Trong kỳ họp sắp tới dự kiến khai mạc ngày 23/10, Quốc hội dự kiến sẽ ban hành Nghị quyết về việc áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu được chính thức áp dụng kể từ 1/1/2024.
Các chuyên gia cho rằng, việc Việt Nam đưa ra các chính sách phù hợp để ưu đãi cho các doanh nghiệp FDI song song với việc áp dụng biểu thuế mới sẽ là bước đi quan trọng để Việt Nam thu hút dòng vốn trong các năm tới.
Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp và nhà đầu tư đều rất mong chờ vào các chính sách liên quan và mong muốn sự ổn định trong môi trường pháp lý tại Việt Nam.
Cơ hội lớn từ thuế tối thiểu toàn cầu
Từ năm 2021, OECD đưa ra tuyên bố Khung giải pháp Hai trụ cột, trong đó Trụ cột thứ hai đặt ra mức thuế tối thiểu toàn cầu 15% đối với các công ty đa quốc gia nhằm ngăn các công ty này chuyển lợi nhuận sang quốc gia có thuế suất thấp để tránh thuế. Đến nay, Khung giải pháp Hai trụ cột đã nhận được sự đồng thuận của 142/142 nước là thành viên IF.
Đối với các nước có vốn đầu tư ra nước ngoài, về cơ bản sẽ áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ năm 2024 để thu thêm phần chênh lệch từ mức thuế thực tế so với thuế tối thiểu toàn cầu (15%). Như vậy, nếu Việt Nam có mức thuế thấp thì các quốc gia có vốn đầu tư vào Việt Nam như Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore,… sẽ thu thêm phần chênh lệch.
Ủng hộ Việt Nam thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, song đại diện Hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài cũng khuyến nghị, Việt Nam cần cải thiện môi trường đầu tư, bảo vệ quyền đánh thuế của mình, điều này rất cấp thiết.
Điểm mạnh của chính sách này sẽ ngăn chặn chuyển giá, chuyển lợi nhuận, giúp khuyến khích đầu tư thực chất vào Việt Nam, giúp doanh nghiệp FDI đưa ra phương án đầu tư dài hạn tại Việt Nam. Hình thức ưu đãi dựa trên chi phí đầu tư đang được nhiều quốc gia áp dụng, Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của quốc tế thì nên áp dụng luật chơi chung.
Hiện có khoảng 120 tập đoàn nước ngoài đầu tư vào Việt Nam với khoảng trên 1.000 doanh nghiệp chịu ảnh hưởng của thuế tối thiểu toàn cầu khi áp dụng từ năm 2024. Số tiền thu thêm do phần thuế chênh lệch năm 2024 ước tính khoảng trên 14.000 tỷ đồng.
Do đó, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu sẽ khiến các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam trở nên kém hấp dẫn với các nhà đầu tư là các tập đoàn công ty đa quốc gia thuộc đối tượng áp dụng.
Đồng thời, thuế tối thiểu toàn cầu cũng gây ra tác động không nhỏ tới các doanh nghiệp vệ tinh của các tập đoàn đa quốc gia cũng như có thể dẫn đến việc chuyển dịch đầu tư từ Việt Nam sang quốc gia khác có chính sách ưu đãi hấp dẫn hơn, môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn.
GS. Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam cũng cho rằng, các nhà đầu tư, các tập đoàn lớn chịu ảnh hưởng về việc thực thi thuế tối thiểu toàn cầu hiện đều đang chờ Quốc hội và Chính phủ Việt Nam ban hành những chính sách liên quan.
Như Thủ tướng Phạm Minh Chính hay nói với các nhà đầu tư “lợi ích phải hài hoà, rủi ro phải chia sẻ”. Đây là nguyên tắc căn bản mà Thủ tướng nhắc đến với cộng đồng doanh nghiệp để cùng nhau vượt qua khó khăn. Trong tháng 10 này, Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết để thực thi thuế tối thiểu toàn cầu vào đầu năm 2024 và giao cho Chính phủ ra Nghị định để thực hiện.
Theo ông, việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu cũng là một cơ hội cho Việt Nam khi ngăn chặn được điểm yếu chưa xử lý được vấn đề chuyển giá trốn thuế đối với các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, nếu có một cơ chế thuế tối thiểu toàn cầu tốt cộng với những lợi thế mà hiện nay thì đó lại là một cơ hội lớn.
"Chúng ta có một thị trường thế giới rất tốt nhờ 15 hiệp định thương mại tự do đã ký và những hiệp định đang chuẩn bị thương lượng và ký. Tất cả các yếu tố thuộc về lợi thế của Việt Nam sẽ được nhân lên", ông nói.
Cần có chính sách hỗ trợ khác biệt hơn nữa cho NĐT
Đề xuất về việc ban hành các chính sách khuyến khích đầu tư sau khi áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp bổ sung theo quy định chống xói mòn cơ sở thuế toàn cầu, Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu tại Việt Nam đề xuất các biện pháp ưu đãi như: Miễn thuế nhập khẩu, kéo dài thời gian miễn thuế đất và ưu đãi dựa trên chi phí, đặc biệt là chi phí nghiên cứu và phát triển.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế - Xã hội mới đây, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho rằng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu sẽ có ảnh hưởng rất lớn tới các doanh nghiệp FDI trong thời gian tới.
Trong bối cảnh đó, theo ông Choi Joo Ho, Việt Nam và các doanh nghiệp nước ngoài cần có sự đối phó một cách thông minh về vấn đề này. Trong đó, chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư phải duy trì được môi trường đầu tư hấp dẫn.
Ông cho hay chính sách hỗ trợ cho nhà đầu tư không chỉ là ưu đãi về thuế mà cần có sự phân chia và khác biệt hơn nữa. "Cần có chính sách hỗ trợ khác biệt hơn nữa cho các nhà đầu tư, đặc biệt cần có chính sách hỗ trợ mới cho các nhà đầu tư có đóng góp lớn cho sự phát triển của quốc gia, tuyển dụng số lượng lớn, các nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ cao, năng lượng xanh", ông Choi Joo Ho nhấn mạnh.
Trước đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từng có đề xuất thí điểm chính sách hỗ trợ đầu tư với các nhóm doanh nghiệp FDI chất lượng cao, quy mô lớn với nội dung các khoản hỗ trợ được cấn trừ vào nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp hoặc được chi trả trực tiếp bằng tiền từ ngân sách nhà nước.
Theo đó, bên cạnh các hình thức hỗ trợ đầu tư như: Đào tạo, phát triển nguồn nhân lực, hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, chi phí đầu tư tài sản cố định và chi phí sản xuất sản phẩm công nghệ cao, Bộ đề xuất hai phương án hỗ trợ đầu tư tính theo trần trên tổng mức đầu tư và trần trên doanh thu.
Tuy nhiên, để kiểm soát ngân sách Bộ cũng đề xuất ngân sách Nhà nước bố trí trong dự toán ngân sách hằng năm để thực hiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư. Chính phủ sẽ quy định chi tiết mức độ, trình tự, thủ tục áp dụng các hình thức hỗ trợ trong Nghị quyết đang xây dựng.