phận xuống cấp. Mặt khác, do mặt trái của kinh tế thị trường, quá đề cao giá trị vật chất", bà nói.
Nguyễn Kiều Hoa (35 tuổi, quê Phú Thọ) cho biết, khi ra đời mưu sinh mới hiểu mừng tuổi bây giờ mang nhiều lớp nghĩa. Với cô, tặng quà, mừng tuổi một số người ngày Tết là nghĩa vụ, không xuất phát từ tình cảm đơn thuần.
"Không chỉ mừng tuổi họ hàng, cô dì chú bác mà còn phải mừng tuổi sếp, mừng tuổi con sếp", cô nói. Cứ đầu năm, nhóm chat của cô và đồng nghiệp lại bàn bạc xem năm nay mừng sếp bao nhiêu, mừng con sếp thế nào để không quá ít hoặc quá nhiều.
"Ngày tôi còn bé, bố là giám đốc một nhà máy, người đến chúc Tết nườm nượp. Nhưng chỉ năm sau, khi bố tôi nghỉ hưu sớm, chẳng ai đến nữa", Hoa kể. Giờ cô đã hiểu và buồn vì cũng đang hành động như những nhân viên của bố mình ngày xưa. Hoa từng nghĩ đến chuyện thôi mừng tuổi cấp trên, nhưng chưa dám phá thông lệ.
Theo ông Chiện, mừng tuổi ngày nay thường được không ít người dân nhìn nhận và ứng xử theo nguyên tắc "giá trị ngang bằng", nghĩa là có đi có lại. Người này mừng tuổi con mình bao nhiêu, mình sẽ mừng lại bấy nhiêu. "Nếu là người độc thân hoặc chưa có con, chỉ có "cho đi" không "thu về", thì mừng tuổi trở thành khoản tốn kém, khiến họ áp lực tài chính, nhất là đối với những trường hợp không dư giả về tài chính", ông nói.
Chị Ngọc Hà (32 tuổi, ở Nam Định) từ khi lấy chồng đột nhiên mắc bệnh sợ Tết. Hai vợ chồng Hà cưới nhau bốn năm nhưng chưa có con, trong khi trẻ nhỏ ở hai họ cứ ngày một nhiều thêm.
Lương giáo viên của chị hơn 3 triệu đồng, chồng bác sĩ tăng ca cuối năm được ngót nghét chục triệu. Nhưng vợ chồng chị đều là con duy nhất trong nhà, lễ Tết phải sắm sửa cho cả nội, ngoại, mừng tuổi sếp của chồng, của vợ, mừng tuổi con bạn bè, họ hàng.
"Người ta một con, hai con còn gỡ gạc lại chút. Mình mà không mừng tuổi thì cũng áy náy mà mừng thì tốn quá", chị nói.
Những ngày cuối năm, Hà như ngồi trên đống lửa, không biết thưởng Tết của chồng có được một tháng lương không, để có tiền chi phí. Năm nay, nhà nội chị có thêm hai đứa cháu, nhà ngoại đẻ thêm một. Mừng cho người nhà, nhưng Hà thêm áp lực nhiều thứ. "Khoản gì cắt giảm được chứ mừng tuổi thì chỉ có tăng thêm", chị kể.
Ông Chiện cho rằng nghi thức mừng tuổi, tặng quà đầu năm mang giá trị biểu trưng tinh thần, động viên, cố kết giữa các thành viên trong gia đình, dòng họ, cộng đồng.....
Để bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của nghi thức tặng quà, mừng tuổi dịp đầu xuân, mỗi người nên thực hành nghi thức mừng tuổi đúng với bản chất, thay vì quan niệm và đặt nặng vật chất.
"Khi đó, người Việt vẫn giữ được nguyên giá trị tốt đẹp, ý nghĩa của tục mừng tuổi, tránh được áp lực, thậm chí mâu thuẫn, đặc biêt là tiếp tục phát huy giá trị văn hóa này vào sự động viên, khích lệ, chia sẻ và cố kết cao trong cộng đồng", ông nói.
Bích Thủy cho biết, đã nghĩ đến chuyện trốn Tết bởi áp lực tài chính, nhưng vẫn muốn đoàn tụ mỗi dịp đầu xuân. "Có lẽ nên phấn đấu lấy chồng, đẻ con để gỡ chút tiền mừng tuổi", cô cười, nói.
* Tên nhân vật trong bài đã thay đổi.