Thu nhập cuối năm không đủ để về quê thăm nhà
Chị Hoàng Thị Hòa, 38 tuổi, quê Nghệ An, đang làm công nhân tại khu công nghiệp Tân Tạo, quận Bình Tân, TP.HCM, đã gần 10 năm nay chưa về quê thăm gia đình. Cuộc sống kinh tế khó khăn, lương thấp, chị làm công nhân ở đây cũng chỉ được mỗi tháng 7 đến 8 triệu đồng. Chồng chị chạy xe ôm thu nhập bấp bênh bữa được vài trăm bữa thì không có, cuộc sống gia đình vô vàn khó khăn.
“Thu nhập của gia đình chưa đầy 15 triệu đồng mỗi tháng, 2 đứa con đi học, lại đi thuê nhà, nên tháng nào hết tháng đó, thậm chí nhiều lần phải đi vay mượn tạm người quen để trang trải cuộc sống. Cứ đến dịp Tết là các con lại hỏi có về quê đón năm mới cùng ông bà không, tôi chỉ nhìn các con mà không nói được nên lời”, chị Hòa nói trong xúc động.
Chị cho biết, các con luôn mong được về quê để thăm ông bà nội ngoại vào dịp năm mới, vì ông bà nội ngoại đều ở Nghệ An nhưng vì không đủ tiền để về quê cho cả gia đình, nên đành ở lại đón năm mới ở nhà trọ.
Theo chị này, Tết cũng chỉ mua cho 2 đứa nhỏ mỗi đứa một bộ quần áo mới, vài cái bánh chưng và ít đồ dùng cho cả gia đình, khoảng 5 triệu đồng để chi tiêu những ngày Tết cho cả nhà, chứ không có nhiều.
Cùng cảnh ngộ trên, gia đình anh Nguyễn Hữu Danh 41 tuổi, quê Minh Hóa (Quảng Bình) cũng hơn 6 năm chưa về quê đón năm mới cùng gia đình. Anh có gần 15 năm làm việc tại khu công nghiệp Dĩ An (tỉnh Bình Dương), năm nay do tình hình khó khăn nên bị cắt giảm lương, không có đơn hàng để làm thêm ngoài giờ, anh phải tranh thủ buổi tối chạy xe ôm để kiếm thêm thu nhập cho cả gia đình. Vợ anh làm việc tại một công ty May mặc, do không có đơn hàng, nên hiện chỉ được hỗ trợ mức lương cơ bản khoảng 4 triệu đồng.
Anh Danh cho biết, gia đình có 3 người con đang trong độ tuổi ăn học nên chi phí hàng tháng cũng là bài toán khá đau đầu. Tết nguyên đán lại đang đến gần, buổi tối đi làm về anh phải tranh thủ chạy xe ôm đến khoảng tầm 11 – 12h đêm để mong có cái Tết trọn vẹn cho các con nhỏ.
Ảnh minh họa
“Chi phí tiêu Tết của gia đình tôi không nhiều như người ta, có chăng chỉ vài kg thịt heo, 1 kg thịt bò và vài ba cái bánh chưng, ở nhà trọ nên cũng không sắm sửa gì cả, có sao thì dùng vậy”, anh nói.
Anh Danh cho biết, tổng thu nhập của gia đình hiện chỉ khoảng 13 triệu đồng mỗi tháng, chi phí thuê nhà, tiền sinh hoạt cho cả gia đình không đủ, tiền học cho các con thì bố mẹ phải đi làm thêm ngoài giờ, anh chạy xe ôm, chị đi giúp việc tại một khu chung cư, ai thuê gì làm nấy. “Tết đến các cháu cũng mong muốn được đi về quê thăm nội, thăm ngoại nhưng bố mẹ không đủ tiền để đưa cả nhà về đành phải chấp nhận, hứa với các con dịp khác vậy”, anh Danh chia sẻ.
Hàng ngàn công nhân lao động bị mất việc, cắt giảm lương
Thống kê chưa đầy đủ của Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, tính đến tháng 11, cả nước có 1.235 doanh nghiệp gặp khó khăn trong sản xuất, ảnh hưởng tới 472.000 công nhân, trong đó 41.500 người bị chấm dứt hợp đồng lao động. Số liệu của Tổng liên đoàn lao động Việt Nam, từ tháng 9-11, hơn 631.300 lao động ở 28 tỉnh, thành phố, chủ yếu ở phía Nam bị ảnh hưởng. Trong đó, gần 570.000 người bị giảm giờ làm, hơn 34.500 bị cắt giảm và trên 31.000 trường hợp nghỉ không lương hoặc bị tạm hoãn hợp đồng.
Lượng người nhận bảo hiểm thất nghiệp 10 tháng đầu năm tăng khá mạnh. Cụ thể, TP HCM tăng gần 26%, Bình Dương 39,1%, Đồng Nai tăng 54,7%, Tiền Giang tăng 66,5%. Tại Hà Nội, 10 tháng đầu năm, Trung tâm Dịch vụ việc làm Hà Nội ghi nhận hơn 61.400 người đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp, tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, thu nhập của công nhân tại các khu công nghiệp bị cắt giảm khá phổ biến.
PGS Nguyễn Đức Lộc, Viện Đời sống xã hội (Social Life) cho biết, trong thời kinh tế khó khăn, người lao động có nhiều cách ứng xử khác nhau. Có nhóm chọn về quê sớm để tìm việc, kiếm thêm thu nhập, nhóm khác giống như anh Danh, chị Hòa, cố ở lại để giữ việc và kiếm thêm việc làm ngoài giờ. Nhóm còn lại đã nghỉ làm nhưng chờ đợi để hưởng bảo hiểm thất nghiệp.
Tuy nhiên, các chuyên gia như ông Lộc nhận thấy có một nghịch lý là những người chọn về quê thường là người trẻ, khoảng 30 tuổi, có nhiều lựa chọn công việc hơn và là nhóm lao động các doanh nghiệp cần tuyển thêm. "Trong khi nhóm lao động lớn tuổi cố trụ lại không có nhiều lựa chọn", ông nói.