Chiều 15/12, Thủ tướng gặp các doanh nghiệp tỉnh Gunma, tỉnh miền Trung của Nhật Bản. Thủ tướng Phạm Minh Chính nói ấn tượng trước cách đi, phát triển độc đáo của họ. Gunma là tỉnh có thế mạnh về ngành sản xuất thiết bị vận tải, linh kiện, thực phẩm, hóa học, nhựa; cũng là địa phương đi đầu tại Nhật Bản trong chuyển đổi số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế số.
Thủ tướng cho rằng những kinh nghiệm kinh doanh của doanh nghiệp Nhật có thể bổ sung cho Việt Nam về công nghệ, dịch vụ, giải trí.
Ôtô, điện gia dụng và thực phẩm là những lĩnh vực nổi tiếng ở Nhật Bản. Vì thế, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp Nhật tăng hợp tác đầu tư, sớm chuyển giao công nghệ, sử dụng lao động, nguyên liệu Việt Nam.
Ông giao lãnh đạo các địa phương, bộ ngành Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ các doanh nghiệp của Gunma đến đầu tư.
11 tháng đầu năm, Việt Nam thu hút gần 30 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 15% so với cùng kỳ năm 2022. Vốn giải ngân khoảng 20 tỷ USD, chủ yếu trong các lĩnh vực chế biến, chế tạo, chuyển đổi xanh.
Chia sẻ trước đó, ông Hiromasa Tsuchiya, Tổng giám đốc Tập đoàn Cainz - một trong những doanh nghiệp sản xuất đồ nội thất lớn nhất Nhật Bản - cho biết vừa mở chi nhánh tại Thượng Hải (Trung Quốc) và mong muốn điểm đến đầu tư tiếp theo tại Đông Nam Á sẽ là Việt Nam. Cainz hiện có 300 cửa hàng tại Nhật, doanh thu mỗi năm 3,5 tỷ yen.
Tương tự Cainz, Hotland Co.Ltd - doanh nghiệp sở hữu hơn 700 cửa hàng bánh bạch tuộc Takoyaki tại Nhật Bản - cũng muốn sớm có cửa hàng đầu tiên tại Việt Nam. Điều thôi thúc CEO Morio Sase rót vốn vào Việt Nam xuất phát từ ấn tượng với tình cảm, sự chân thành và thân thiện của hơn 100 lao động người Việt làm việc tại công ty này.
"Chúng tôi rất muốn sau chuyến thăm của Thủ tướng, việc đầu tư được thúc đẩy nhanh hơn", Morio Sase chia sẻ.
Cainz và Hotland chỉ là hai trong số nhiều doanh nghiệp của tỉnh Gunma thuộc các lĩnh vực thực phẩm, sản xuất linh kiện điện tử, thiết bị điện, ôtô nói rất muốn rót vốn vào Việt Nam.
Thủ tướng nói Việt Nam đang tiến hành 3 đột phá chiến lược, gồm thể chế, hạ tầng và nhân lực chất lượng cao. Trong đột phá về thể chế, Việt Nam hướng tới thị trường cạnh tranh, cân đối cung - cầu, giảm can thiệp hành chính. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn cần điều tiết, can thiệp với các mặt hàng thiết yếu như xăng dầu, điện.
Việt Nam cũng đang thực hiện đột phá phát triển hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông. Việc này sẽ giúp giảm chi phí logistics, hiện chiếm 17% GDP, mức rất cao và tác động tới chi phí doanh nghiệp.
"Chi phí logistics giảm sẽ giúp hạ giá đầu vào, giá thành sản phẩm, đồng thời tăng tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam", người đứng đầu Chính phủ nói.
Về nhân lực, ông thừa nhận đây là điểm yếu mà Việt Nam cần tập trung cải thiện để thu hút các doanh nghiệp nước ngoài, trong đó có Nhật Bản tới đầu tư.
Ông cũng mong các doanh nghiệp vào đầu tư, mang lại lợi ích cũng như thắt chặt quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa hai nước. Chẳng hạn, Nhật Bản có kinh nghiệm trong xây dựng đường sắt cao tốc, có địa hình tương đồng Việt Nam, nên hai bên có thể nghiên cứu hợp tác trong lĩnh vực này.
Gunma là tỉnh nằm gần Tokyo và là quê hương của 4 thủ tướng Nhật. GDP năm 2021 của tỉnh này khoảng 62 tỷ USD. Hiện có 45 doanh nghiệp của Gunma đầu tư vào Việt Nam trong các lĩnh vực nhựa, thiết bị vận tải. Khoảng 12.000 người Việt đang sinh sống, làm việc tại đây, là cộng đồng người nước ngoài lớn nhất tại Nhật.
Thủ tướng Phạm Minh Chính hôm nay bắt đầu chuyến công tác tại Nhật và dự Hội nghị cấp cao kỷ niệm 50 năm ASEAN - Nhật Bản cũng như tiến hành các hoạt động song phương.
2023 là năm Việt - Nhật kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao. Hai nước đã nâng cấp quan hệ lên Đối tác Chiến lược Toàn diện hồi tháng 11. Nhật Bản là đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam, đứng thứ nhất về cung cấp viện trợ ODA, thứ hai về hợp tác lao động, thứ ba về đầu tư và du lịch, thứ 4 về thương mại.