Chùa Linh Ứng hay còn gọi là Ngọc Sơn Linh Ứng Thiền Tự, nằm trong quần thể khu danh thắng quốc gia Kim Sơn, thuộc xã Vĩnh An, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa.
Được bao bọc bởi những dãy núi đá vôi hùng vĩ, chùa Linh Ứng tọa lạc ở vị trí sơn thủy hữu tình, giữa hai hang động lớn nhất huyện Vĩnh Lộc là Ngọc Kiều và Kim Sơn.
Trong suốt 15 năm qua, ngôi chùa Linh Ứng đã trở thành nơi cưu mang hàng trăm con khỉ sống nơi vách đá. Bởi mỗi ngày mới bắt đầu, đàn khỉ được Đại đức Thích Tĩnh Hải trụ trì chùa Linh Ứng mang ngô ra chiêu đãi.
Theo Đại đức Thích Tĩnh Hải, trụ trì chùa Linh Ứng, năm 2009, khi ông tiếp quản ngôi chùa đã thấy đàn khỉ hoang từ núi đá xuống sân nhà chùa để tìm thức ăn. Thương đàn khỉ đói, hằng ngày ông mang ngô rải ra sân để "đãi" bầy khỉ.
Thầy Hải cho biết, những năm 2009, bầy khỉ chỉ có khoảng vài chục con, nhưng đến nay đã lên đến hàng trăm con, trong khi đó thức ăn là hoa quả trên núi đá không đủ cung cấp cho bầy khỉ.
Thấy mỗi ngày khỉ sinh trưởng nhiều hơn nên thầy Hải đã mua ngô cùng với người dân địa phương, khách tham quan mang đến chùa để nuôi bầy khỉ hoang trên núi.
Tuy nhiên, theo thầy Hải, dù bầy khỉ đã gần với những người đến chùa nhưng khi bỏ ngô ở sân chùa hoặc đứng quá gần thì bầy khỉ sẽ không xuống.
Để bầy khỉ xuống ăn, sau khi rải ngô, thầy Hải đi vào bên trong, nếu không có người thì bầy khỉ mới xuống ăn. Dù đói nhưng bầy khỉ luôn cảnh giác cao độ.
Chỉ cần thấy người, bầy khỉ nhanh chóng vượt lên núi nhằm đảm bảo an toàn. Thời gian trôi qua, bầy khỉ đã quen dần nên mỗi buổi sáng nếu đói là chúng lại kéo nhau về khu vực núi đá gần chùa để đợi thầy Hải cho ăn.
Những năm gần đây, khi các dãy núi đá vôi được cấp phép khai thác cũng là lúc bầy khỉ đến gần với chùa Linh Ứng hơn với lý do nơi sinh sống bị hẹp lại, cộng với tiếng nổ mìn ngày 2 đến 3 lần nên đàn khỉ sợ tìm về chùa để trú ngụ, sinh tồn.
“Tôi chứng kiến cảnh hàng chục con chạy tán loạn mỗi khi có tiếng nổ mìn, nhìn cảnh tượng ấy nhiều người đến chùa không khỏi thương xót. Đặc biệt có lúc một con khỉ vừa qua đời giữa sân chùa thì nhiều con khác đã đưa đi chôn cất, nhìn cảnh ấy tôi không khỏi rớt nước mắt.
Mỗi ngày như thường lệ, những đàn khỉ từ dãy núi đá hùng vĩ vẫn xuống chùa xin ăn… Và cũng từ đây tôi luôn vận động các phật tử du khách, người tham quan đến chùa đem theo ngô để giúp đỡ bầy khỉ không bị đói khát mà chết.
Để bảo tồn bầy khỉ hàng trăm con trên núi đá Vĩnh An, tôi chỉ mong các cấp chính quyền cần có giải pháp hạn chế khai thác đá, cấp mỏ để những bầy khỉ có môi trường sống, được sinh tồn phát triển như bao loài khác trên trái đất này" - Thầy Hải chia sẻ.
Trao đổi với PLO, bà Hà Thị Nhàn là người trông coi chùa Linh Ứng cho biết, thông thường vào mùa đông, khỉ xuống ăn đúng giờ còn mùa hè thì thường không cố định thời gian vì trên núi có hoa quả, nhưng các loại hoa quả cũng cạn kiệt khiến bầy khỉ ăn cả các loại lá.
Đối với du khách khi về với chùa Linh Ứng không chỉ cảm nhận được vùng đất như tiên cảnh là hang động, núi đá hùng vĩ, còn là dòng sông nở hoa súng đẹp mê mẩn lòng người cùng với những bầy khỉ nô đùa đu trên những vách núi đá dựng đứng nơi đây.
Mỗi sáng bình yên ở chùa Linh Ứng nơi 'cưu mang' những đàn khỉ cũng là một ngày sư trụ trì ngôi chùa mong mỏi cấp chính quyền địa phương không cấp thêm mỏ khai thác đá, cũng như có những giải pháp lâu dài để đàn khỉ phát triển tự nhiên, tự sinh tồn.